Dệt may là ngành công nghiệp chủ đạo, đóng góp vào mức tăng trưởng xuất khẩu bền vững trung bình từ 8 - 15% mỗi năm, góp phần quan trọng vào chiến lược phát triển kinh tế của đất nước. Hiện nay, ngành này sử dụng hơn 2 triệu lao động, xuất khẩu hơn 40 tỷ USD/năm, với thu nhập trung bình của người lao động đạt khoảng 8,5 triệu đồng/người/ tháng. Tuy nhiên, trong bối cảnh thương mại quốc tế đang có nhiều biến động hiện nay, nhu cầu hàng hóa nói chung, sản phẩm dệt may nói riêng sụt giảm nghiêm trọng, các doanh nghiệp dệt may đang gặp một số khó khăn trong việc tìm kiếm và duy trì thị trường, tìm kiếm nguồn cung ứng nguyên liệu sản phẩm.
Để tạo cơ hội cho các doanh nghiệp gặp gỡ, kết nối hình thành và phát triển chuỗi cung ứng trong và ngoài nước, từ ngày 21 đến 23-9 tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm WTC EXPO, lần đầu tiên diễn ra triển lãm quốc tế thiết bị, công nghệ in thêu, sản phẩm và nguyên phụ liệu dệt may Việt Nam với quy mô lớn. Triển lãm sẽ quy tụ hơn 200 gian hàng, tập trung giới thiệu 10 nhóm sản phẩm công nghệ cho ngành công nghiệp in thêu, gia công trang phục và sản xuất vải, sản phẩm và nguyên phụ liệu dệt may…
Triển lãm năm nay sẽ trưng bày giới thiệu những sản phẩm, như: Phần mềm thông minh hỗ trợ thiết kế trang phục (hệ thống CAD, đo cơ thể 3D, thử trang phục 3D, thiết kế 3D thông minh); thiết bị sản xuất quần áo thông minh; thiết bị in vải kỹ thuật số hoàn toàn tự động, máy móc, nguyên vật liệu ngành in vải; thiết bị thêu thông minh; hệ thống treo quần áo thông minh trong nhà xưởng; thiết bị - hóa chất in nhuộm và trợ nhuộm…
Điều đáng chú ý, triển lãm chọn nơi tổ chức lần đầu tiên tại Bình Dương với quy mô lớn, kỳ vọng thu hút sự quan tâm của đông đảo các doanh nghiệp. Qua đó tăng cường cơ hội quảng bá, liên doanh liên kết mở rộng thị trường, hợp tác trong nước và quốc tế, tiếp tục khẳng định vai trò ý nghĩa quan trọng trong giải quyết việc làm, an sinh xã hội, khẳng định tên tuổi trong nền kinh tế của Bình Dương.
Đặc biệt, thông qua triển lãm, Ban Tổ chức kỳ vọng sẽ giúp các doanh nghiệp tăng liên kết vùng, phát triển chuỗi cung ứng dệt may, đồng thời mở ra cơ hội cho doanh nghiệp ngành dệt may trong nước và quốc tế gặp gỡ, tìm hiểu trao đổi kinh nghiệm, tiếp cận với công nghệ sản xuất cũng như nguồn nguyên phụ liệu mới, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
KHẢI ANH