Ngành giáo dục - đào tạo: Nhanh chóng bắt nhịp chuyển đổi số

Cập nhật: 22-11-2023 | 14:53:00

(BDO) Năm học 2023-2024, toàn ngành giáo dục - đào tạo (GD&ĐT) đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số (CĐS) trong quản lý và giảng dạy. Thực hiện chủ trương này, trường học các cấp trong tỉnh đã và đang tích cực CĐS trong quản lý và quản trị nhà trường, làm cơ sở thúc đẩy xây dựng trường học thông minh.

Trường THCS Bình Phú (TP.Thủ Dầu Một) đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy

Thực hiện hiệu quả CĐS trong trường học

CĐS là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của ngành GD&ĐT nói chung, nhằm thực hiện Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”; Kế hoạch số 360/KH-SGDĐT ngày 22-2 của Sở GD&ĐT về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và CĐS trong GD&ĐT năm 2023, định hướng đến năm 2025.

CĐS là xu thế tất yếu của thời đại. Muốn nâng cao chất lượng quản lý, giảng dạy và học tập cần tăng cường thực hiện CĐS. Thực tế, trong những năm học vừa qua, trường học các cấp trong tỉnh đã thực hiện CĐS trong dạy, học và quản lý, quản trị nhà trường.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Nhật Hằng, Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết trong thời gian qua, các trường THCS, THPT đã thực hiện khá tốt chỉ đạo của ngành trong việc ứng dụng công nghệ thông tin và CĐS trong quản lý và giảng dạy. Từ những kết quả đã đạt được, mong rằng các trường tiếp tục đẩy mạnh thực hiện CĐS, tiến tới xây dựng trường học thông minh. Quá trình xây dựng trường học thông minh, các trường cần vận dụng linh hoạt cơ sở vật chất CĐS, nâng cao chất lượng giảng dạy, hướng dần đến quản trị thông minh. 

Xây dựng mô hình trường học thông minh đối với cấp trung học, năm 2024 ngành sẽ triển khai thí điểm tại một số trường THCS, THPT đáp ứng tốt các yêu cầu theo bộ chỉ số đánh giá mức độ CĐS. Sau khi đánh giá hiệu quả của mô hình thí điểm, từ năm học 2024-2025 trở đi sẽ triển khai mở rộng đối với các trường THCS, THPT còn lại trong tỉnh.

Tại trường THPT Thái Hòa (TP.Tân Uyên), cơ sở hạ tầng đủ điều kiện đáp ứng thực hiện CĐS, như: Hệ thống wifi, máy tính, máy in, điểm phát wifi, phòng đa chức năng; 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên được trang bị chữ ký số, các phần mềm chuyên dụng phục vụ CĐS… và đã đạt được những kết quả nhất định. Trường thực hiện CĐS và quản lý thông qua phần mềm Vnedu (VNPT); xếp thời khóa biểu, học và thi trực tuyến, thực hiện CĐS và quản lý thông qua phần mềm của Vietschool.

Thích ứng với xu thế đổi mới, tại trường THCS Phú Mỹ (TP.Thủ Dầu Một), thực hiện CĐS trong dạy, học, trường đã tổ chức hoạt động dạy học trực tuyến qua hệ thống K12-Online, phần mềm Zoom dạy học trực tuyến. Giáo viên một số bộ môn đã tạo nhóm Zalo để trao đổi việc học tập, giao bài tập, góp ý, sửa bài cho học sinh (HS). Giáo viên sử dụng các công cụ tạo trò chơi để tạo sự hứng thú học tập cho các em. 

Về kiểm tra, đánh giá, giáo viên môn tin học đã sử dụng phần mềm VCE tổ chức thi trên máy tính có kết nối, trao đổi kết quả với hệ thống quản trị nhà trường. 

Cùng với CĐS trong dạy, học, trường còn thực hiện CĐS trong quản lý, quản trị nhà trường. Cô Phạm Thị Bích Thủy, Hiệu trưởng trường THCS Phú Mỹ, cho biết CĐS trong quản trị cơ sở giáo dục, trường sử dụng một số phần mềm, có các phân hệ để quản lý học sinh, đội ngũ cán bộ,  cơ sở vật chất,  thông tin y tế trường học, thông tin về sức khỏe học sinh, quản lý kế toán. Trường cũng triển khai các ứng dụng hồ sơ điện tử, ưu tiên triển khai sổ điểm điện tử, học bạ điện tử; triển khai ứng dụng kết nối, tương tác, trao đổi thông tin giữa phụ huynh với cơ sở giáo dục trên nền tảng số…

CĐS có vai trò quan trọng trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Thực hiện CĐS trong giáo dục thành công sẽ giúp thay đổi nhận thức nhanh nhất, mang lại hiệu quả, tiết kiệm chi phí, góp phần thúc đẩy tiến trình xây dựng xã hội số. 

