Trong bối cảnh rất khó khăn do giá nhiên liệu đầu vào sản xuất điện tăng đột biến, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã quyết liệt triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để tiết kiệm chi phí. Theo đó, ngành điện Bình Dương đang nỗ lực cắt giảm chi phí sản xuất, hoạt động để vượt qua khó khăn, đáp ứng nhu cầu điện cho sản xuất, sinh hoạt trên địa bàn.
Trạm biến áp Mỹ Hòa, TX.Bến Cát đưa vào vận hành khai thác góp phần bảo đảm nguồn điện phục vụ cho sản xuất công nghiệp trên địa bàn
Chi phí sản xuất tăng
Ông Lê Hồng Khanh, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Bình Dương cho biết, theo tính toán, EVN đang cố gắng thực hiện các giải pháp để giảm lỗ. Mặc dù đã nỗ lực để giảm chi phí nhưng với các giải pháp nội tại mà EVN thực hiện vẫn không thể bù đắp được chi phí mua điện đầu vào tăng quá lớn, kết quả sản xuất, kinh doanh 10 tháng năm 2022 của EVN lỗ khoảng 15.758 tỷ đồng, dự kiến ước cả năm 2022 có thể lỗ ở mức khoảng 31.360 tỷ đồng.
“Trước hết là khó khăn trong việc không cân đối được dòng tiền để thanh toán chi phí mua điện cho các đơn vị phát điện, ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của các nhà máy điện và do đó ảnh hưởng đến việc bảo đảm cung cấp điện. Thứ hai là trong vài năm gần đây, chi phí sửa chữa lớn đã phải cắt giảm chi phí theo định mức từ 10-30% và việc sửa chữa tài sản tiếp tục bị cắt giảm sẽ ảnh hưởng lớn đến an toàn vận hành hệ thống điện các năm tới. Thứ ba là khó khăn trong việc huy động vốn, cân đối nguồn vốn để đầu tư các dự án điện, sửa chữa bảo dưỡng các công trình điện để bảo đảm cung ứng điện”, ông Lê Hồng Khanh nói.
Có thể nói, nguyên nhân là do tình hình dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến tình hình kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Đặc biệt, sản lượng điện thương phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Ngành điện Bình Dương cũng chịu sự ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Theo dự báo mới nhất của các tổ chức quốc tế, khả năng giá nhiên liệu thế giới năm 2023 chưa có xu hướng giảm xuống ở mức bình quân năm 2021, dự kiến năm 2023 ngành điện vẫn tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn về sản xuất, kinh doanh và cân bằng tài chính.
Nỗ lực tiết kiệm
Do biến động giá nhiên liệu như than, dầu khí trên thế giới làm cho chi phí sản xuất điện và mua điện tăng rất cao. Ông Lê Hồng Khanh cho biết thêm, Công ty Điện lực Bình Dương đã xây dựng nhiều giải pháp điều hành cung cấp bảo đảm nguồn điện ổn định phục vụ nhu cầu đời sống nhân dân và đáp ứng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Công ty chú trọng thực hiện các giải pháp điều hành cung cấp điện hợp lý nhằm góp phần nâng cao hiệu quả bán điện.
Cụ thể, Công ty Điện lực Bình Dương sẽ giải quyết cấp điện mới cho khách hàng nhanh chóng, bảo đảm cung cấp điện ổn định liên tục, xử lý nhanh sự cố và phục hồi cấp điện kịp thời cho khách hàng, đặc biệt ưu tiên các khách hàng, khu vực, khung giờ có giá bán điện cao hơn. Tăng cường tiết kiệm và cắt giảm chi phí, như tiết kiệm 20% các chi phí thường xuyên, thực hiện các giải pháp về tối ưu hóa dòng tiền, cân đối chi phí sửa chữa tài sản cố định, tạm chi lương cho cán bộ, nhân viên bằng 80% mức lương bình quân năm 2020. Cùng với đó đẩy mạnh giao dịch trực tuyến các dịch vụ điện lực, tăng cường quản trị các khoản giảm giá thành điện, nghiên cứu các giải pháp tái cơ cấu, đổi mới phương thức quản lý, vận hành lưới điện và trong điều hành sản xuất, kinh doanh.
Công ty Điện lực Bình Dương tiếp tục đôn đốc, truyên truyền, hướng dẫn khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt, góp phần giảm thiểu chi phí của ngành điện và khách hàng. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình lưới điện trung hạ thế, thường xuyên phối hợp với sở, ngành và các đơn vị liên quan trong công tác chuẩn bị đầu tư các công trình 110kV. Ngành điện cũng sẽ kịp thời đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn đối với các công trình liên quan đến bồi thường giải phóng mặt bằng, thỏa thuận tuyến lưới hoặc quy hoạch tổng thể của tỉnh. Trong bối cảnh có nhiều khó khăn chung, Công ty Điện lực Bình Dương sẽ cố gắng, nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn thách thức để tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, bảo đảm cung cấp điện cho phát triển kinh tế - xã hội.
MINH DUY