Ngành Bưu điện: Luôn cải tiến, đổi mới chính mình
(BDO) Sau khi chia tách từ Bưu chính - Viễn thông Bình Dương (ngày 1-1- 2008), từ kinh doanh độc quyền đơn dịch vụ chuyển sang kinh tế thị trường, Bưu điện tỉnh Bình Dương đã phát huy truyền thống của ngành và nội lực sẵn có, kết hợp với chiến lược đầu tư cho con người, đơn vị đã vươn lên gặt hái nhiều thành công.
Nỗ lực vượt khó
Cùng chung hoàn cảnh với ngành bưu điện cả nước sau khi chia tách, Bưu điện Bình Dương chỉ còn lại bộ máy cùng hệ thống cơ sở vật chất cũ kỹ, phân tán. Nhiều khách hàng truyền thống của đơn vị giảm do sự phát triển rầm rộ của internet; trong khi đó bưu phẩm, bưu kiện, hàng hóa gửi qua bưu điện vừa bị cạnh tranh, vừa bị chi phối bởi nhiều doanh nghiệp mới, dịch vụ mới...
Các tập thể, cá nhân xuất sắc của ngành Bưu điện tỉnh được tuyên dương.
Ảnh: DUY CHÍ
Tại Hội nghị tổng kết 4 năm thực hiện Chỉ thị 03 của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, bà Lê Thị Kim Phường, Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh cho biết, trước đó, khảo sát của đoàn đại biểu HĐND tỉnh tại các điểm bưu điện văn hóa xã cho thấy hiệu quả hoạt động của các điểm này xuống rất thấp do không có doanh thu, không có khách hàng. Giải pháp trước mắt là trang bị thêm máy vi tính kết nối internet để nông dân tra cứu, tìm hiểu thông tin, đọc sách báo trên internet. Tuy vậy, có máy vi tính kết nối internet nhưng các điểm bưu điện văn hóa xã vẫn còn khó khăn trong hoạt động do nguồn kinh phí rất eo hẹp; mỗi cộng tác viên, quản lý điểm bưu điện chỉ được hỗ trợ 500.000 đồng/tháng.
Với truyền thống và nội lực của hơn 30 năm hoạt động, mục tiêu đầu tiên của ngành bưu điện tỉnh nhà là phải tự cứu mình trước yêu cầu mới và sự thay đổi của thị trường. Trước hết, để có được nhân sự duy trì hoạt động hệ thống, lãnh đạo Bưu điện tỉnh đã đến từng địa phương tìm kiếm, mời gọi cộng tác viên; trong đó đặc biệt chú ý đến lực lượng lao động là con em cán bộ, công nhân viên ngành bưu điện đang sinh sống làm việc tại địa phương.
Chuyển mình từ đơn dịch vụ sang đa dịch vụ
Dù không còn độc quyền thị trường, lại bị cạnh tranh, chi phối bởi nhiều dịch vụ mới nhưng Bưu điện Bình Dương vẫn có được lợi thế và cơ hội thị trường phía trước. Đó là uy tín trong thu hút đầu tư và sự phát triển ổn định, bền vững của kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Bên cạnh đó, số lượng lao động ngoài tỉnh vào làm việc, sinh sống tại Bình Dương ngày càng tăng, cộng với tiến trình cải cách hành chính theo Quyết định 45/2016/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu điện công ích..., Bưu điện tỉnh đã chủ động phối hợp cùng các sở, ban, ngành, huyện, thị, thành phố trong tỉnh ký kết quy chế phối hợp trong việc tiếp nhận và trả kết quả, nhằm tạo thuận lợi, giảm thời gian đi lại cho người dân. Lĩnh vực này đã giúp phát sinh 450.000 giao dịch mỗi năm với doanh thu trung bình trên 7,5 tỷ đồng; đồng thời tạo đà cho phát triển các dịch vụ mới tiếp theo, vừa nâng cao nguồn thu cho ngành vừa góp phần nâng cao hiệu quả cải cách hành chính của tỉnh.
Từ những dịch vụ ban đầu đạt hiệu quả, thị trường tiếp tục mở ra nhiều cơ hội dịch vụ mới như: Thí điểm thu thuế khoán qua hệ thống bưu điện; chi trả bảo hiểm thất nghiệp; chi trả bảo trợ xã hội qua hệ thống bưu điện... Đây là những dịch vụ mang lại nhiều tiện ích cho khách hàng, giảm bớt chi phí đi lại và áp lực giao dịch tại các cơ quan hành chính Nhà nước.
Hiệu quả kinh doanh tăng, cơ hội thị trường mở rộng, nhưng với cơ chế kinh tế thị trường bắt buộc ngành bưu điện phải rà soát, điều chỉnh, cải thiện quy trình nhằm bảo đảm hiệu quả, an toàn và tiết kiệm. Hiện tại, 100% bưu tá đã được trang bị điện thoại thông minh để truy cập địa chỉ, địa điểm phát thư, phát hành nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại và tăng sản lượng hiệu quả làm việc. Các bưu tá được trang bị phương tiện xe máy chuyên dùng với nhận diện thương hiệu, nhằm kết hợp giữa kinh doanh và quảng bá thương hiệu, hình ảnh đến từng khu phố, từng khách hàng. Nhờ đó, lĩnh vực này đã đạt mức tăng trưởng ổn định trên 10%/năm.
Bên cạnh việc đổi mới và rút ngắn quy trình hoạt động, các phong trào thi đua, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật được ngành bưu điện tỉnh phát huy sâu rộng trong cán bộ, công nhân viên. Hàng năm, có trên 40 tập thể và cá nhân của đơn vị được khen thưởng về thành tích xuất sắc, có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật làm lợi và tăng doanh thu trong sản xuất, kinh doanh của đơn vị.
Ông Võ Văn Tín, Giám đốc Bưu điện tỉnh cho biết, kinh tế thị trường cần sự hiểu biết chuyên môn cao kết hợp với tính đoàn kết, năng động sáng tạo, dám nghĩ dám làm và dám chịu trách nhiệm. Sự trì trệ trong lãnh đạo sẽ tạo ra sức ì trong hệ thống có tác hại còn lớn hơn những tác hại từ ngoài vào.
DUY CHÍ