Ngân hàng “tiếp sức” cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh

Cập nhật: 10-09-2022 | 09:06:30

Năm 2022, hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi mạnh, nhưng ảnh hưởng của tình hình kinh tế thế giới, lạm phát tăng cao đã khiến nhiều chi phí của doanh nghiệp (DN) bị tăng lên. Hệ thống ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh tiếp tục thực hiện chính sách, đưa ra các gói tín dụng hợp lý, hỗ trợ DN tích cực chuyển đổi số để gia tăng hiệu quả.


Vietcombank Bình Dương tổ chức hội nghị triển khai các gói giải pháp tài chính dành cho doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh

Tháo gỡ khó khăn

Ông Võ Đình Phong, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Bình Dương, cho biết các thông tư hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước quy định về việc các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng đã góp phần phát huy tích cực để DN ổn định, phục hồi sản xuất, kinh doanh. Tính đến nay, toàn tỉnh ước có hơn 93.739 tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, chiếm khoảng 35,4% trên tổng dư nợ cho vay của hệ thống.

Các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho hơn 5.000 khách hàng với dư nợ gần 15.000 tỷ đồng. Tổng dư nợ của khách hàng không bị chuyển sang nhóm nợ xấu do được cơ cấu lại thời điểm trả nợ, miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ. Bên cạnh đó, việc cho vay mới để hỗ trợ khách hàng vượt quá khó khăn đã giải ngân hơn 262.000 tỷ đồng.

Cùng với đó, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã triển khai chính sách hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động với nguồn vay tái cấp vốn tối đa 7.500 tỷ đồng, không có tài sản bảo đảm, lãi suất 0%. Các DN, người sử dụng lao động đã được tiếp cận gói hỗ trợ này để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất. Tại Bình Dương, đến nay có hơn 120 khách hàng sử dụng lao động được giải ngân hơn 530 tỷ đồng, góp phần hỗ trợ DN phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh sau dịch bệnh Covid-19.

Chuyển đổi số, giảm chi phí sản xuất

Cuối tháng 8 vừa qua, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Bình Dương (Vietcombank Bình Dương) là một trong những ngân hàng tiên phong đưa ra gói giải pháp tài chính dành cho khách hàng DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trên địa bàn tỉnh. Trong bối cảnh các ngân hàng thương mại đang bị siết chặt “room” tín dụng đã tác động đến không ít DN có nhu cầu tiếp cận vốn vay để phục vụ sản xuất, kinh doanh. Để góp phần tháo gỡ khó khăn này, Vietcombank Bình Dương đã giới thiệu các sản phẩm tín dụng DN với các gói cho vay theo chương trình ưu đãi năm 2022, mức lãi suất 4,5%/năm đối với VND và 2,4%/năm với USD; gói sản phẩm cho vay đồng hành và phát triển cùng DN FDI; chương trình cho vay trung dài hạn VND lãi suất cố định từ 1 đến 5 năm từ 8,0 - 10,6%; gói hỗ trợ lãi suất đối với DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị định số 31/2022/NĐ- CP của Chính phủ.

Ông Xiong Li Hui, Giám đốc tài chính Công ty TNHH Timberland ở TX.Tân Uyên, cho biết trong đợt dịch bệnh Covid-19 vừa qua việc đình trệ hoạt động sản xuất, xuất khẩu đã tác động rất lớn đến DN. Cũng nhờ những gói chính sách hỗ trợ của Chính phủ thông qua các ngân hàng, đến nay DN dần ổn định phục hồi hoạt động sản xuất. Bên cạnh được tiếp cận nguồn vốn vay, “chuyển đổi số” trong hoạt động tài chính hiện nay được xem là một trong những giải pháp hỗ trợ DN có thể chủ động tiết giảm chi phí trong hoạt động.

Ông Nguyễn Thái Minh Quang, Giám đốc Vietcombank Bình Dương, cho biết hiện nay các DN đang gặp không ít khó khăn do việc siết chặt room tín dụng từ Ngân hàng Nhà nước. Thực hiện các cam kết đồng hành, hỗ trợ DN vượt qua khó khăn thông qua “Gói giải pháp tài chính cho DN FDI”, Vietcombank mong muốn giúp DN giải quyết khó khăn về nguồn vốn, tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Đầu tháng 9, Vietcombank Bình Dương tiếp tục triển khai chương trình chuyển đổi số nhằm hỗ trợ cho hơn 100 DN vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh bằng sản phẩm thanh toán trên kênh số VCB Digibiz. Đồng thời, Vietcombank Bình Dương cũng giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ khác như tín dụng, bảo lãnh, thanh toán quốc tế và tài trợ thương mại... Hiện nay, Vietcombnak cung cấp dịch vụ VCB-iB@anking với nhiều tiện ích của ngân hàng điện tử hiện đại, độ bảo mật cao, an toàn; dịch vụ VCB CASHUP cung cấp giải pháp quản lý dòng tiền, thanh toán, quản lý các khoản phải trả, khoản thu và quản trị người dùng…

Tương tự, nhiều ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh cũng đã chủ động cung cấp các sản phẩm, dịch vụ đa dạng để đáp ứng nhu cầu cho khách hàng, nhất là tiết giảm chi phí trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Chuyển đổi số trong hoạt động tài chính ngân hàng hiện đang là cuộc đua sôi động. Các ngân hàng đã tạo ra những sản phẩm dịch vụ ngân hàng điện tử hiện đại, góp phần giảm thời gian, chi phí trong hoạt động sản xuất, xuất khẩu của DN, từ đó tạo việc làm, thu nhập cho người lao động ổn định hơn.

Tháng 8-2022, tổng vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh ước đạt 282.000 tỷ đồng, tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 5,5% so với đầu năm. Tổng dư nợ ước đến cuối tháng đạt 280.000 tỷ đồng, tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 10,2% so với đầu năm. Nợ xấu là 1.252 tỷ đồng, chiếm 0,45% tổng dư nợ.

MINH DUY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=808
Quay lên trên