Ngành Công thương Bình Dương: Hoàn thành tốt các nhiệm vụ năm 2024
Theo dõi Báo Bình Dương trên
(BDO)
Năm 2024, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường với nhiều rủi ro, bất ổn; các nền kinh tế lớn, đối tác thương mại, đầu tư chủ yếu của nước ta nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng có sự phục hồi chậm, tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ; tỷ giá đồng đô la Mỹ và giá vàng, giá xăng dầu, hàng hóa cơ bản, cước vận tải biến động mạnh.
Trước tình hình trên, ngành Công thương Bình Dương đã tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, tăng cường hiệu quả cải cách thủ tục hành chính…
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ động chuyển đổi mô hình, thay đổi chiến lược, ứng phó linh hoạt; mạnh dạn chuyển đổi số, nhanh chóng ổn định và tiếp tục phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh.
Người dân mua sắm tại Siêu thị Aeon Mall thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương
Trong năm, sản xuất công nghiệp đạt mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ, các ngành chủ lực phục hồi tích cực và ổn định trở lại. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục giữ vai trò động lực chính trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh, góp phần thúc đẩy thương mại, xuất khẩu; cơ cấu nội ngành công nghiệp cơ bản có chuyển biến tích cực, giảm dần tỷ trọng ngành công nghiệp khai khoáng và từ các ngành thâm dụng lao động sang các ngành công nghiệp công nghệ cao.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 7,6% so với cùng kỳ (năm 2023 tăng 6,1%; kế hoạch tăng > 8,7%). Tập trung thực hiện thủ tục đất đai, quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng các cụm công nghiệp, nâng cao chất lượng theo hướng công nghiệp xanh, công nghiệp tuần hoàn, công nghiệp 4.0; tiếp tục tham mưu triển khai thực hiện việc chuyển đổi công năng, di dời các cơ sở sản xuất xen kẽ trong khu dân cư vào khu, cụm công nghiệp.
Ngành điện đã thực hiện hiệu quả các giải pháp (đầu tư, nâng cấp, điều tiết…) đảm bảo cung ứng đủ điện cho sinh hoạt và sản xuất kinh doanh. Sản lượng điện thương phẩm ước đạt 16,94 tỷ kWh, tăng 11,4%; tiết kiệm điện 406,2 triệu kWh, tăng 10,8% so với cùng kỳ. Duy trì tỷ lệ hộ sử dụng điện trên toàn tỉnh đạt 99,999%. Thường xuyên trao đổi, làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tổng công ty Điện lực miền Nam tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quy hoạch, thi công các dự án ngành điện, di dời lưới điện phục vụ thi công các dự án. Tập trung phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo.
Lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời mái nhà
Về thương mại nội địa, ngành đã tham mưu triển khai thực hiện hiệu quả chương trình bình ổn thị trường, dự trữ hàng hóa trong dịp lễ, tết; nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm, nguyên nhiên liệu thiết yếu luôn được bảo đảm nên giá cả hàng hóa ổn định, không có biến động lớn, đáp ứng tốt nhu cầu phục vụ sản xuất của doanh nghiệp và đời sống của người dân. Các doanh nghiệp bán lẻ tích cực triển khai đưa hàng về nông thôn, khu công nghiệp, chương trình khuyến mại kích cầu tiêu dùng; thường xuyên tổ chức tiếp xúc các hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc.
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ ước đạt 351.640 tỷ đồng, tăng 13,3% so với cùng kỳ (năm 2023 tăng 13%, kế hoạch tăng 13-14%). Bên cạnh đó, lực lượng quản lý thị trường thường xuyên kiểm tra, kiểm soát thị trường giá cả các mặt hàng thiết yếu, nhất là mặt hàng vàng và các vi phạm liên quan trong lĩnh vực thương mại điện tử; tăng cường các biện pháp kiểm soát, đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; đã tiến hành kiểm tra 628 vụ, xử lý 538 vụ, thu nộp ngân sách 8,5 tỷ đồng.
Hoạt động xuất nhập khẩu có nhiều thuận lợi, thặng dư thương mại đạt 10 tỷ đô la Mỹ. Hầu hết các mặt hàng xuất nhập khẩu chủ lực duy trì tốc độ tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Ước kết quả: kim ngạch xuất khẩu đạt 34,5 tỷ đô la Mỹ, tăng 12,7% so với cùng kỳ (năm 2023 giảm 10,9%, kế hoạch tăng 9-10%); kim ngạch nhập khẩu ước đạt 24,5 tỷ đô la Mỹ, tăng 12,2% so với cùng kỳ (năm 2023 giảm 12,1%, kế hoạch tăng 9-10%).
Để đạt được những kết quả trên, trước bối cảnh khó khăn chung, ngành Công thương đã có nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hoàn thành các nhiệm vụ mà ngành được giao.
Trong năm 2024, Sở đã phối hợp với các ngành, đơn vị, các địa phương hoàn thành việc xây dựng các phương án phát triển ngành Công thương để tích hợp chung trong Quy hoạch tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với nhiều nội dung quan trọng đã được phê duyệt tại Quyết định số 790/QĐ-TTg ngày 3-8-2024 của Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, thường xuyên tổ chức nắm tình hình, kịp thời động viên các doanh nghiệp. Đặc biệt, tham mưu UBND tỉnh tổ chức thành công Hội nghị tiếp xúc các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp đầu tư trong nước năm 2024 với sự tham dự của 200 đại biểu với rất nhiều ý kiến, kiến nghị đã được ghi nhận, giải đáp và tiếp thu.
