Ngành chăn nuôi tiếp tục phát triển, hướng đến công nghệ cao

Cập nhật: 01-07-2021 | 08:39:41

Trong bối cảnh bất lợi do dịch bệnh, nhưng hiện nay về cơ bản, các trang trại, hộ gia đình, doanh nghiệp chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phát triển theo hướng tập trung, quy mô lớn, duy trì được sự ổn định sản lượng thịt cung cấp ra thị trường.

 Sản xuất trang trại tập trung quy mô lớn đã khẳng định được ưu thế trong việc bảo đảm phát triển sản xuất, kinh doanh, bảo vệ môi trường và mang lại thu nhập cao, ổn định cho người chăn nuôi. Trong ảnh: Hệ thống trang trại chăn nuôi Vĩnh Tân, xã Minh Thạnh, huyện Dầu Tiếng được đầu tư hiện đại, quy mô

 Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh

Theo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh dịch bệnh gia súc, gia cầm chưa xảy ra. Bệnh trên cá rô phi nuôi xảy ra tại TP.Thủ Dầu Một, với diện tích ước tính 1.500m2, nhưng đã được khống chế. Ông Trần Phú Cường, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, cho biết nhờ việc phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung quy mô lớn và kiểm soát tốt dịch bệnh, từ đầu năm đến nay, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh phát triển ổn định. Hiện tổng đàn heo khoảng 864.582 con (chăn nuôi quy mô trang trại chiếm tỷ lệ 96,3%; chăn nuôi heo ứng dụng công nghệ cao chiếm 63,4% so với tổng đàn). Tổng đàn gia cầm khoảng 13 triệu con, trong đó chăn nuôi gà ứng dụng công nghệ cao chiếm 68,67%; tổng đàn trâu bò khoảng 23.923 con, chăn nuôi quy mô trang trại chiếm tỷ lệ 15%. Tổng số lượng đàn heo trên địa bàn tỉnh tăng 30% so với cùng kỳ, vẫn bảo đảm nguồn cung thịt heo an toàn cho người tiêu dùng.

Trong công tác giám sát, kiểm soát dịch bệnh vật nuôi, các năm qua tỉnh đã khống chế dịch bệnh lở mồm long móng, không xảy ra diện rộng, phát hiện sớm, xử lý triệt để. Đối với dịch tả heo châu Phi, ngành nông nghiệp đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng, chống nhằm giảm thiểu thiệt hại cho ngành chăn nuôi của tỉnh. Nhờ vậy, tỷ lệ đàn heo tiêu hủy chiếm khoảng 13% tổng đàn heo toàn tỉnh. Đến thời điểm hiện tại, Bình Dương đã có 4 huyện được công nhận là an toàn dịch bệnh lở mồm long móng, dịch tả heo cổ điển; 5 vùng an toàn dịch bệnh cúm gia cầm và Newcastle, 1 vùng an toàn dịch bệnh dại. Như vậy, Bình Dương có 10/22 vùng an toàn dịch bệnh trên cả nước; có 17 trang trại được cơ quan có thẩm quyền công nhận an toàn dịch bệnh với bệnh dịch tả heo châu Phi.

“Một trong những nhân tố quyết định hiệu quả phát triển lĩnh vực chăn nuôi là sử dụng con giống chất lượng. Thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã từng bước cơ cấu lại hệ thống, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất con giống. Mặt khác, khảo sát thực tế cho thấy, sản xuất trang trại tập trung quy mô lớn đã khẳng định được ưu thế trong việc bảo đảm phát triển sản xuất, kinh doanh, bảo vệ môi trường và mang lại thu nhập cao, ổn định cho người chăn nuôi”, ông Cường chia sẻ.

Chủ động phòng, chống dịch

Hiện nay, thời tiết dần bước vào mùa mưa, thời tiết thay đổi cũng phần nào ảnh hưởng đến sức kháng bệnh của gia súc, gia cầm, nhất là đối với chăn nuôi quy mô nông hộ. Ông Trần Phú Cường chia sẻ thêm hiện nay nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm vẫn còn rất cao do trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số cơ sở giết mổ nhỏ lẻ chưa được quản lý chặt chẽ. Người chăn nuôi cũng còn chủ quan trong công tác phòng, chống dịch bệnh; một số tỉnh, thành lân cận đã có dịch bệnh bùng phát trở lại; thời tiết diễn biến bất thường tạo điều kiện cho mầm bệnh truyền nhiễm phát sinh.

Từ nay đến cuối năm 2021, nhiệm vụ hàng đầu đối với ngành chăn nuôi là duy trì sản xuất, tăng nguồn cung phục vụ thị trường, góp phần ổn định giá cả các mặt hàng thực phẩm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Do vậy, ông Trần Phú Cường cho rằng để ngành chăn nuôi của tỉnh tiếp tục phát triển và an toàn dịch bệnh, chi cục khuyến cáo các địa phương trong tỉnh tuyệt đối không chủ quan, lơ là, cần tập trung quyết liệt đẩy mạnh tiêm phòng các loại vắc xin để tạo miễn dịch cho đàn gia súc, gia cầm; tăng cường kiểm soát nguồn gốc gia súc, gia cầm nhập vào cơ sở giết mổ; tăng cường hoạt động đội kiểm tra liên ngành; các trang trại khai báo chăn nuôi đúng theo Luật Chăn nuôi, triển khai tiêm phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên vật nuôi tại những nơi có nguy cơ cao, ổ dịch bệnh cũ, thực hiện vệ sinh tiêu độc chuồng trại, nơi buôn bán, cơ sở giết mổ…

Đồng thời, ngành chức năng cũng khuyến cáo người chăn nuôi nên mua gia súc, gia cầm rõ nguồn gốc, khỏe mạnh từ các cơ sở giống đã được công nhận là an toàn dịch bệnh, chăm sóc nuôi dưỡng tốt. Khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe đàn vật nuôi, cần báo ngay cho thú y cơ sở hoặc chính quyền địa phương.

 THOẠI PHƯƠNG  

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=526
Quay lên trên