Ngành giáo dục - đào tạo Bình Dương: 35 năm xây dựng và phát triển

Cập nhật: 29-04-2010 | 00:00:00

Trường lớp ngày càng khang trang, 100% đã được kiên cố hóa, chất lượng giáo dục đi vào thực chất và được nâng dần hàng năm... là những cụm từ thường được nhắc đi nhắc lại mỗi khi đánh giá sự phát triển của ngành giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) Bình Dương, nhất là 35 năm sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.

Trường tiểu học Thường Tân, Tân Uyên: Một trong những ngôi trường lầu hóa của huyện Vì sự nghiệp trồng người

Ông Trần Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, người có thời gian 35 năm gắn bó với ngành hồi tưởng lại: Nhớ những ngày đầu giải phóng, các nhà giáo tham gia kháng chiến trở về nhanh chóng tiếp quản cơ sở giáo dục cũ, hình thành bộ máy quản lý giáo dục các cấp và ban điều hành các trường học. Ngành đã nhanh chóng bồi dưỡng, đào tạo, bổ sung đội ngũ, cải tạo cơ sở vật chất, chuẩn bị khai giảng năm học đầu tiên 1975-1976. Cùng với đội ngũ giáo viên vùng giải phóng, giáo viên tham gia kháng chiến trở về, giáo viên lưu dung chế độ cũ được đào tạo lại và một bộ phận giáo viên chi viện từ miền Bắc vào, ngành bắt tay vào đào tạo giáo viên cấp I, II. Trong 2 năm, trường sư phạm cấp tốc của tỉnh đào tạo hơn 500 giáo viên, phần lớn được điều về các huyện phía bắc của tỉnh, các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc. Giáo viên cùng với phụ huynh tham gia xây dựng trường lớp, đến từng nhà vận động học sinh đến trường.

Ở thời điểm này, điều kiện công tác và cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn, nếu không tâm huyết với ngành người giáo viên khó lòng trụ vững trên bục giảng. Cô Nguyễn Thị Vẻ, giáo viên trường tiểu học An Bình B (Phú Giáo) là một trong số những giáo viên đã cống hiến cho sự nghiệp giáo dục trong suốt 35 năm qua. Trước kia cô dạy ở Lào Cai, đến năm 1981, theo lời kêu gọi của Đảng, cô tình nguyện vào Nam giảng dạy. Nơi cô chọn là xã An Bình. Dù mấy mươi năm đã trôi qua, nhưng đến giờ cô vẫn không quên được quãng thời gian đầy khó khăn lúc đó. Cô kể: “Cũng vì thiếu giáo viên mà suốt thời gian dài tôi dạy 2-3 lớp mỗi ngày, buổi sáng 2 lớp, chiều 1 lớp. Học sinh thì đủ lứa tuổi, có em 12-13 tuổi mới ra lớp. Nhiều em đang học thì nghỉ giữa chừng, thế là giáo viên phải đến tận nhà vận động ra lớp trở lại. Điều kiện giảng dạy khó khăn, cuộc sống càng khó gấp bội, có lúc chúng tôi phải ăn khoai mì, bo bo để thay cơm”.

Thầy Võ Đăng Trình, giáo viên trường THCS Cây Trường (Bến Cát) cũng có nhiều kỷ niệm trong suốt 35 năm trong nghề dạy học. Thầy cũng là một trong số những giáo viên tình nguyện về vùng xa. Thầy hồi tưởng lại: “Thời đó, ám ảnh nhất là đường sá đầy ổ gà, ổ voi, nắng thì bụi mịt mù, mưa xuống thì lầy lội đi không được. Vì điều kiện quá khó, giáo viên ngại về công tác ở vùng xa, riêng tôi nếu tư tưởng không vững vàng thì đã không trụ được như ngày hôm nay”.

Nhiều trường đã trang bị các phòng bộ môn, phục vụ tốt cho việc học tập của học sinhKhông ngừng phát triển

Năm học 1975-1976, toàn tỉnh có 1.587 phòng học là nhà cấp 4, tranh tre tạm thời. 10 năm sau, toàn tỉnh có 58 trường mẫu giáo, 164 trường phổ thông cơ sở, 22 trường phổ thông trung học. Qua 35 năm, sự nghiệp giáo dục đã có sự phát triển vượt bậc, toàn ngành có 369 đơn vị trường học, 26 trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp. Có thể nói, giờ đây trường học đã được “phủ” tận vùng sâu, vùng xa của tỉnh, học sinh không còn cảnh vượt hàng chục cây số để đến trường như trước kia. Ở các huyện Dầu Tiếng, Phú Giáo, Tân Uyên, những ngôi trường lầu hóa dần được mọc lên. Tân Uyên là một trong số những huyện có sự đổi thay khá nhanh chóng về giáo dục. Là vùng chiến khu nên sau chiến tranh nhiều địa phương bị tàn phá nặng nề, cơ sở vật chất trường lớp hầu như không có. Vậy mà bây giờ hầu hết các xã, thị trấn đều có trường học, đáp ứng yêu cầu huy động học sinh ra lớp từ tiểu học đến THPT. Toàn huyện có 12 trường đạt chuẩn quốc gia. Một số xã vùng chiến khu Đ như Lạc An, Thường Tân có trường kiên cố hóa, lầu hóa. Ông Lê Việt Hùng, Trưởng phòng GD-ĐT Tân Uyên nhận xét, trước đây nhiều năm dài huyện thiếu giáo viên, vậy mà đến nay đội ngũ giáo viên mạnh về số lượng và chất lượng, nhiều giáo viên phấn đấu đạt chuẩn và trên chuẩn. Điểm nổi bật nhất ở Tân Uyên là 100% trường có nối mạng internet và ứng dụng công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu quản lý giáo dục và giảng dạy.

Theo ông Trần Hiếu: Đến nay 100% trường học đã được kiên cố hóa, trong đó 39,81% được lầu hóa, có 314 nhà công vụ được xây dựng tại các địa bàn thuộc 4 huyện phía bắc, giúp giáo viên xa nhà yên tâm công tác. Chất lượng giáo dục cũng có sự chuyển biến tích cực. Chất lượng chăm sóc nuôi dạy trẻ ở bậc mầm non được quan tâm, chất lượng giáo dục tiểu học tiếp tục ổn định, qua cuộc vận động “hai không”, chất lượng bậc THPT và bổ túc THPT đã thể hiện kết quả thực chất và nâng dần theo hàng năm, tỷ lệ học sinh trúng tuyển vào đại học, cao đẳng năm sau cao hơn năm trước. Về đội ngũ, gần 100% giáo viên các cấp đã đạt chuẩn. Từ các cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”, “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” đã đem lại những chuyển biến về chất lượng, đồng thời nâng cao được đạo đức, nhân cách nhà giáo.

Vì lợi ích trăm năm, đội ngũ nhà giáo tỉnh nhà vẫn miệt mài đi “trồng người”. Song, trước yêu cầu ngày càng cao của xã hội đối với giáo dục, buộc mỗi nhà giáo thường xuyên nâng cao trình độ chuyên môn, đổi mới phương pháp giáo dục, tận tâm, tận lực, hết lòng vì học sinh thân yêu, như khẩu hiệu hành động của ngành hiện nay.

A.SÁNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X