Ngành da giày Bình Dương: Nỗ lực nâng cao giá trị
(BDO) Năm 2018, xuất khẩu da giày, túi xách cả nước ước đạt 20 tỷ USD, trong đó ngành da giày của Bình Dương đóng góp khoảng 10% giá trị kim ngạch xuất khẩu. Năm 2019 được các chuyên gia dự báo tiếp tục có nhiều thuận lợi để da giày Việt Nam mở rộng thị trường. Việc các doanh nghiệp da giày trong nước cần làm hiện nay là nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.
Tận dụng tốt cơ hội, hạn chế thách thức
Với nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết với các nước, xuất khẩu da giày của Việt Nam được hưởng ưu đãi lớn khi mức thuế xuất khẩu giảm mạnh từ 3,5 - 57,4% hiện nay xuống 0%, mở ra cơ hội tăng trưởng mạnh về xuất khẩu của ngành da giày trong nước.
Sản xuất da giày tại Công ty Da giày Đông Hưng (TX.Dĩ An). Ảnh: X.THI
Theo các chuyên gia, cuộc chiến thương mại Trung Quốc- Mỹ đang diễn ra phần nào ảnh hưởng tiêu cực đến ngành da giày trong nước, bởi phần lớn nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất trong nước đều nhập khẩu từ Trung Quốc. Đầu vào, nguồn nguyên phụ liệu đang phụ thuộc nhiều vào thị trường này về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sự tăng trường của ngành. Để giải quyết khó khăn này buộc các doanh nghiệp phải đẩy mạnh tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm, tăng cường nội địa hóa nguồn nguyên phụ liệu... nhằm bảo đảm cho ngành dệt may trong nước phát triển bền vững.
Một khó khăn nữa, tỷ lệ nội địa hóa của ngành gia giày mới chỉ chiếm 40 - 45%, trong đó chủ yếu là hai mặt hàng thứ yếu là đế giày và chỉ khâu. Nguyên liệu quan trọng nhất để sản xuất giày dép là da thuộc và da nhân tạo hiện doanh nghiệp trong nước vẫn đang phải nhập khẩu. Mỗi năm, Việt Nam phải nhập khẩu từ 1,1 - 1,5 tỷ USD da thuộc để sản xuất hàng da giày phục vụ xuất khẩu.
Hiện mỗi năm, Việt Nam sản xuất khoảng 920 triệu đôi giày, xuất khẩu hơn 800 triệu đôi tới hơn 50 thị trường trên thế giới, trong đó Liên minh châu Âu chiếm tỷ lệ lớn nhất. Đối với sản phẩm túi xách của các doanh nghiệp trong nước cũng được xuất khẩu sang 40 nước, trong đó thị trường Mỹ chiếm tỷ lệ cao nhất, với 41,6%. |
Theo số liệu thống kê, hiện cả nước có khoảng 800 doanh nghiệp da giày có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Mặc dù chiếm chưa đến 25% số lượng doanh nghiệp hoạt động trong ngành da giày tại Việt Nam, nhưng các doanh nghiệp FDI đang quyết định tới 77% giá trị xuất khẩu, trong đó nhiều doanh nghiệp FDI đang giữ vai trò dẫn dắt thị trường.
Bà Trương Thị Thúy Liên, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Liên Phát (TX.Dĩ An), cho biết ngành da giày trong nước cũng đang gặp không ít khó khăn. Khó khăn lớn nhất là ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước chưa phát triển xứng tầm; bên cạnh đó ngành chế tạo máy, cơ khí chính xác chưa có khả năng sản xuất ra máy móc, thiết bị hiện đại phục vụ cho sản xuất… Chính vì thế, các doanh nghiệp da giày trong nước nói chung, tại Bình Dương nói riêng phải tốn nhiều chi phí để nhập khẩu máy móc, nguyên phụ liệu từ nước ngoài.
Học cách làm của doanh nghiệp FDI
Hiện trên địa bàn tỉnh có nhiều thương hiệu giày nổi tiếng đang hoạt động như Nike, Adidas… chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu da giày của tỉnh. Các chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp FDI đã rất chủ động trong chuỗi cung ứng do hệ thống của họ cung ứng từ nguyên phụ liệu, sản xuất đến phân phối. Trong khi đó, doanh nghiệp nội địa đang ở thế bị động do ở vị thế làm gia công, sản xuất phụ thuộc vào sự chỉ định của nhà nhập khẩu. Mô hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp FDI rất đáng để doanh nghiệp trong nước học hỏi nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm da giày của mình.
Theo Sở Công thương, hiện nay các doanh nghiệp da giày FDI áp dụng máy móc tiên tiến và đã đạt 1,2 đôi/giờ lao động, trong khi năng suất trung bình của các doanh nghiệp Việt Nam mới được 0,7 đôi/giờ. Sắp tới, áp lực thay đổi công nghệ, dây chuyên sản xuất sẽ tăng thêm gánh nặng cho doanh nghiệp trong nước, nhưng đó là xu thế chung bắt buộc các doanh nghiệp phải thay đổi mới đủ sức cạnh tranh trên thị trường.