Trong năm, Sở đã thực hiện hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công 14 kế hoạch, đề án với kinh phí thực hiện 2 tỷ 404 triệu đồng, đạt 86% kế hoạch. Thực hiện bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Bình Dương lần VII, năm 2024, kết quả có 41 sản phẩm đạt cấp tỉnh năm 2024; 17 sản phẩm được công nhận cấp khu vực năm 2024.
Sở Công thương thăm và làm việc với Hiệp hội Dệt May
Đồng thời, Sở đã tham mưu triển khai tốt thực hiện Chương trình bình ổn thị trường, dự trữ hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán 2024, doanh thu các mặt hàng thiết yếu đạt 2.284 tỷ đồng, vượt 1,15% (26 tỷ đồng) so kế hoạch. Dự trữ hàng hóa thiết yếu tại các chợ truyền thống phục vụ người dân giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 đạt 236,2 tỷ đồng.
Bước sang năm 2025, ngành đã xây dựng Chương trình Bình ổn thị trường với 17 doanh nghiệp tham gia, tổng giá trị hàng hóa dự trữ khoảng trên 13.725 tỷ đồng (không tính xăng dầu, thuốc trị bệnh). Trong đó, giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ khoảng 2.750 tỷ đồng. Dự trữ hàng hóa thiết yếu tại các chợ dân sinh để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán khoảng 248 tỷ đồng.
Sở cũng đã tổ chức 20 chương trình, kế hoạch xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm trong nước, tổng kinh phí hoạt động xúc tiến thương mại thực hiện trong năm là 10 tỷ 863 triệu đồng, đạt 88% kế hoạch đề ra. Tổ chức 6 phiên chợ thuộc Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn và các khu, cụm công nghiệp. Hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường qua các sàn thương mại điện tử. Phối hợp đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại nước ngoài, hỗ trợ doanh nghiệp kết nối giao thương, mở rộng thị trường, ký kết các đơn hàng xuất khẩu mới.
Ngoài các thị trường truyền thống, định hướng mở rộng các thị trường mới như: Trung Đông, Ấn Độ, thị trường các nước thành viên đã ký kết các hiệp định thương mại CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP.…
Để đảm bảo năng lượng cho sản xuất kinh doanh, Sở tiếp tục triển khai cải tạo, đầu tư phát triển lưới điện trung thế và trạm biến áp theo quy hoạch phát triển điện lực tỉnh giai đoạn 2016-2025, có xét đến 2035 đã được UBND tỉnh phê duyệt. Tập trung hỗ trợ chủ đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thi công, bảo đảm chất lượng, tiến độ các công trình, dự án điện, bàn giao và đưa vào sử dụng, ban hành Kế hoạch cung cấp điện, Kế hoạch triển khai công tác an toàn điện và tiết kiệm điện năm 2024. Sản lượng điện thương phẩm ước đạt 16,94 tỷ kWh, tăng 11,4%; tiết kiệm điện 406,2 triệu kWh, tăng 10,8% so với cùng kỳ. Duy trì tỷ lệ hộ sử dụng điện trên toàn tỉnh đạt 99,999%.
Sở Công thương cũng tập trung thực hiện tốt công tác cải cách hành chính. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động của ngành, triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, tăng tỷ lệ số hóa hồ sơ, nâng cao tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn đạt trên 99% và duy trì ổn định tỷ lệ 100% số hóa kết quả giải quyết hồ sơ của Sở.
Ngoài ra, Sở liên tục cải tiến quy trình giải quyết hồ sơ theo hướng nhanh gọn, đơn giản nhưng đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Đến cuối năm 2024, Sở đã và đang áp dụng 3 phần mềm và 100% công chức sử dụng hộp thư công vụ, thực hiện tác nghiệp công vụ. 100% văn bản hành chính của Sở được luân chuyển trên phần mềm quản lý văn bản và xử lý công việc gắn với chữ ký số (100% trên phần mềm, không phát hành văn bản giấy) tiếp nhận và chuyển liên thông trên môi trường mạng, nâng cấp 100% dịch vụ công mức độ 3, 4 và hoàn thành việc kết nối, tích hợp TTHC của Sở trên dịch vụ công trực tuyến Quốc gia với Cổng dịch vụ công của tỉnh;
Hệ thống thông tin TTHC trên môi trường điện tử đảm bảo cho tổ chức, cá nhân có thể thực hiện giao dịch hồ sơ TTHC và triển khai thực hiện thí điểm việc thu phí, lệ phí trực tuyến đối với TTHC có thu phí. Tổ chức thông báo đến toàn thể các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp về áp dụng chữ ký số đối với hồ sơ nộp trực tuyến; áp dụng tài khoản định danh điện tử của tổ chức, cá nhân.
Quang cảnh Hội nghị thúc đẩy mô hình chuyển đổi số cho doanh nghiệp ngành Công thương năm 2024
Với những nỗ lực của toàn ngành, nhìn chung các nhiệm vụ trong năm 2024 của ngành Công thương Bình Dương cơ bản hoàn thành tốt. Hy vọng với những kết quả đạt được trong năm 2024, cùng với truyền thống đoàn kết, năng động, tận tâm trong công việc, tập thể công chức, viên chức và người lao động ngành Công thương sẽ khắc phục khó khăn, gặt hái được nhiều thành công hơn trong năm 2025.
Kim Cúc – Văn phòng Sở