(BDO) Các nước đang phát triển khu vực Đông Á-Thái Bình Dương có thể phát triển một cách nhanh chóng trong thập kỷ tới; Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng GDP 6,5% một cách dễ dàng. Đó là thông điệp trong Báo cáo Cập nhật Tình hình kinh tế Đông Á-Thái Bình Dương được Ngân hàng Thế giới (WB) phát đi ngày 7-4 trong buổi công bố báo cáo tình hình cập nhật kinh tế Đông Á –Thái Bình Dương.
Tăng trưởng trong khó khăn
Mặc dù có tỉ lệ xuất khẩu trong GDP cao và một nền kinh tế mở, Việt Nam đã chống chọi với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu tốt hơn so với dự kiến. GDP thực tế đã tăng trưởng 5,3% năm 2009, nhờ các ngành xây dựng tăng cao do chương trình kích cầu tương đối lớn của chính phủ trong khoảng cuối 2008 đến giữa 2009. Sự phục hồi kinh tế cũng đã được củng cố trong những tháng gần đây, với GDP thực tăng 6,9% trong quý cuối năm 2009 so với cùng kỳ năm trước, và tốc độ tăng trưởng khoảng 6% vào quý đầu năm 2010 cũng là đáng khích lệ.
WB: Việt Nam dễ dàng đạt tăng trưởng GDP 6,5% trong năm nay. Ảnh minh họa (Ảnh: Tuổi Trẻ)
WB nhận định, việc Việt Nam dựa vào cầu nội địa để hỗ trợ cho hoạt động kinh tế đã gây nên những áp lực cho cán cân thanh toán nhưng xét về căn bản thì cân bằng đối ngoại của Việt Nam là bền vững. Xuất khẩu đã giảm 9,7% năm 2009, và đây là lần giảm đầu tiên kể từ khi Việt Nam thực hiện cải cách hơn 20 năm trước. Nhập khẩu giảm 14,7%, giúp cho thâm hụt tài khoản vãng lai giảm xuống còn 7,8% GDP, so với 11,9% năm 2008. Các luồng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ước tính đã giảm khoảng 13%, mức giảm không đáng kể trong một năm đầy sóng gió. Năm 2009, thặng dư tài khoản vốn hầu như đã bù đắp được cho thâm hụt trong tài khoản vãng lai.Đối với các khoản nợ của Việt Nam, WB cũng cho rằng, sẽ vẫn ở mức bền vững nếu duy trì được đà phục hồi kinh tế hiện nay, và các cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam sẽ cố gắng duy trì thâm hụt ngân sách ở mức 3-4%, tức là mức của những năm trước khi khủng hoảng. Chính phủ được kỳ vọng là sẽ bù đắp thâm hụt này bằng cách kết hợp giải ngân nhanh các khoản vay ODA và phát hành trái phiếu.
Theo WB, với nền kinh tế toàn cầu đang phục hồi tốt hơn nhiều so với năm 2009, sắp đến lúc Việt Nam cần rút dần các biện pháp kích thích kinh tế của mình. Mục tiêu tăng trưởng GDP thực năm 2010 của Việt Nam là 6,5%, một mức có thể đạt được một cách dễ dàng.
Lạm phát vẫn đáng lo ngại
Theo WB, thâm hụt ngân sách lớn, tăng trưởng tín dụng nhanh chóng cộng với việc tạo an tâm cho các doanh nghiệp nhà nước đã khiến cho tổng đầu tư tăng gấp đôi năm 2009, đẩy tỉ lệ đầu tư trên GDP lên tới 42,8%. Trong khi đó, lạm phát có dấu hiệu tăng trở lại. Giá cả tăng trung bình 6,5% trong năm 2009, so với mức 19,9% năm 2008. Tuy nhiên, nếu so sánh giá cả của từng tháng thì sẽ thấy lạm phát bắt đầu tăng trở lại trong quý cuối cùng của năm 2009. Những tháng ngay trước và sau Tết Nguyên đán có tính chu kỳ nên cũng khó có thể tách biệt xu thế lên giá này, tuy vậy, giá nguyên liệu quốc tế tăng cao, điều chỉnh giá năng lượng để phù hợp hơn với mức giá thế giới đều là những nhân tố làm cho tỉ lệ lạm phát cao hơn. Áp lực lạm phát có thể thấy rõ hơn trên thị trường tài sản, với chỉ số chứng khoán có xu thế đi lên trong nhiều tháng liên tục, và giá đất cũng tăng cao. Các số liệu mới thu thập được về tiêu dùng và giá cả cho thấy rõ rằng lạm phát đã quay lại và tình hình sẽ trở nên bất ổn hơn trong những tháng tiếp theo. Theo các chuyên gia của WB, nhiệm vụ trọng tâm của Việt Nam trong thời gian tới là phải giữ cho lạm phát ở dưới mức 7%, theo yêu cầu của Quốc Hội.
Ngoài ra, theo WB, cán cân thanh toán có thể sẽ vẫn là một thách thức đối với các cơ quan quản lý nhà nước vào năm 2010. Việt Nam cũng được kỳ vọng sẽ giảm dần thâm hụt ngân sách. Kế hoạch ngân sách năm 2010, trong đó dự tính thâm hụt khoảng 6,2% GDP, đòi hỏi thu hẹp chi đáng kể so với năm 2009. WB cũng đánh giá, có một số biểu hiện cho thấy động thái tái cân bằng chính sách đang phát huy tác dụng, và đã có thể nhận thấy một sự quan tâm ngày càng tăng của các nhà quản lý tài sản và nhà đầu tư gián tiếp quốc tế tới Việt Nam. THÀNH SƠN