Vừa qua, Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam đã kiến nghị Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ về những giải pháp thúc đẩy ứng dụng công nghệ 4.0 vào các doanh nghiệp Việt Nam. Hiệp hội cũng kiến nghị 2 bộ đặc biệt lưu ý đến những tác động của cuộc cách mạng này tới người lao động và việc làm, vì nếu không có những bước chuẩn bị để đào tạo thích nghi với công nghệ mới thì người lao động sẽ bị đào thải.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo, Mỹ là thị trường nhập khẩu da giày lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần 40% trong tổng kim ngạch xuất khẩu da giày của cả nước. Nhưng khi mặt hàng này của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ tăng đột biến thì chúng ta rất có thể sẽ bị đặt trước cuộc điều tra chống bán phá giá hay điều tra về áp thuế… do Mỹ luôn sẵn sàng dựng hàng rào thuế quan để bảo vệ sản xuất trong nước và giảm thâm hụt thương mại. Do vậy, các bộ, ngành liên quan và doanh nghiệp cần phải theo dõi chặt chẽ tình hình thị trường, hàng hóa xuất khẩu để có sự kiểm soát kịp thời nhằm tránh gây xáo trộn thị trường.
Hình thành chuỗi liên kết
Theo đánh giá của Hiệp hội Da giày - Túi xách Bình Dương, Việt Nam nằm trong tốp 4 nước sản xuất giày dép lớn nhất thế giới, đứng thứ 3 thế giới về giá trị xuất khẩu giày dép. Sản phẩm giày dép của Việt Nam đã xuất khẩu tới trên 50 nước, trong khi sản phẩm túi xách hiện đã có mặt trên 40 nước. Trong thời gian tới, để nâng cao sức trạnh cũng như tăng giá trị cho sản phẩm, các doanh nghiệp trong nước cần đẩy mạnh liên kết, tích cực tham gia vào chuỗi cung ứng, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Ông Nguyễn Quang Vũ, Chủ tịch Hiệp hội Da giày- Túi xách Bình Dương, chia sẻ để tận dụng được lợi thế từ các FTA, các doanh nghiệp ngành da giày và túi xách Việt Nam phải đối mặt với vấn đề về xuất xứ hàng hóa, chất lượng hàng hóa; tuân thủ các điều khoản quy định về vệ sinh, môi trường, lao động và quy trình công nghệ. Điều này sẽ khiến cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam khó đáp ứng được yêu cầu, do năng lực kỹ thuật và tài chính hạn chế, sản phẩm không đủ tiêu chuẩn để bán ra trên thị trường.
Để tăng sức cạnh tranh cho ngành da giày, Hiệp hội Da giày- Túi xách Việt Nam đang phối hợp cùng Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ đầu tư vào một số dự án khuyến khích doanh nghiệp có các sản phẩm mới. Trước mắt, hiệp hội phối hợp khuyến khích doanh nghiệp tập trung sản xuất ra phẩm mới là đế pha lông và cao su nhiều màu nhằm tăng dần giá trị sản phẩm da giày và túi xách của các doanh nghiệp trong nước. Về lâu dài, hiệp hội đề nghị các doanh nghiệp cần tiến hành kết nối theo chuỗi liên kết...
Theo các chuyên gia ngành da giày, có hai hướng để doanh nghiệp da giày trong nước chọn là chuỗi liên kết dọc và chuỗi liên kết ngang. Chuỗi liên kết dọc nghĩa là liên kết giữa doanh nghiệp làm ra sản phẩm cuối cùng với người làm ra nguyên phụ liệu, máy móc thiết bị cũng như gắn với doanh nghiệp logistics; dạng chuỗi liên kết ngang thì trong đó, đối với những nhà máy sản xuất cùng một loại sản phẩm với nhau, ví dụ sản phẩm thể thao, phải liên kết với nhau. Khi có các chuỗi liên kết nội địa sẽ giúp ngành da giày Việt Nam nâng sức cạnh tranh với sản phẩm nước ngoài, bởi vì những thương hiệu lớn thường chỉ định những nhà sản xuất lớn cho các đơn hàng của mình.
Xuất khẩu của các doanh nghiệp da giày trong tỉnh tăng 18%
Theo Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, những năm qua, hàng năm kim ngạch xuất khẩu của ngành da giày chiếm gần 10% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Ngành này cũng đáp ứng 50% nhu cầu khách hàng trong nước và giải quyết việc làm cho hơn 1 triệu lao động.
Ông Nguyễn Quang Vũ, Chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Bình Dương, cho biết nếu như năm 2000 kim ngạch xuất khẩu da giày của cả nước mới đạt 1 tỷ USD thì đến năm 2018 đã tăng lên 20 lần, đạt 20 tỷ USD. Năm 2018, xuất khẩu da giày của Bình Dương cũng có mức tăng trưởng rất khả quan, tăng 18% so với năm 2017, ước đạt 2 tỷ USD giá trị xuất khẩu.
XUÂN VĨ