Lãi suất huy động luôn tỷ lệ thuận với lãi suất cho vay (Ảnh:T.B)Chọn mặt giảm lãi vay
Sau cuộc họp bàn giảm LS cho vay với VNBA, đến nay chỉ có một số NHTM Nhà nước và một số NH cổ phần lớn như ACB, Sacombank, Vietcombank... bắt đầu áp dụng LS cho vay ưu đãi từ 12 - 12,4%/năm đối với lĩnh vực nông nghiệp, khu vực nông thôn, hay vay phục vụ xuất nhập khẩu... Trong khi đó, có rất ít NH nhỏ công bố mức LS cho vay mới. NH Phương Tây (Western Bank) cho biết, từ ngày 5-7 hạ LS cho vay với biên độ 0,48%/năm tùy vào sản phẩm vay nhưng ngược lại cho vay vốn lưu động phục vụ sản xuất - kinh doanh lên đến 14,4%/năm. NH Quân đội (MB) cũng sẽ hạ LS cho vay xuống 12,5%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn, nhưng chỉ áp dụng cho các đối tượng KH doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, DN uy tín...
Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ Nguyễn Ngọc Bảo cho biết, ông rất lạc quan với lộ trình giảm LS của các NH. Theo ông Bảo, trong 6 tháng đầu năm LSHĐ tại các tổ chức tín dụng giảm 0,7%, trong khi LS cho vay tương ứng giảm 1%. Ở thời điểm hiện tại, LSHĐ bình quân trên tất cả các kỳ hạn của các NHTM đạt 11%/năm, LS cho vay 13,4%/năm. Bên cạnh đó, thanh khoản của các NH đã được cải thiện đáng kể, đây là điều kiện tốt để các NHTM tiếp tục giảm chi phí đầu vào.
Tuy nhiên, theo nhận xét từ phía các NH, LS vay giá rẻ như vừa nêu vẫn khó có thể áp dụng cho hầu hết KH vì nhiều lý do. Giám đốc một NHCP thừa nhận, xem sơ qua các hồ sơ tín dụng có nhu cầu vay vốn tại NH của ông thì số tiền vay đã đủ hạn mức tăng trưởng tín dụng trong năm 2010. Trong khi đó nguồn vốn khả dụng thì có hạn nếu không muốn nói là khá căng thẳng; do vậy NH phải ưu tiên cho vay theo thứ tự ưu tiên cá nhân, hộ gia đình, DN vừa và nhỏ, sản xuất nông nghiệp - nông thôn.
Hạ LS có ảnh hưởng tới lợi nhuận?
Theo báo cáo của NHNN, LSHĐ bình quân của các NHTM các kỳ hạn ở mức 11%/năm, trong khi bảng LSHĐ của nhiều NHTM giảm nhẹ hoặc vẫn “nằm im bất động” ở mức 11,5 - 11,7%/năm (chưa bao gồm khuyến mại). Giải thích về điều này, phó giám đốc một NHTM cổ phần trên địa bàn tỉnh cho biết, tính bình quân, nguồn vốn giá rẻ huy động trên thị trường liên NH và thị trường mở, giá vốn của các NHTM đã giảm xuống; trong quý III các NHTM có thể giảm LS cho vay xuống mức 12%/năm. Song, tăng trưởng tín dụng không chỉ dựa vào yếu tố LS mà còn dựa vào khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, nhu cầu vay vốn, nguồn vốn và hoạt động xuất khẩu... Kinh nghiệm cho thấy, có những thời điểm LS cho vay lên tới gần 20%/năm nhưng nhu cầu vay rất lớn và tín dụng vẫn tăng. Ngược lại, nếu nhu cầu không có thì LS 12%/năm hay 10%/năm chưa hẳn mức tăng trưởng tín dụng đã tăng mạnh.
Một trưởng phòng NHTM Nhà nước nhận xét, việc huy động và cho vay đang là tính 2 mặt của một vấn đề. Trong bối cảnh nền kinh tế đang dần hồi phục, việc tiếp cận vốn của người vay chủ yếu phụ thuộc vào chính bản thân họ. Do đó, để tiếp cận vốn dễ dàng hơn thì các KH đi vay sẽ phải hoạt động, sử dụng vốn có hiệu quả và phải bỏ ra chi phí hợp lý cho các khoản vay của mình. Về phía NH, dù rất muốn hạ LS vay theo lời kêu gọi của VNBA nhưng chưa thể giảm LS cho vay trong thời điểm này vì “sức khỏe” của mỗi NH mỗi khác, từ đó chưa mạnh dạn giảm LSHĐ mà vẫn duy trì ở mức trên 11,5%/năm do còn ngại nguồn vốn sẽ chạy sang NH khác, hoặc chuyển đầu tư sang kênh khác, lúc đó hoạt động NH có thể sẽ gặp khó khăn. Cũng theo cán bộ này, các NHTM sẽ phải cân nhắc khi áp dụng LS cho vay với KH. Vì đầu vào cao dẫn đến đầu ra cao. Nhưng nếu LS quá cao, KH sẽ gõ cửa NH khác, lúc đó hiệu quả kinh doanh từ tín dụng có thể sẽ thấp hơn. Do đó, xu hướng tới là phải giảm LS vay nhưng phải bảo đảm lợi nhuận, đây là một trong những yếu tố tăng sức ép cạnh tranh đối với các NHTM khi giảm LS cho vay với KH.
TRÚC HUỲNH