Ngành giao thông - vận tải: Hướng đến giao thông thông minh

Cập nhật: 06-11-2018 | 07:29:08

Trong những năm qua, ngành giao thông - vận tải (GTVT) của tỉnh đã có nhiều đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Hiện nay, ngành đang nỗ lực cùng tỉnh xây dựng Đề án thành phố thông minh Bình Dương.

Xây dựng hạ tầng đồng bộ, hiện đại

Trong những năm qua, Bình Dương luôn xác định hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển tỉnh nhà; GTVT phải đi trước một bước để làm tiền đề, động lực thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh... Đến nay, hạ tầng giao thông của tỉnh có kết cấu theo hướng đồng bộ liên hoàn, kết nối hợp lý giữa các trục quốc lộ, đường tỉnh với các đường huyện, đồng thời bảo đảm sự kết nối với hệ thống giao thông quốc gia và các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

 Ngành giao thông - vận tải đóng góp tích cực cùng tỉnh xây dựng thành phố thông minh. Trong ảnh: Đường Phạm Ngọc Thạch, TP.Thủ Dầu Một, đã được nâng cấp khang trang, hiện đại. Ảnh: PHƯƠNG LÊ 

Cụ thể là tỉnh đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể giao thông tỉnh Bình Dương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đã được đầu tư xây dựng, như quốc lộ 13. Bên cạnh đó, việc mở rộng quốc lộ 13 kết nối với đường 14 (đường Hồ Chí Minh) và nối với Lộc Ninh (Bình Phước) sang nước bạn Campuchia tạo lực cho Bình Dương cùng các tỉnh miền Đông Nam bộ và Tây nguyên phát triển. Cùng với đó, đường Mỹ Phước - Tân Vạn được đầu tư xây dựng tạo thuận lợi cho tỉnh kết nối thông suốt với các địa phương vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, như kết nối với quốc lộ 1A, TP.Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Phước… Đối với đường ĐT744 kết nối tỉnh Bình Dương với tỉnh Tây Ninh, Bình Phước, đường vào cầu Phú Long kết nối tỉnh Bình Dương với TP.Hồ Chí Minh… tạo môi trường giao thông thông thoáng, thuận lợi cho người dân và các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại, góp phần quan trọng cho việc phát triển kinh tế của tỉnh và của các địa phương trong vùng…

Ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết trong quá trình phát triển kinh tế Bình Dương luôn quan tâm đến kết nối vùng. Theo đó, tỉnh đã chủ động và tích cực liên kết với TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh phát triển mạnh giao thông đường bộ, đường thủy. Có thể thấy, các tuyến đường huyết mạch của tỉnh có ý nghĩa rất quan trọng, vừa tạo lực để tỉnh thu hút đầu tư phát triển công nghiệp vừa thúc đẩy đô thị trên địa bàn phát triển theo hướng bền vững, đồng thời mở ra cơ hội mới trong liên kết vùng cho Bình Dương và các tỉnh, thành phố trong khu vực.

Phát triển giao thông thông minh

Trong những năm qua, Sở GTVT đã phối hợp với các ngành, các cấp trong tỉnh đóng góp xây dựng, phát triển thành phố thông minh Bình Dương; cùng với đó sở đã phối hợp với các đơn vị tham mưu, đề xuất UBND tỉnh sử dụng đèn chiếu sáng, đèn giao thông ít tiêu hao điện năng, tuổi thọ cao và gắn với các chế độ tắt mở thông minh. Sở cũng đầu tư trang bị hệ thống camera quan sát giao thông và trung tâm điều khiển giao thông, kết hợp với kiểm soát, phát hiện và xử lý các vi phạm luật giao thông để xử lý, với mục tiêu là giúp cơ quan quản lý nắm được tình hình lưu lượng giao thông để có sự can thiệp điều tiết… Trên cơ sở đó, cơ quan quản lý nhà nước căn cứ tình hình gia tăng lưu lượng trên tuyến đường giao lộ để có kế hoạch đầu tư, nâng cấp, mở rộng tuyến đường...

Để giúp người dân tiếp cận với lối sống đô thị thông minh, tỉnh đã triển khai nhiều chính sách thiết thực để cải tạo và phát triển hệ thống xe buýt. Kết quả của các chính sách này là hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh dần hình thành và phát triển, mạng lưới tuyến xe buýt này đã bao phủ trên diện rộng, khả năng tiếp cận của người dân dễ dàng, chất lượng dịch vụ ngày càng được cải thiện và lượng hành khách đi xe buýt liên tục tăng nhanh. Nổi bật có thể kể đến là hệ thống xe buýt Kaze Shuttle chạy bằng khí nén thiên nhiên CNC thân thiện với môi trường, có ưu điểm vượt trội về thời gian biểu vận hành, tính an toàn. Sở GTVT tỉnh đã phối hợp với Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) triển khai thực hiện thí điểm bãi đỗ xe trung chuyển Park and Ride nhằm giảm ùn tắc giao thông và hạn chế ô nhiễm môi trường.

Ông Trần Bá Luận, Giám đốc GTVT, cho biết khi có nhu cầu, đến điểm bãi đỗ xe trung chuyển Park and Ride người có xe mô tô 2 bánh gửi xe miễn phí và chuyển sang xe buýt để đến nơi học tập, làm việc. Giải pháp này tạo thuận lợi cho người sử dụng xe buýt, khuyến khích người dân giảm dần sử dụng phương tiện cá nhân chuyển sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng và cũng là một trong những công việc thuộc trong lộ trình xây dựng và phát triển tỉnh Bình Dương thành một đô thị văn minh, hiện đại. 

 Vừa qua, Bình Dương đã chính thức được Diễn đàn cộng đồng thông minh Thế giới (ICF) bình chọn là 1 trong 21 thành phố, khu vực có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu của thế giới năm 2019. Theo ông Nguyễn Bá Luận, Giám đốc Sở GTVT, đây là cơ hội, tiền đề quan trọng để ngành giao thông tỉnh nhà xúc tiến ứng dụng công nghệ thông minh trong phát triển hạ tầng và quản lý giao thông, khai thác tốt giao thông. Đồng hành với việc triển khai thực hiện Đề án phát triển thành phố thông minh Bình Dương, trong thời gian tới ngành GTVT tỉnh sẽ tiếp tục xây dựng và phát triển giao thông thông minh; trước mắt là phát triển chiếu sáng đô thị thông minh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từng bước tiếp cận công nghệ thông minh, tranh thủ sự phối hợp hỗ trợ của các nhà khoa học, chuyên gia, các trường, viện nghiên cứu...

 PHƯƠNG LÊ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1099
Quay lên trên