Theo HoREA (Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TP.Hồ Chí Minh), áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) năm 2024 có thể lên đến 329.500 tỷ đồng. Trong khi năm 2023 là 271.000 tỷ đồng, năm 2022 là 144.500 tỷ đồng. Như vậy, số tiền đáo hạn năm 2024 sẽ cao hơn năm 2023 là 58.000 tỷ đồng, và trước mắt số tiền đáo hạn TPDN quý IV-2023 là 65.000 tỷ đồng (không tính các trái phiếu đã giãn và hoãn). Trong đó, gần 80% giá trị TPDN cần đáo hạn là của DN BĐS.
Theo thống kê của Sở Chứng khoán Hà Nội (HNX), giá trị TPDN tăng đều và rất cao trong toàn năm 2024, cao nhất là tháng 12-2024 với 71.459 tỷ đồng, so với tháng 12-2023 là 28.935 tỷ đồng. Trong hội nghị giữa Ngân hàng Nhà nước và các DN BĐS diễn ra vào tháng 11-2023, đã có rất nhiều thông tin, nhiều giải pháp căn cơ, tuy nhiên cần rất nhiều thời gian và thực sự không dễ thực hiện. Vậy câu hỏi đầu tiên cho các DN BĐS là tiền đâu để trả? Nếu không có tiền trả thì sẽ làm gì? Số phận các công ty BĐS sẽ ra sao? Cổ phiếu các DN BĐS sẽ biến động thế nào trên sàn chứng khoán?
Với giá trị đáo hạn TPDN năm 2024 lên tới 329.500 tỷ đồng tác động đến DN BĐS như thế nào? Thứ nhất, dòng tiền các DN BĐS sẽ cạn kiệt trong tình huống hiện tại BĐS đang không bán được hàng. Hai là, không thực hiện được các dự án năm 2024, dự án cứ bỏ hoang, đắp chiếu, xuống cấp hạ tầng, dẫn đến DN không giao được nhà cho khách hàng đã mua, hệ quả tất yếu là dòng tiền càng thêm cạn kiệt.
Thực tế hiện tại, các DN BĐS đang áp dụng những biện pháp tạm thời, như: Đảo nợ, giãn nợ, hoãn nợ và hoán đổi nợ để duy trì. Tuy nhiên, về cơ bản các giải pháp trên chỉ là cách đẩy những khó khăn của hiện tại vào tương lai, giấu bụi xuống thảm, thực sự không giải quyết được tận gốc khó khăn. Vì vậy, năm 2024 chưa phải là thời điểm để thị trường BĐS hồi phục. Phương pháp căn cơ nhất để hồi phục thị trường BĐS là phải bán được sản phẩm, thu được tiền để đầu tư và tái đầu tư.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, cho biết thị trường BĐS mất cân đối cung cầu lớn, nguồn cung chủ yếu là phân khúc cao cấp và trung cấp, rất hiếm hoặc gần như không có những căn hộ dưới 25 triệu đồng/m². Thống đốc yêu cầu DN BĐS phải quản trị hoạt động, cân đối giữa mục tiêu lợi nhuận, cơ cấu sản phẩm, cân nhắc giá bán. Để thị trường BĐS sôi động hơn, DN cần có sự thống nhất trong “cuộc chơi” giá nhà. Hiện nay, giá nhà vẫn ở mức cao, thậm chí có nơi còn tăng trong khi lãi vay giảm mạnh. Chỉ khi giải quyết được vấn đề giá nhà thì mới giải quyết được vấn đề sức mua của thị trường.
NGHĨA KIỀU