Ngành gỗ Bình Dương: Chủ động phát triển thị trường mới

Thứ ba, ngày 13/08/2024

(BDO) Ngành chế biến gỗ là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của tỉnh Bình Dương. Hàng năm, giá trị xuất khẩu của ngành chiếm 18- 20% giá trị xuất khẩu của tỉnh và liên tục giữ mức tăng trưởng từ 10-20% trong suốt 20 năm qua.

Hoạt động sản xuất gỗ tại Công ty Cổ phần Chế biến gỗ Đức Thành (TP.Tân Uyên)

 Tiếp tục dẫn đầu về giá trị xuất khẩu

Trong 7 tháng năm 2024, ngành chế biến gỗ của Bình Dương đạt giá trị xuất khẩu hơn 3,5 tỷ USD, tăng gần 22% so với cùng kỳ năm 2023 và chiếm 18,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

Theo ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ Bình Dương (BIFA), thị trường nhập khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam nói chung và của Bình Dương nói riêng sau đại dịch Covid-19 dần phục hồi nên đơn hàng sản xuất trong năm nay của doanh nghiệp (DN) sản xuất, chế biến gỗ của Bình Dương ổn định hơn và hiện đang tập trung sản xuất nhằm bảo đảm tiến độ giao hàng. Trong số các thị trường xuất khẩu của DN gỗ Bình Dương, Hoa Kỳ chiếm 71,1%, tăng 26,6% so với cùng kỳ năm 2023; Liên minh châu Âu (EU) chiếm 13,3%, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2023; tiếp đến là Canada, Hàn Quốc, Úc.

Ông Phạm Minh Duy, Phó Giám đốc phụ trách sản xuất của Công ty gỗ Đức Thành, cho biết tình hình xuất khẩu của công ty 7 tháng qua khá ổn định, đơn hàng tăng 20% so với cùng kỳ năm 2023. Hiện nay, công ty chuyên thực hiện đơn hàng sản phẩm đồ da dụng, dụng cụ làm bếp, đồ chơi trẻ em xuất khẩu đến hơn 50 quốc gia trên thế giới.

Theo đánh giá chung, DN chế biến gỗ xuất khẩu tại Bình Dương có quy mô sản xuất lớn, công nghệ ngày càng được đầu tư tự động hóa, số hóa nên sản xuất đa dạng chủng loại sản phẩm và hoàn toàn đáp ứng đủ sản lượng theo nhu cầu thị trường các nước. Đồng thời, các chính sách kích cầu nền kinh tế từ phía Nhà nước đã khích lệ DN nỗ lực sản xuất, giữ đuợc thị trường xuất khẩu ổn định.

Hỗ trợ DN tìm kiếm khách hàng mới

Hiện tại, ngành chế biến gỗ Bình Dương cũng đang đối mặt với những khó khăn chung của ngành chế biến gỗ xuất khẩu của cả nước, như: Giá nguyên phụ liệu nhập khẩu liên tục biến động làm cho DN khó chủ động xây dựng giá bán phù hợp, vừa bảo đảm có lợi nhuận vừa có tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, ngành cơ khí chế tạo máy móc, phụ tùng và công nghiệp hỗ trợ trong nước chưa phát triển tương xứng nên DN tốn nhiều thời gian trong việc lựa chọn đầu tư dây chuyền công nghệ phù hợp phục vụ sản xuất. Điều này dẫn đến chi phí đầu tư công nghệ chế biến sẽ cao hơn các quốc gia phát triển.

Hội chợ máy và nguyên liệu Gỗ quốc tế Bình Dương - BIFA WOOD VIETNAM năm 2024 là dịp để ngành gỗ Bình Dương quảng bá, tìm kiếm khách hàng mới

Các DN gỗ nhận định, diễn biến bất ổn của tình hình thế giới gia tăng vào cuối năm 2024 sẽ ảnh hưởng đến đơn hàng xuất khẩu của các DN tại Việt Nam. Các thị trường xuất khẩu chính đồ gỗ của Việt Nam đang có những chính sách hỗ trợ DN trong nước. Cụ thể như tại thị trường Hoa Kỳ, chính phủ nước này đang tích cực hỗ trợ DN trong nước bằng cách gia tăng các biện pháp phòng vệ thương mại thông qua các cuộc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp.

Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch BIFA: Cùng với sự đồng hành, hỗ trợ của các cấp, các ngành, hy vọng năm 2024 ngành chế biến gỗ Bình Dương có thể đạt giá trị xuất khẩu hơn 6 tỷ USD, tăng hơn 20% so với năm 2023 và giữ vững vị thế dẫn đầu của ngành chế biến, xuất khẩu gỗ Việt Nam.

Cùng với đó, giá cước vận tải tăng khiến giá gỗ nguyên liệu đầu vào tăng, có những loại gỗ giá bán hiện tại tăng 40% so với năm trước. Điều này ảnh hưởng tới giá thành sản phẩm đầu ra, trong khi nhà nhập khẩu nước ngoài yêu cầu giảm giá thành sản phẩm.

Ông Nguyễn Liêm cho biết, từ những kết quả đạt được của ngành gỗ trong 7 tháng qua và những thách thức đang đặt ra, BIFA đang đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu ngành chế biến gỗ và lâm sản của Bình Dương thông qua nhiều kênh, nhiều phương thức. Điển hình như Hội chợ máy và nguyên liệu Gỗ quốc tế Bình Dương - BIFA WOOD VIETNAM năm 2024 vừa được tổ chức, thu hút đông đảo các DN gỗ, khách hàng tham gia, tạo cơ hội cho ngành gỗ Bình Dương quảng bá, tìm kiếm khách hàng mới, tiềm năng.

Cùng với đó, BIFA tiếp tục phối hợp với Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) và các cơ quan liên quan cập nhật thông tin và có những giải pháp hiệu quả để ứng phó với các vụ kiện thương mại; đồng thời chuẩn bị nguồn nguyên liệu hợp pháp, chất lượng cho ngành chế biến gỗ xuất khẩu; tổ chức tốt quá trình sản xuất, nâng cao năng suất lao động trong DN, bảo đảm việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động. BIFA cũng hỗ trợ DN tìm kiếm, phát triển thị trường mới; đàm phám, ký kết các đơn hàng sản xuất và xuất khẩu cho năm 2025. Về lâu dài, ngành gỗ hướng đến chuyển đổi số, chuyển đổi xanh để phát triển bền vững.

TUẤN ANH