Ngân hàng “sốt ruột” chờ xem xét mở rộng mạng lưới giao dịch!

Cập nhật: 11-06-2011 | 00:00:00

Để đưa hệ thống ngân hàng (NH) đạt chuẩn theo thông lệ quốc tế đòi hỏi các NH phải xây dựng lại mô hình của hệ thống, nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động... Thực hiện lộ trình này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có chủ trương siết lại trào lưu thành lập NH. Do nhiều nguyên nhân, việc ban hành các văn bản hướng dẫn còn chậm khiến cho hoạt động mở rộng mạng lưới của các NH đang bị ngưng trệ.

Những khó khăn sau công văn 1511

Báo cáo tài chính hàng năm từ các NH cho thấy, tỷ suất lợi nhuận thu về từ hoạt động tài chính, NH trung bình đạt khoảng 12%-15%. Vì vậy, không ít doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế (hoạt động trong lĩnh vực không liên quan gì đến NH, chẳng hạn như dầu khí, công nghệ, dệt may...) nhập cuộc, hình thành mạng lưới NH trải khắp các tỉnh thành cả nước. Tính đến thời điểm 8-6-2011 trên địa bàn tỉnh Bình Dương có 59 chi nhánh NH, tổ chức tín dụng.

 Thành lập phòng giao dịch mới để tiếp cận thuận lợi với khách hàng là nhu cầu của nhiều ngân hàng hiện nay Theo NHNN chi nhánh Bình Dương, hiện nay số lượng chi nhánh các NH trên địa bàn tỉnh tương đối nhiều, mọc liền kề nhau và tập trung chủ yếu ở những khu vực dân cư đông đúc. Sự cố gắng chạy đua phát triển nhanh về số lượng nhưng lại không chú trọng đến chất lượng hệ thống mạng lưới của nhiều NH đã tạo nên sự mất cân đối cung, cầu; hệ thống mạng lưới không tương xứng với quy mô vốn; khả năng quản trị điều hành còn yếu (thiếu cán bộ quản lý chủ chốt, cán bộ không đủ trình độ nghiệp vụ chuyên môn...). Điều này tạo nên sức ép cạnh tranh lớn giữa các chi nhánh NH dẫn đến tiềm ẩn rủi ro do hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh (cuộc chạy đua lãi suất thu hút nguồn vốn huy động).

NHNN Việt Nam đã ban hành Công văn số 1511/NHNN-TTGSNH ngày 25-2-2011 tạm dừng việc xem xét cho đăng ký mở phòng giao dịch và đang nghiên cứu ban hành Thông tư hướng dẫn việc mở rộng mạng lưới phù hợp. Tuy nhiên, sự bất ngờ của Công văn này đã gây không ít khó khăn cho một số các chi nhánh NH trong việc thực hiện kế hoạch kinh doanh của chi nhánh mình. Trong khi đó, ngay từ đầu năm 2011 các NH đã xây dựng các chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng mạnh, tập trung chủ yếu mở rộng mạng lưới hoạt động ở các tỉnh, thành. Vì vậy, so với kế hoạch thì việc ngưng cấp phép mở phòng giao dịch theo công văn 1511 đã làm một số NH trễ so với tiến độ thực hiện từ 3-6 tháng.

Một cán bộ NH TMCP tại TX.TDM cho biết, trong tháng cuối năm 2010 NH này có trình hồ sơ lên NHNN Chi nhánh Bình Dương xin mở phòng giao dịch, thời gian dự kiến khai trương vào đầu tháng 3-2011. NH đã phải chuẩn bị tìm kiếm mặt bằng, ký hợp đồng tuyển dụng nhân viên..., mọi công tác chuẩn bị đưa phòng giao dịch vào hoạt động gần như đã hoàn tất thì lại có thông tin siết chặt hoạt động này. Không riêng gì chi nhánh NH này mà còn một số chi nhánh

NH khác như Sacombank, Techcombank,... cũng ngậm ngùi hoãn kế hoạch mở rộng so với dự kiến ban đầu.

Tháo gỡ khó khăn

Theo lãnh đạo một số NH thương mại cổ phần, việc sắp xếp đưa hệ thống NH đạt chuẩn theo thông lệ quốc tế là điều cần thiết. Thế nhưng điều mà các NH băn khoăn nhất là đến nay khi bước sang tháng 6-2011 nhưng chủ trương cấp giấy chứng nhận mở rộng mạng lưới (đối với những ngân hàng nộp hồ sơ sau ngày 25-2) vẫn chưa có tín hiệu mới từ phía cơ quan quản lý. Trong khi các NH thương mại đều nâng mức vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng và hiện đang trong tình hình bức bách về vốn.

Nhiều NH thương mại đã thuê mặt bằng hoặc mua đất, trả lương nhân viên... nhưng không thể hoạt động do công văn trên. Trong số 46 NH đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Bình Dương có khoảng 50% là các NH có quy mô nhỏ, mới gia nhập thị trường nên việc mở rộng mạng lưới phòng giao dịch, quỹ tiết kiệm là điều kiện cần thiết để tăng thị phần và tăng sự hiện diện trên thị trường. Tuy nhiên, việc ban hành văn bản tạm ngừng quá gấp gáp của cơ quan quản lý đã khiến một số NH rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan... Hiện nay vẫn còn 4  hồ sơ xin thành lập phòng giao dịch mới đang nằm trên bàn làm việc của NHNN chờ chủ trương mới với mong muốn được tham gia thị trường càng sớm càng tốt và hiện nay đã có 12 phòng giao dịch của các ngân hàng thương mại đủ điều kiện thành lập.

THANH HỒNG

Phó giám đốc NHNN Bình Dương Nguyễn Phú Cường: Các ngân hàng thương mại cần xem lại quy trình xin cấp phép

Giá như ngay từ ban đầu các chi nhánh NH phải đưa ra lộ trình và xin ý kiến của NHNN trước khi tiến hành hàng loạt các công tác chuẩn bị cho việc mở phòng giao dịch thì việc ban hành công văn 1511 không gây ảnh hưởng lớn cho các NH. Do sự nóng vội và thực hiện quy trình ngược nên xảy ra tình trạng trên. Như vậy, về phía các NH thương mại cũng phải xem xét lại quy trình làm hồ sơ xin cấp phép của mình có phù hợp với quy định của NHNN hay không, tránh xảy ra tình trạng chuyện đã rồi.  Cơ quan chức năng sẽ có thông tin cụ thể đến các NHTM khi có Thông tư hướng dẫn từ NHNN Việt Nam về việc mở rộng mạng lưới theo mô hình mới trong Luật NHNN và Luật các Tổ chức tín dụng.

Ngày 17-5-2011 NHNN đã ban hành công văn số 3861 nhằm tháo gỡ những vướng mắc trên. Nội dung công văn xem xét giải quyết cho những NH thương mại gửi hồ sơ mở phòng giao dịch về NHNN trước ngày 25-2-2011 và các NH thương mại phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo Quyết định số 13/2008/QĐ-NHNN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=475
Quay lên trên