Ngành điện đẩy mạnh chuyển đổi số

Cập nhật: 14-06-2021 | 08:04:40

 Hơn 307.000 khách hàng cài đặt, sử dụng App (ứng dụng) trên điện thoại di động cho thấy nỗ lực và quyết tâm mạnh mẽ của Công ty Điện lực Bình Dương (PCBD) trong việc tăng cường chuyển đổi số (Digital Transformation) nhằm nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng, đóng góp vào hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, trong điều kiện dịch bệnh phức tạp, việc chuyển đổi số còn góp phần tăng cường công tác phòng chống, hạn chế các giao dịch trực tiếp.

 Đến nay PCBD có 307.000 khách hàng cài đặt ứng dụng App và Zalo trên điện thoại để sử dụng các tiện ích do điện lực cung cấp

 Tập trung nguồn lực

Ông Phan Thanh Lâm, Phó Giám đốc PCBD, cho biết năm 2021 ngành điện tập trung triển khai chuyển đổi số, chủ đề mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã thông qua. Mục tiêu EVN đặt ra là tích hợp công nghệ số và mô hình quản trị phù hợp với quá trình ứng dụng công nghệ kỹ thuật số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhằm tăng hiệu quả hoạt động, đổi mới sáng tạo, tối ưu hóa chi phí, nâng cao trải nghiệm và mức độ hài lòng khách hàng. Đến hết năm 2022, EVN cơ bản chuyển đổi thành doanh nghiệp hoạt động theo mô hình doanh nghiệp số. EVN nhận diện, lựa chọn và phát triển các trọng tâm chuyển đổi số như số hóa dữ liệu với mục tiêu “một hạ tầng, một cơ sở dữ liệu”, số hóa khách hàng, số hóa quy trình nghiệp vụ, tiếp tục lộ trình ứng dụng khoa học - công nghệ trong các hoạt động, tận dụng thành tựu nghiên cứu công nghệ 4.0...

Cũng theo ông Lâm, thời gian qua việc thực hiện việc chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh có những tín hiệu phát triển mạnh mẽ, nhận được sự quan tâm hưởng ứng tích cực từ người dân và doanh nghiệp. Đến cuối năm 2020, có hơn 307.299/527.316 khách hàng trên địa bàn tỉnh đã cài đặt App và Zalo, chiếm 58,28% khách hàng của PCBD, 337.500 khách hàng thanh toán trực tuyến, chiếm 63,6% khách hàng sử dụng điện. Thông qua ứng dụng nêu trên có thể sử dụng các dịch vụ trực tuyến, tương tác giữa khách hàng với công ty các nội dung liên quan.

Ông Phan Thanh Lâm cho biết thêm thời gian qua, PCBD luôn đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ trong mọi mặt hoạt động. Đến nay, đơn vị đã chuyển sang mô hình không người trực và điều khiển xa, ứng dụng sửa chữa không cắt điện, hoàn thiện các hệ thống ứng dụng phục vụ cho hoạt động chăm sóc khách hàng. Để chất lượng dịch vụ khách hàng ngày càng tốt hơn, hiện nay EVN đang hướng tới cung cấp dịch vụ điện trên nền tảng công nghệ số và theo các chuẩn mực quốc tế. Đáng chú ý, tại Bình Dương có 12 loại hình giao dịch điện bằng hình thức trực tuyến và qua cổng dịch vụ công, đạt trên 98% khách hàng sử dụng điện. Con số này phản ánh nhu cầu thực tế về dịch vụ điện trực tuyến của khách hàng; đồng thời cũng thể hiện sự phổ cập rộng của dịch vụ điện trực tuyến của ngành điện đang được khách hàng đón nhận, đánh giá cao.

Người dân cùng chuyển đổi

Chỉ với chiếc smart phone, giờ đây người dân có thể xem chỉ số điện, tiền điện, báo sự cố điện, sửa chữa… đều có thể thực hiện. Chị Nguyễn Thanh Thảo, nhà ở Chánh Nghĩa, TP.Thủ Dầu Một, cho biết thời gian qua việc cài đặt App và Zalo của ngành điện đã tạo thuận lợi rất nhiều cho người dân, khách hàng. Nếu như trước đây mỗi tháng đều nhận các thông báo chi phí tiền điện, những lúc vắng nhà phải đến tận trụ sở điện lực thành phố để thanh toán, thế nhưng khi được tư vấn, cài đặt sử dụng App và Zalo tạo nhiều thuận lợi cho khách hàng. “Chi phí tiền điện, thông báo cắt điện do sửa chữa đường dây, tương tác gửi thông báo về sự cố điện cũng được điện lực cử người giải quyết nhanh chóng. Thông qua App Zalo, gia đình tôi đã 2 lần nhận được thông báo của điện lực về việc giảm tiền điện cho khách hàng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Theo tôi, trong tình hình dịch bệnh, ứng dụng này rất hữu ích cho người dân”, chị Thảo chia sẻ.

Ông Phan Thanh Lâm chia sẻ thêm việc ứng dụng công nghệ đã đem lại hiệu quả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh rất rõ nét. Cụ thể, nếu trước đây không có các ứng dụng trực tuyến như App và Zalo, việc liên hệ, tương tác giữa công ty với khách hàng mất thời gian, công sức. Trong khi đó, việc ứng dụng công nghệ đã giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian, công sức cho cả doanh nghiệp và khách hàng, tạo nên sự hài lòng chung cho cả hai bên. “Việc đổi mới, ứng dụng triệt để công nghệ đã thu hẹp khoảng cách giữa khách hàng và điện lực, tạo sự kết nối 24/7. Khách hàng không còn phải mất công đi lại, đợi chờ, xếp hàng ở các phòng giao dịch điện lực. Công nghệ đã thay sức người, giúp khách hàng có những trải nghiệm tốt nhất về dịch vụ điện”, ông Lâm nói.

Trong hoàn cảnh tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay chính là điều kiện để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong doanh nghiệp cũng như khách hàng. Đến nay, PCBD thực hiện chuyển đổi số toàn diện trong chuỗi kinh doanh và dịch vụ khách hàng, từ cấp điện mới, ghi chỉ số, lập hóa đơn, thu và theo dõi nợ tiền điện, đến chăm sóc khách hàng. Các phương thức thanh toán cũng ngày càng thuận tiện, thực hiện mọi lúc, mọi nơi. Các điểm thu tiền điện của điện lực hiện chỉ còn phục vụ khách hàng ở vùng sâu, vùng xa. Hiện đa số khách hàng đã sử dụng các kênh thanh toán qua ngân hàng, tổ chức trung gian.

 Để chất lượng dịch vụ khách hàng ngày càng tốt hơn, hiện nay EVN đang hướng tới cung cấp dịch vụ điện trên nền tảng công nghệ số và theo các chuẩn mực quốc tế. Đáng chú ý, tại Bình Dương có 12 loại hình giao dịch điện bằng hình thức trực tuyến và qua cổng dịch vụ công, đạt trên 98% khách hàng sử dụng điện. Con số này phản ánh nhu cầu thực tế về dịch vụ điện trực tuyến của khách hàng; đồng thời cũng thể hiện sự phổ cập rộng của dịch vụ điện trực tuyến của ngành điện đang được khách hàng đón nhận, đánh giá cao.

 MINH DUY  

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1310
Quay lên trên