Với trường Trung tiểu học Việt Anh, trong quản lý giáo dục nhà trường đã triển khai số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung từ Sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT đến nhà trường. Theo ban giám hiệu nhà trường, hiện nay đã số hóa và định danh dữ liệu của giáo viên và học sinh. Cơ sở dữ liệu này vừa qua cũng đã hỗ trợ đắc lực công tác tuyển sinh và thống kê, báo cáo trong toàn trường. Nhà trường đã sử dụng phần mềm quản lý trường học, sổ điểm điện tử, học bạ điện tử, duyệt giáo án…

Giải pháp tăng cường CĐS trong thời gian tới

Trước sự thay đổi mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghệ số, từng giáo viên dần thay đổi từ nhận thức đến hành động, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và CĐS trong quản lý và giảng dạy. Tất cả cán bộ, nhân viên, giáo viên trong toàn tỉnh nắm bắt được chủ trương, tinh thần CĐS của trường và của ngành.

Giờ học stem của học sinh trường THCS Nguyễn Trãi (huyện Phú Giáo)\

Việc thực hiện CĐS hiệu quả sẽ là nền tảng để xây dựng trường học thông minh. Hướng đến mục tiêu xây dựng trường học thông minh, các trường THCS, THPT trong tỉnh đã và đang đẩy mạnh thực hiện CĐS.

Vừa qua, Sở GD&ĐT đã tổ chức hội nghị tăng cường CĐS trong công tác quản lý và quản trị nhà trường, định hướng xây dựng mô hình trường học thông minh. Tại hội nghị, đại diện các trường THCS, THPT chia sẻ những việc đã làm được, cũng như những giải pháp tăng cường CĐS trong công tác quản lý và quản trị nhà trường.

Cô Phạm Thị Bích Thủy, Hiệu trưởng trường THCS Phú Mỹ, cho biết để thực hiện tốt hơn công tác triển khai và đánh giá CĐS trong giáo dục thời gian tới, nhà trường đưa ra những giải pháp, như: Tiếp tục nâng cao nhận thức về CĐS trong giáo dục đến tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường; xây dựng hoàn thiện cơ sở dữ liệu theo Thông tư 42/2021/TT-BGDĐT quy định về cơ sở dữ liệu GD&ĐT. Theo cô Thủy, mỗi trường cần tận dụng và khai thác tối đa các điều kiện hiện có về nhân lực, cơ sở vật chất và sử dụng hợp lý kinh phí để thực hiện CĐS trong giáo dục. Lãnh đạo trường cần nghiên cứu và mạnh dạn ứng dụng hồ sơ số giáo dục trong quản trị cơ sở như sổ ghi đầu bài, học bạ học sinh, sổ theo dõi và đánh giá học sinh, sổ điểm cá nhân, kế hoạch bài dạy, theo dõi thi đua của học sinh…

Đối với trường THPT Lê Lợi (huyện Bắc Tân Uyên), nhà trường đã tập huấn và triển khai nhiều giải pháp ứng dụng CĐS trong dạy học và quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới của chương trình GDPT 2018.

Quá trình thực hiện CĐS trong dạy - học, quản lý, Ban giám hiệu trường Trung - Tiểu học Pétrus Ký đã đúc kết, cần thống nhất về CĐS trong toàn trường. Khi bắt đầu quá trình CĐS từ yếu tố “số”, không nên chỉ quan tâm đến nâng cấp hạ tầng, mua sắm thiết bị. Quá trình CĐS cần diễn ra từ nhận thức, quá trình quản lý, phương pháp làm việc… Đối với hoạt động quản lý, dạy - học cần đặc biệt chú ý đến phương pháp dạy, phương pháp học và phương pháp tương tác trên môi trường số.

HỒNG THÁI

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=403
Quay lên trên
X