(BDO) Trong những năm qua, chuyển đổi số đã được Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương tích cực đẩy mạnh và mang lại hiệu quả rất lớn trong công tác quản lý của các cơ quan nhà nước, cũng như lợi ích cho người dân, doanh nghiệp.
Chiều 23-8, tại trụ sở VNPT Bình Dương, Sở Công thương và Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Dương đã phối hợp Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam tổ chức hội thảo “Hành trình thay đổi diện mạo, năng lực chuyển đổi số ngành Công thương”.
Đại biểu tham dự Hội thảo (ảnh: Diệu Hằng)
Tham dự sự kiện có bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương); bà Nguyễn Trường Nhật Phượng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Nguyễn Trường Thi, Phó Giám đốc Sở Công thương; ông Nguyễn Hữu Yên, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông; ông Phạm Huy Hoàng, Tổng Giám đốc Công ty Công nghệ thông tin VNPT cùng hơn 200 khách mời là đại diện lãnh đạo một số sở, ban ngành trong và ngoài tỉnh.
Bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) phát biểu tại Hội thảo (ảnh: Diệu Hằng)
Tại chương trình “Hành trình thay đổi diện mạo, năng lực chuyển đổi số ngành Công thương”, các diễn giả đến từ sở, ngành tỉnh và đại diện VNPT Việt Nam đã chia sẻ về hành trình Chuyển đổi số ngành Công thương; kinh nghiệm xây dựng hạ tầng thông tin và cơ sở dữ liệu ngành Công thương trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Bên cạnh đó, các diễn giả cũng đã đưa ra những đề xuất nền tảng cùng các tính năng, phân hệ nghiệp vụ, phương thức báo cáo mới và đồng hành triển khai thông qua công tác khảo sát, đánh giá hiện trạng, nhu cầu nghiệp vụ, dữ liệu cần tổ chức quản lý cũng như kế hoạch của từng địa phương, để đưa ra lộ trình cụ thể triển khai đạt hiệu quả cao nhất; cùng với đó là các biện pháp đảm bảo an toàn thông tin, bảo vệ dữ liệu ngành và hạ tầng chuyển đổi số.
Theo ông Nguyễn Trường Thi, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh, tại thời điểm khảo sát ban đầu, công tác quản lý dữ liệu ngành còn khá thủ công, chưa ứng dụng chuyển đổi số. Dữ liệu lưu trữ ở nhiều nơi, rời rạc và quản lý thông tin hồ sơ giấy, lưu trữ thủ công. Dữ liệu quản lý nhiều ngành nghề, lĩnh vực: 37 lớp dữ liệu, 125 thủ tục hành chính chưa được số hóa. Các thống kê, báo cáo phải tổng hợp bằng nhân công. Đặc biệt, thông tin hoạt động của doanh nghiệp chưa được quản lý đầy đủ và triệt để, gây khó khăn trong công tác tổng hợp, báo cáo.
Ông Nguyễn Trường Thi, Phó Giám đốc Sở Công thương chia sẻ kinh nghiệm xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu ngành công thương tỉnh Bình Dương (ảnh: Diệu Hằng)
Giai đoạn 2017-2022, Sở Công thương đã triển khai thực hiện giai đoạn 1 của công tác chuyển đổi số. Việc triển khai hệ thống trong giai đoạn 1 đã đạt được các hiệu quả ban đầu như: Số hóa, quản lý lưu trữ dữ liệu của hơn 50 lớp dữ liệu hiện trạng của các phòng chuyên môn (cửa hàng xăng dầu, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, doanh nghiệp hoạt động hóa chất, cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, khu/cụm công nghiệp,…). Cùng với đó số hóa 46 bảng dữ liệu thông tin biến động của doanh nghiệp (thông tin sự cố theo thời gian, trang thiết bị ứng phó sự cố, thông tin kho chứa, thông tin doanh thu theo năm,...).
Dữ liệu ngành Công thương cũng được tích hợp lên Trung tâm IOC tỉnh để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành, với hơn 40 chỉ tiêu về sản xuất, thương mại, năng lượng... Bên cạnh đó, việc triển khai chuyển đổi số quy trình xử lý nghiệp vụ của 125 thủ tục hành chính thuộc 15 lĩnh vực ngành Công thương đã giúp việc lưu trữ, truy cập và quản lý hồ sơ thủ tục hành chính một cách hiệu quả, minh bạch, giảm thiểu giấy tờ, tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.
Từ năm 2023 đến nay, Sở Công thương Bình Dương đang tiếp tục phối hợp với VNPT thực hiện khảo sát, đánh giá các nội dung cần thực hiện trong giai đoạn 2, thực hiện chuyển đổi số toàn diện.
Cũng tại sự kiện này, đại diện các doanh nghiệp đã chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số thiết thực trong các lĩnh vực sản xuất mũi nhọn của Bình Dương như: gỗ, logistic, sản xuất cơ khí… Các đại biểu cũng thảo luận về xu hướng chuyển đổi số ngành Công thương trên thế giới và Việt Nam; chiến lược của VNPT trong xây dựng dữ liệu gắn với thúc đẩy kinh tế theo thế mạnh của địa phương, cũng như việc hoàn thiện hệ sinh thái sản phẩm - dịch vụ nhằm đáp ứng các nhu cầu chuyển đổi của ngành Công thương trong thời gian tới.
Diệu Hằng – Phòng Quản lý Thương mại (hangb22@gmail.com)