Những tín hiệu tích cực trong các tháng của quý III-2023 chính là bước đệm quan trọng để sản xuất công nghiệp đạt tăng trưởng trong những tháng cuối năm trước bối cảnh khó khăn chung của kinh tế toàn cầu.
Công nhân Công ty TNHH Đông Tây (TP.Tân Uyên) đã trở lại tăng ca để đáp ứng đơn hàng
Vượt khó
Mặc dù tình hình kinh tế thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, nhu cầu thị trường chưa phục hồi, song với nền tảng vĩ mô ổn định cùng với các biện pháp đồng bộ nhằm hỗ trợ sản xuất, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu được triển khai quyết liệt, mạnh mẽ, sản xuất công nghiệp tháng 10 tiếp tục có những tín hiệu tích cực. Dự ước chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 10 tăng 3,26% so với tháng trước, tăng 9,72% so với cùng kỳ. Trong đó, đáng chú ý ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 3,3% so với tháng trước, tăng 10,14% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, những khó khăn từ suy giảm kinh tế toàn cầu, đặc biệt là từ những tháng đầu năm đã ảnh hưởng đến kết quả sản xuất công nghiệp nếu tính chung từ đầu năm. 10 tháng qua, công nghiệp chỉ tăng 4,16% so với cùng kỳ. Trong đó, một điểm sáng đáng chú ý là ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 4,31% so với cùng kỳ. Dù con số này vẫn còn xa so với mục tiêu đề ra trong năm 2023, song đây là một sự nỗ lực lớn của cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh nhiều khó khăn vây bủa.
Vượt lên những khó khăn thách thức của 3 quý đầu năm, đầu quý IV, ngành gỗ tiếp tục trở lại là một trong những điểm sáng của Bình Dương về kim ngạch xuất khẩu. Trước đó, do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Tháng 10-2023, kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ ước đạt 609,93 triệu đô la Mỹ, tăng 38,5% so với tháng trước, giảm 15,1% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 21,93% tổng kim ngạch xuất khẩu cả tỉnh. Con số này là một tín hiệu vui so với những quý trước đây có lúc giảm tới 50%.
Dự báo thị trường xuất khẩu đồ gỗ thời gian tới có tín hiệu phục hồi khi nền kinh tế ở các nước nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Bình Dương có dấu hiệu tăng trưởng. Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương, nhận định: “Lạm phát của Mỹ đang giảm, việc làm tại thị trường này cũng đang tăng lên, đặc biệt là vấn đề xây dựng và mua bán nhà bắt đầu có tín hiệu tích cực trở lại. Từ những tín hiệu này, kỳ vọng xuất khẩu đồ gỗ của Bình Dương vào Mỹ - thị trường lớn nhất của gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam (chiếm khoảng 60%) sẽ tăng trưởng trở lại. Tuy nhiên, hiện nay, rất khó để có thể đoán định tương lai gần. Bởi lẽ, lạm phát có giảm nhưng vẫn còn, xung đột quân sự vẫn diễn ra, cạnh tranh địa chính trị vẫn hiện hữu”.
Cũng theo ông Nguyễn Liêm, khó mà biết được thị trường sẽ phục hồi như thế nào. Dù vậy, tồn kho rồi sẽ giảm. Chắc chắn các nhà mua hàng của Mỹ sẽ bắt đầu đặt hàng trở lại để bù đắp vào lượng hàng giảm từ tồn kho, tuy nhiên, đơn hàng sẽ không lớn như trước đây. Thị trường phục hồi và tốt trở lại như giai đoạn năm 2020-2022 thì cần có thời gian.
Tuy nhiên, sự phục hồi này là so với các tháng liền kề trước đó chứ chưa thể so sánh với cùng kỳ năm trước. Sự phục hồi hiện tại cũng mang tính quy luật, vì thường vào cuối năm khách hàng ở các nước có nhu cầu sửa chữa, trang trí nhà cửa, chính vì vậy đơn hàng sẽ tăng. Các DN ngành gỗ cũng đang cố gắng hết sức cho mục tiêu tăng trưởng năm 2023 và xác lập đơn hàng cho năm 2024.
Tăng tốc sản xuất
UBND tỉnh cũng đang tập trung những giải pháp trọng tâm như tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho DN để thúc đẩy phát triển sản xuất trên cơ sở bám sát tình hình của các ngành, lĩnh vực, một số địa phương trọng điểm về công nghiệp.
Để thúc đẩy lĩnh vực này, trong thời gian cộng đồng DN cần nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh tiếp tục triển khai tích cực, đồng bộ, đặc biệt là chính sách tiền tệ, hỗ trợ vốn vay giảm lãi suất. Ông Nguyễn Thái Minh Quang, Giám đốc Vietcombank Bình Dương, cho biết ngân hàng đã điều hành nhiều đợt giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, sẽ có tác động tích cực trong thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng trong những tháng cuối năm. Hiện phía Vietcombank có nhiều chương trình hỗ trợ, tư vấn đến từng DN để bảo đảm nguồn vốn cho sản xuất và phục hồi kinh tế.
Bản thân các DN công nghiệp cũng nỗ lực, dồn lực cho những tháng cuối năm. Ông Phan Thành Đức, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần May mặc Bình Dương, chia sẻ nếu như từ nửa đầu năm 2023 trở về trước, cũng như nhiều DN khác trong lĩnh vực dệt may, công ty phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là về thị trường tiêu thụ khi tổng cầu giảm sút mạnh. Cùng với đó chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao khiến sản phẩm giảm sức cạnh tranh, nhưng nhờ đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số, đầu tư dây chuyền, công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, công ty đã “giữ chân” được nhiều đối tác quan trọng, tìm kiếm thêm được nhiều đơn hàng mới cho quý IV- 2023 và những tháng đầu năm 2024. Thời điểm này, công ty vẫn đang tăng tốc sản xuất và tuyển dụng thêm công nhân lao động để đáp ứng tiến độ các đơn hàng.
Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương, cho biết ngành công thương cũng đẩy mạnh việc kết nối các DN trong nước tham gia được vào chuỗi cung ứng của các DN FDI lớn toàn cầu đang đầu tư tại Bình Dương. Sở Công thương cũng tạo thuận lợi cho DN trong các thủ tục hành chính, tiếp cận các chương trình hỗ trợ về phát triển khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại trong và ngoài nước.
TIỂU MY