Dù đã lãnh nhiều bài học đau thương, hệ thống ngân hàng châu Âu vẫn tiếp tục trở thành nạn nhân của các “siêu lừa”. Nhà chức trách châu Âu đặt câu hỏi: Làm thế nào mà một nhân viên giao dịch 31 tuổi có thể “thổi bay” 2 tỉ USD của Ngân hàng Thụy Sĩ UBS?
“Siêu lừa” Kweku Adoboli tại Tòa án thành phố London
Ngày 16-9, Cơ quan Dịch vụ tài chính Anh và Cơ quan Thị trường tài chính Thụy Sĩ đã mở cuộc điều tra vụ lừa đảo của nhân viên giao dịch Kweku Adoboli thuộc chi nhánh của UBS tại London. Cảnh sát London cũng đã chính thức buộc tội Adoboli. Theo cáo trạng của Tòa án thành phố London, Adoboli - thuộc bộ phận giao dịch chứng khoán tổng hợp toàn cầu của UBS ở London - đã thực hiện các giao dịch bất hợp pháp và làm giả sổ sách kế toán để che đậy dấu vết từ tháng 10-2008 đến nay. Tổng thiệt hại mà Adoboli gây ra đối với UBS lên tới 2 tỉ USD.
Cần sự giám sát
Theo nguồn tin từ báo chí Anh, Adoboli là con trai của một nhân viên Liên Hiệp Quốc gốc Ghana, tốt nghiệp khoa quản trị và khoa học vi tính ĐH Nottingham năm 2003 và bắt đầu làm việc tại UBS từ năm 2006. Bộ phận của Adoboli còn được gọi là Delta One, chuyên thực hiện giao dịch cho các khách hàng và mạo hiểm với chính tiền của UBS trong việc sắp xếp các giao dịch như mua và bán chứng khoán. Đến bây giờ, các quan chức UBS vẫn chưa thể giải thích được tại sao một nhân viên của một bộ phận giao dịch tương đối nhỏ như Delta One lại có thể khiến ngân hàng thiệt hại tới 2 tỉ USD.
Adoboli bắt đầu trò lừa đảo vào năm 2008, năm mà “siêu lừa” Jerome Kerviel gây chấn động châu Âu khi làm Ngân hàng Pháp Société Générale thiệt hại tới 7,2 tỉ USD. Khi đó, nhà chức trách và Ngân hàng châu Âu đã cam kết thắt chặt kiểm soát các hoạt động giao dịch có tính mạo hiểm cao. Trong cuộc khủng hoảng 2007-2008, UBS thua lỗ tới hơn 50 tỉ USD, chủ yếu do đầu tư vào các chứng khoán đảm bảo bằng vay thế chấp đầy mạo hiểm. Khi lên nắm quyền năm 2009, giám đốc UBS Oswald J. Grübel cũng thề sẽ cải thiện khả năng quản lý rủi ro của ngân hàng. “Rõ ràng hệ thống kiểm soát rủi ro của UBS quá yếu kém” - giáo sư tài chính Giorgio Questa thuộc Trường kinh doanh Cass ở London bình luận.
Trên thực tế, sau cuộc khủng hoảng 2007-2008, cơ quan quản lý tài chính các quốc gia Âu - Mỹ đã nỗ lực cải tổ các biện pháp quản lý hệ thống ngân hàng - tài chính nhằm đảm bảo những giao dịch mang tính “đánh bạc” không còn đất sống và ngăn chặn khủng hoảng tái diễn. Tuy nhiên, trong hơn hai năm qua, giới lãnh đạo các ngân hàng Âu - Mỹ đã tìm đủ mọi cách để chống lại các quy định giám sát việc quản lý rủi ro, lương cao thưởng lớn... ở các ngân hàng. Các giám đốc ngân hàng luôn lớn tiếng cho rằng những quy định chặt chẽ sẽ khiến lợi nhuận của ngành ngân hàng sụt giảm, dẫn tới nguy cơ hoạt động cho vay bị hạn chế trong thời điểm châu Âu đang vật vã với cuộc khủng hoảng nợ.
“Vụ Adoboli sẽ là chiếc đinh đóng vào cỗ quan tài chôn vùi những nỗ lực chống lại các quy định chặt chẽ mới” - một giám đốc ngân hàng Anh thừa nhận. Cao ủy Liên minh châu Âu (EU) về thị trường và dịch vụ Michel Barnier khẳng định rõ ràng EU cần mạnh tay hơn để thiết lập các quy định chặt chẽ nhằm giám sát ngành ngân hàng. Một số quan chức tài chính châu Âu đã lên tiếng kêu gọi các ngân hàng phải chia tách hoạt động đầu tư với hoạt động bán lẻ thành những mảng riêng biệt. Các nhà làm luật châu Âu cũng đặt vấn đề đánh thuế lên các giao dịch ngân hàng.
Văn hóa của lòng tham
Theo các chuyên gia tài chính Phố Wall (Mỹ), dù ngành ngân hàng có tăng cường giám sát thì vẫn sẽ có những kẻ lợi dụng các lỗ hổng để thực hiện các chiêu lừa đảo, giao dịch gian lận. Chuyên gia Simon Morris thuộc Hãng luật CMS Cameron McKenna nhận định không thể có chuyện các “siêu lừa” như Adoboli hoạt động đơn lẻ. “Chẳng một giao dịch viên lừa đảo nào mà không có sự hỗ trợ, và chắc chắn một số nhân vật trong bộ phận quản lý của UBS đã cố tình ngó lơ để hắn hành động mà không bị chú ý” - chuyên gia Morris khẳng định.
Giới phân tích cho rằng những hành vi lừa đảo liên tục xảy ra tại các ngân hàng đầu tư lớn xuất phát từ “văn hóa của lòng tham” của ngành ngân hàng. Trên thực tế, môi trường làm việc trong các ngân hàng đầu tư thường được so sánh với “nồi áp suất”. Mức lương cực cao, nhiều người ở độ tuổi 30 đã có thể kiếm được hàng trăm nghìn USD mỗi năm. Hơn nữa, các ngân hàng thường thưởng đậm cho những nhân viên thực hiện được nhiều giao dịch thành công, dẫn đến tình trạng cạnh tranh khốc liệt giữa các nhân viên. Họ luôn lo sợ bị đối thủ ở ngân hàng khác hoặc trong chính ngân hàng mình vượt qua và kiếm được nhiều hơn mình.
Trong môi trường ngân hàng đầu tư, ban quản trị xác định giá trị của mỗi nhân viên dựa trên mức lợi nhuận họ mang lại. Thất bại, thua lỗ là điều không thể chấp nhận được. Chính thứ văn hóa cạnh tranh khốc liệt đó đã tạo ra những “siêu lừa” kiểu như Adoboli hay Kerviel. Vài năm trước ở Úc, bốn giao dịch viên Ngân hàng Quốc gia Úc cũng dính vào một vụ xìcăngđan giao dịch ngoại hối 360 triệu USD. Một nghi can đã khai tại tòa là sức ép cạnh tranh đã buộc anh ta giở trò lừa đảo sổ sách kế toán nhằm che đậy các khoản thua lỗ.
(Theo TTO)