Ngân hàng tăng cung tín dụng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế
Theo dõi Báo Bình Dương trên

Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt khoảng 16% trong năm 2025, các ngân hàng không chỉ mang đến nguồn vốn vay linh hoạt mà còn đáp ứng mọi loại hình kinh doanh.

Đa dạng nguồn tín dụng
Từ đầu năm đến nay, nhiều ngân hàng đã tung ra các gói tín dụng ưu đãi nhằm hỗ trợ khách hàng cũng như kích cầu tín dụng đạt mục tiêu tăng trưởng 16% trong năm 2025. Đáng chú ý, nhiều ngân hàng đã và đang tăng tốc đẩy vốn cho vay ưu đãi, đặc biệt là vốn vay cho doanh nghiệp (DN). Ngân hàng Thương mại Cổ phần Lộc Phát (LPbank) có gói vay 8.000 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi chỉ từ 4,8%/năm, quy trình tinh gọn, thủ tục nhanh chóng. Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (Agribank) đang triển khai chương trình cho vay đối với khách hàng DN, áp dụng từ nay đến cuối năm 2025, với lãi suất giảm từ 1,2-1,8%/năm so với lãi suất thông thường, tùy đối tượng, tùy thời hạn vay và các yếu tố khác.
Đối với nhóm khách hàng cá nhân, Agribank đang triển khai 5 chương trình cho vay, như chương trình cho vay tiêu dùng, vay phát triển sản phẩm OCOP, vay tín dụng xanh… với lãi suất ưu đãi. Để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và tạo động lực tiêu dùng hàng hóa nội địa, Agribank cũng phân bổ 70.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi trong gói tín dụng này nhằm hỗ trợ khách hàng đầu tư và mở động hoạt động sản xuất. Đặc biệt, các dự án xanh, thân thiện môi trường sẽ được vay với lãi suất chỉ từ 3,5%/năm. Agribank cũng dành gói tín dụng ưu đãi lên đến 110.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ khách hàng cá nhân. Theo Agribank, trong gói tín dụng này, ngân hàng dành riêng 30.000 tỷ đồng cho các khoản vay phục vụ đời sống, với lãi suất vay ngắn hạn chỉ từ 4,5%/năm, thấp hơn 1% so với lãi suất thông thường và 6%/ năm đối với khoản vay trung dài hạn được áp dụng trong giai đoạn đầu.
Trong khi đó, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương (Vietcombank) có chương trình cho vay lãi suất ưu đãi chỉ từ 4,6%/năm dành cho khách hàng cánhân vay vốn sản xuất, kinh doanh ngắn hạn. Đáng chú ý, quy mô gói tín dụng này lên tới 250.000 tỷđồng… Các ngân hàng khác cũng có kế hoạch giải ngân vốn với các gói tín dụng ưu đãi dành cho từng nhóm khách hàng mục tiêu nhằm thúc đẩy tín dụng tăng trưởng bảo đảm theo kế hoạch.
Tiếp thêm điểm tựa tài chính
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng do Vụ Dự báo Thống kê, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố cho thấy, nhu cầu tín dụng năm 2025 được kỳ vọng tăng đối với tất cả các lĩnh vực, đối tượng, loại tiền và kỳ hạn. Từ kết quả này, tại hội nghị trực tuyến nhà đầu tư mới đây, ông Phạm Như Ánh, Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MB), cho biết năm 2025 MB dành ít nhất 50% chỉ tiêu tín dụng cho phân khúc bán lẻ và các DN vừa và nhỏ; phần còn lại phân bổ cho các DN lớn. Cũng theo ông Phạm Như Ánh, chiến lược tập trung vào phân khúc bán lẻ đã được MB lên kế hoạch cho giai đoạn phát triển 2022-2026. Tuy nhiên, trong 2 năm qua, tín dụng bán lẻ tăng trưởng khá chậm, do thị trường bất động sản đóng băng, nhu cầu mua nhà của người dân chững lại, trong khi nền kinh tế còn khó khăn nên người dân cũng hạn chế đầu tư. Do đó, trong thời gian tới MB sẽ ưu tiên phát triển mảng bán lẻ để bảo đảm chiến lược đề ra.
Ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phương Đông (OCB), cho biết năm 2025 OCB tiếp tục đẩy mạnh hoạt động ngân hàng bán lẻ, đây là chiến lược xuyên suốt của OCB trong các năm qua. Đồng thời, OCB hướng đến những ngành là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế như năng lượng, logistics, bất động sản, nhà ở và mở rộng hệ khách hàng DN vốn đầu tư nước ngoài. Ông Phạm Hồng Hải cho hay thống kê đến cuối năm 2024 cho thấy tín dụng xanh tại OCB tăng 30% so với năm 2023. Trong năm nay, ngân hàng sẽ đẩy mạnh hoạt động mở rộng mô hình ngân hàng mở và tín dụng xanh…
Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực NHNN, cho biết năm 2025 NHNN dự kiến tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống khoảng 16%, tăng khoảng 1% so với kết quả năm 2024. Ông Đào Minh Tú nhấn mạnh vai trò của vốn tín dụng trong nền kinh tế tiếp tục giữ tác động hết sức quan trọng vào thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP trong năm 2025. Điều này cũng đặt trọng trách lên ngành ngân hàng trong mục tiêu giải ngân vốn kịp thời, hiệu quả, bảo đảm chất lượng tín dụng.
“Trong thời gian tới, NHNN sẽ theo dõi sát diễn biến thực tế để điều hành tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng một cách chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả. Qua đó giúp cung ứng đủ vốn tín dụng phục vụ nền kinh tế và bảo đảm an toàn hệ thống, gắn với ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Đồng thời, NHNN giám sát chặt về lãi suất để bảo đảm vừa tạo sự chủ động cho ngân hàng thương mại vừa chia sẻ với DN bằng việc giảm chi phí, giảm lãi suất cho vay tất cả các kỳ hạn. NHNN chủ động điều hành các công cụ của mình để tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng thương mại có thanh khoản, có nguồn vốn, không phải tăng vốn huy động”, ông Đào Minh Tú nói.
Thống kê từ ngày 25-2 đến nay cho thấy, có 23 ngân hàng thương mại điều chỉnh giảm lãi suất từ 0,1-1%. Hiện lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng ở các ngân hàng thương mại Nhà nước như Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương (Vietinbank), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển (BIDV), Agribank cao nhất là 4,7%/năm. Các ngân hàng thương mại khác như Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vương (VPbank) lãi suất cao nhất kỳ hạn 12 tháng là 5,4%/năm; lãi suất cao nhất kỳ hạn 12 tháng tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phát triển TP.Hồ Chí Minh (HDbank) là 5,5%/năm, Ngân hàng Thương mại Cổ phần An Bình (ABbank) là 5,5%/năm… |
THANH HỒNG