Ngành chế biến thực phẩm tại Bình Dương: Thu hút nhiều nhà đầu tư

Cập nhật: 03-04-2018 | 07:58:56

Những năm gần đây, ngành công nghiệp chế biến thực phẩm (CBTP) của Bình Dương đã thu hút được nhiều vốn đầu tư. Với tốc độ tăng trưởng ổn định hàng năm, ngành công nghiệp CBTP đã có nhiều đóng góp vào sự phát triển công nghiệp tỉnh nhà.

 Dây chuyền sản xuất sữa của Vinasoy (Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore II). Ảnh: PHƯƠNG LÊ

 Tiềm năng lớn

CBTP hiện là một trong những ngành công nghiệp được Việt Nam ưu tiên phát triển. Thống kê của Bộ Công thương cho thấy, giá trị tiêu thụ thực phẩm hàng năm của nước ta chiếm khoảng 15% GDP. Việc đầu tư vào công nghiệp CBTP tại Việt Nam được đánh giá là hấp dẫn do có những chính sách ưu đãi thuế, như thuế thu nhập doanh nghiệp giảm từ 25% xuống còn 20% với những dự án thuộc diện ưu đãi đầu tư; doanh nghiệp còn được miễn giảm thuế một số năm, tối đa miễn thuế 4 năm, giảm 50% thuế trong 9 năm tiếp theo; miễn thuế nhập khẩu công nghệ phục vụ sản xuất...

Tại Bình Dương, thời gian qua, ngành công nghiệp CBTP tăng trưởng mạnh, thu hút được nhiều tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư như Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), Công ty Sữa đậu nành Việt Nam (Vinasoy), Acecook Việt Nam, URC Việt Nam... Là một trong những doanh nghiệp trong nước có thương hiệu lớn, Vinasoy đã xây dựng nhà máy thứ 3 tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore II với số vốn đầu tư 900 tỷ đồng. Tháng 12-2017, Vinasoy đã khánh thành nhà máy thứ 3 này với công suất thiết kế 180 triệu lít/ năm. Ông Ngô Văn Tụ, Giám đốc điều hành Vinasoy cho biết, tiềm năng ngành sữa đậu nành tại Việt Nam còn rất lớn, mức tiêu thụ sữa đậu nành sẽ gia tăng từ 780 - 900 triệu lít trong vài năm tới. Với năng lực hiện có và những bước chuẩn bị kỹ lưỡng, Vinasoy tự tin giữ vững vị trí dẫn đầu, chinh phục được mục tiêu doanh thu 1 tỷ USD vào năm 2027.

Với 3 nhà máy tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore I, URC Việt Nam là một công ty chi nhánh của Tập đoàn Universal Robina (Philippines). URC là một trong những công ty lớn trong ngành sản xuất thực phẩm và nước giải khát tại Việt Nam với các sản phẩm đồ uống C2 và Rồng Đỏ, bánh quy Cream-O và Magic, kẹo Dynamite… Ông Laurent Levan, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc URC Việt Nam cho biết, các sản phẩm của URC được xuất khẩu sang các thị trường chính là Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… Trong các năm 2014-2017, xuất khẩu của công ty tăng trưởng trung bình 37%/năm. Ông Laurent Levan cho biết thêm, thông qua tài trợ của JG Summit, URC đã phối hợp với Bộ Công thương tổ chức Hội chợ hàng Việt Nam lần đầu tiên tại Phillipines vào tháng 7-2017. Qua hội chợ, đơn vị tổ chức đã giới thiệu văn hóa, nghệ thuật, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, ẩm thực và các đặc sản của Việt Nam (cà phê, bánh kẹo, nông sản...) đến người tiêu dùng Phillipines và khách quốc tế.

Đầu tư mạnh cho công nghệ mới

Để nhanh chóng nắm bắt cơ hội phát triển cũng như tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp CBTP trên địa bàn tỉnh đã đầu tư trang bị hệ thống máy móc thiết bị, công nghệ hiện đại vào sản xuất. Tại Công ty URC Việt Nam, công ty chỉ sử dụng thiết bị sản xuất hiện đại từ Ý, Đức. Dây chuyền sản xuất vô trùng aseptic số 1 đặt tại nhà máy 2 ở Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore, sử dụng công nghệ GEA Procomac từ Đức để chiết rót sản phẩm. Dây chuyền này có khả năng sản xuất 38.000 chai dung tích 180 - 360ml đồ uống giải khát các loại mỗi giờ. Để bảo đảm chất lượng cao hơn và an toàn hơn, công ty đã đầu tư phòng thí nghiệm trung tâm tại nhà máy số 1, Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore. Phòng thí nghiệm này là một cơ sở chuyên dụng được trang bị các công nghệ và thiết bị kiểm nghiệm tiên tiến, được quản lý bởi các nhà phân tích có chuyên môn cao.

Ông Tụ cho hay, Vinasoy đang sở hữu trung tâm nghiên cứu ứng dụng dậu nành hiện đại, hợp tác với 2 trung tâm hàng đầu về nghiên cứu ứng dụng đậu nành của Mỹ. Trung tâm áp dụng khoa học tiên tiến, công nghệ cao trong việc lai tạo giống, canh tác, sản xuất, chế biến các sản phẩm từ đậu nành. Trung tâm đang có ngân hàng giống với gần 1.590 nguồn gen quý của đậu nành trong và ngoài nước sau nhiều năm thu thập, bảo tồn và áp dụng công nghệ di truyền phân tử (không biến đổi gen) để lai tạo các giống đậu nành mới năng suất, chất lượng cao.

Theo các chuyên gia kinh tế, để sản phẩm thực phẩm sản xuất trong nước mở rộng thị trường, việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế là điều kiện tiên quyết. Để đạt được tiêu chuẩn này, các doanh nghiệp hoạt động trong ngành chế biến thực phẩm cần luôn nỗ lực đổi mới sáng tạo, mạnh dạn ứng dụng công nghệ chế biến hiện đại trong sản xuất, kinh doanh…

 Theo ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương, thời gian qua, ngành công nghiệp CBTP của Việt Nam tăng trưởng khoảng 7%/năm. Việt Nam có lợi thế về nông nghiệp, có nguồn nguyên liệu đa dạng và phong phú, đáp ứng được nhu cầu cao của các thương hiệu thực phẩm đồ uống uy tín trên thế giới. Vì vậy, dư địa để phát triển thị trường thực phẩm còn rất lớn.

Tỉnh Bình Dương hiện đang triển khai đề án “Xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn trên địa bàn giai đoạn 2018-2020”, dự án “Hình thành chuỗi cửa hàng sơ chế, bao và tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn”, chương trình áp dụng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn VietGAP… Đây là cơ sở quan trọng để ngành công nghiệp CBTP của tỉnh phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

 PHƯƠNG LÊ 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên