Trong 6 tháng đầu năm, ngành gốm sứ của Bình Dương tiếp tục phát triển ổn định, nhiều doanh nghiệp có đơn hàng đến cuối năm. Với kết quả này, dự kiến ngành gốm sứ sẽ sớm hoàn thành kế hoạch năm.
Giữ vững thị trường xuất khẩu
Những năm qua, mặc dù chịu sự cạnh tranh gay gắt của gốm sứ Trung Quốc, nhưng các doanh nghiệp (DN) gốm sứ trong nước nói chung, tỉnh Bình Dương nói riêng đã rất nỗ lực giữ vững thị trường truyền thống và khai thác thị trường mới.
Trong 6 tháng đầu năm 2018, Công ty TNHH Gốm sứ Cường Phát (TX.Thuận An) đạt giá trị xuất khẩu gần 2 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Hiện công ty đã có đơn hàng sản xuất đến hết năm 2018, với doanh số xuất khẩu dự kiến khoảng 8 triệu USD, tăng 15% so với năm 2017. Theo lãnh đạo DN này, đơn hàng về nhiều song để bảo đảm hiệu quả sản xuất, DN đang tập trung nâng cao năng lực quản trị hệ thống, quản trị sản xuất để có giá thành phù hợp với thị trường.
Một công đoạn sản xuất gốm mỹ nghệ tại Công ty Đại Hồng Phát.
Ảnh: PHÙNG HIẾU
Hiện nay, nhiều DN gốm sứ của Bình Dương đã có đơn hàng sản xuất đến cuối năm. Ông Lý Ngọc Bạch, Giám đốc Công ty Cường Phát, cho biết ngoài những thị trường truyền thống, hàng gốm sứ Việt Nam đang xuất khẩu mạnh sang các nước Pháp, Hàn Quốc… Ông Vương Siêu Tín, Giám đốc Công ty Gốm sứ Phước Dũ Long, cho hay 6 tháng đầu năm nay công ty đạt mức tăng trưởng 50% so với cùng kỳ năm 2017. Các sản phẩm gốm xuất khẩu của công ty chủ yếu là gốm mỹ nghệ, gốm sân vườn…
Chú trọng thị trường nội địa
Tại Bình Dương hiện có gần 300 cơ sở sản xuất gốm, mỗi năm cung cấp cho thị trường từ 130 - 150 triệu sản phẩm các loại. Khó khăn hiện nay là các cơ sở gốm trên địa bàn tỉnh sản xuất nhiều hay ít sản phẩm còn phụ thuộc vào khách hàng. Do vậy, mặc dù thời gian gần đây ngành gốm sứ của tỉnh tiếp tục tăng trưởng khá, nhưng so với thời hoàng kim vẫn còn khoảng cách rất xa.
Bà Nguyễn Thị Hồng Vân, Giám đốc Công ty Gốm Đại Hồng Phát, cho biết ngành gốm sứ hiện nay có rất nhiều thay đổi so với những năm trước, số cơ sở gốm nhỏ giảm dần vì không chịu nổi áp lực cạnh tranh, nhưng bù lại một số DN chuyên xuất khẩu gốm dần lớn mạnh để khẳng định tên tuổi và uy tín trên thị trường. Xu hướng chia sẻ đơn hàng đang được các DN gốm sứ tại Bình Dương thực hiện, cụ thể là các DN lớn nhận đơn hàng rồi phân phối lại cho các cở sỏ nhỏ để gia công. Việc này vừa giúp các cơ sở gốm nhỏ tiếp tục ổn định sản xuất, vừa giúp các DN giảm bớt áp lực thời gian giao hàng.
Ông Vương Siêu Tín cho hay, một số DN gốm hiện đã quay lại thị trường nội địa để giữ lấy thị trường gốm gia dụng (như chén, bát); ở thị trường xuất khẩu ngoài các mặt hàng gốm sứ sân vườn, gốm xây dựng đang được các DN quan tâm. Tiềm năng đối với các mặt hàng gốm xây dựng rất lớn, bởi nhu cầu vật liệu mới trong xây dựng đang tăng mạnh.
Vật liệu gốm được dùng nhiều trong chi tiết kết cấu của công trình, từ khối xây, lát nền, ốp tường đến cốt liệu rỗng cho loại bê tông nhẹ. Ngoài ra, các sản phẩm sứ vệ sinh là những vật liệu không thể thiếu trong xây dựng. Các sản phẩm gốm bền axit, bền nhiệt được dùng nhiều trong công nghiệp hóa học, luyện kim và các ngành công nghiệp khác. Ưu điểm chính của vật liệu gốm là có độ bền và tuổi thọ cao, từ nguyên liệu địa phương có thể sản xuất ra các sản phẩm khác nhau thích hợp với các yêu cầu sử dụng, công nghệ sản xuất tương đối đơn giản, giá thành cạnh tranh. Đây được coi là cơ hội cho ngành gốm cả nước. Nếu chịu khó tìm tòi, đầu tư công nghệ, gốm xây dựng rất có thể trở thành mặt hàng xuất giàu tiềm năng bởi hiện nay nhu cầu cao mặt hàng này trong lĩnh vực xây dựng.
XUÂN VĨ