Theo Hiệp hội da giày và túi xách Bình Dương, 8 tháng của năm 2018 ngành da giày của tỉnh đạt giá trị xuất khẩu gần 1,8 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ 2017 và chiếm 12% tổng giá trị xuất khẩu của tỉnh trong 8 tháng. Đáng chú ý, các doanh nghiệp da giày trong tỉnh đã có đủ đơn hàng xuất khẩu đến hết năm, nên khả năng năm nay ngành da giày có thể đạt giá trị xuất khẩu 2,7 - 3 tỷ USD.
Mở rộng thị trường xuất khẩu
Thời gian qua, cùng với việc đầu tư đổi mới thiết bị sản xuất, các doanh nghiệp da giày tỉnh Bình Dương đã quan tâm đầu tư sản xuất phụ liệu từ nguyên liệu trong nước, nên chủ động được nguồn nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất. Nhờ đó đã góp phần để doanh nghiệp da giày trong tỉnh giảm tỷ lệ nhập khẩu nguyên, phụ liệu từ 65% năm 2010 xuống còn khoảng 35% hiện nay.
Đại diện Hiệp hội da giày và túi xách Bình Dương, cho biết hiện sản phẩm giày dép trong nước đã xuất khẩu sang gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các thị trường xuất khẩu chủ lực của ngành da giày trong nước là Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Nhật Bản. Chỉ tính riêng trong tháng 8-2018, da giày của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ chiếm 36% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành này trong tháng 8, tăng 13,4%; xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 30%, Nhật Bản tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước…
Dây chuyền sản xuất tại Công ty Cổ phần Công nghiệp Đông Hưng (Khu công nghiệp Tân Đông Hiệp A, TX.Dĩ An). Ảnh: XUÂN THI
Kim ngạch xuất khẩu ngành da giày ở thị trường truyền thống tăng trưởng khá đã đem lại sự tin tưởng và lạc quan cho các doanh nghiệp da giày Bình Dương. Ông Nguyễn Quang Vũ, Giám đốc Công ty TNHH Nam Bình, cho biết ngành da giày và túi xách trong nước nói chung, tại Bình Dương nói riêng còn nhiều tiềm năng ở thị trường châu Âu và Mỹ. Hiện công ty đã tiếp tục đầu tư mạnh vào công nghệ sản xuất và tiếp thị để đứng vững và mở rộng tại các thị trường xuất khẩu chủ lực này.
Tập trung nâng cao năng suất
Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung hiện chưa có hồi kết. Đây là cơ hội cho nhiều nhóm hàng xuất khẩu của Bình Dương đón nhận cơ hội mới. Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng các doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt thời cơ, lường trước những diễn biến trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung để có những bước điều chỉnh thích hợp nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu, chiếm lĩnh thị trường trong nước.
Đại diện Công ty TNHH Giày Duy Hưng (TX.Dĩ An) cho biết điểm yếu của các doanh nghiệp da giày trong nước chính là năng suất lao động còn thấp. Hiện nay, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài áp dụng máy móc tiên tiến đã đạt 1,2 đôi/ giờ lao động, trong khi năng suất trung bình của các doanh nghiệp Việt Nam mới được 0,7 đôi/giờ. Thời điểm này, các doanh nghiệp trong nước cần nỗ lực để năng suất lao động tối thiểu phải bằng 80 - 90% so với các công ty nước ngoài, có như vậy mới đủ sức cạnh tranh trong thời gian tới.
Hiện Sở Công thương đã đề nghị các hiệp hội, ngành hàng trên địa bàn tỉnh cần phát huy vai trò là cầu nối để liên kết các doanh nghiệp với nhau, từ đó thúc đẩy sản xuất, ổn định thị trường xuất khẩu đã có, đồng thời tìm kiếm thị trường mới. Bên cạnh đó, các đơn vị cần nâng cao năng lực hỗ trợ các doanh nghiệp hội viên thông qua các buổi hội thảo chuyên đề, hội thảo phổ biến các văn bản pháp luật mới. Về phía doanh nghiệp, cần chủ động nắm bắt tình hình thực tế, đưa ra những giải pháp hiệu quả, kịp thời để khai thác tốt cơ hội, hạn chế thách thức để phát triển ổn định trong thời gian tới…
XUÂN VĨ