Ngành ngân hàng tích cực chuyển đổi số, phục vụ khách hàng

Cập nhật: 14-05-2024 | 08:07:38

Chủ động triển khai, lấy người dân làm trung tâm để phục vụ, công cuộc chuyển đổi số (CĐS) của ngành ngân hàng trên địa bàn tỉnh đạt được những kết quả đáng khích lệ.

 Hệ thống ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh tích cực chuyển đổi số, cung cấp dịch vụ trên môi trường số để phục vụ khách hàng tốt hơn. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại BIDV - Chi nhánh Bình Dương

 Nhiều giải pháp số

Một trong những dấu ấn CĐS ngành ngân hàng trên địa bàn tỉnh có thể kể đến chính là sự bứt phá trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM). Hoạt động này đã và đang trở thành xu hướng tất yếu, phương thức thanh toán thông dụng.

Hạ tầng, trang thiết bị phục vụ hoạt động TTKDTM và CĐS ngành ngân hàng được nâng cấp, cải thiện, bảo đảm an toàn, không ngừng kết nối, mở rộng mạng lưới thanh toán với đối tác liên quan. Với sự đồng hành của các ngân hàng thương mại (NHTM), việc triển khai các giải pháp TTKDTM cho các nhóm dịch vụ như thanh toán phí, lệ phí thủ tục hành chính, nộp thuế, BHXH… được đẩy mạnh.

Đơn cử như Vietcombank Bình Dương đã triển khai TTKDTM với rất nhiều đối tác là trường học, bệnh viện, UBND các thành phố, huyện, thị trên địa bàn, Kho bạc Nhà nước, Cục Thuế, Cục Hải quan... Theo đó, Vietcombank cung cấp các dịch vụ thanh toán qua cổng dịch vụ công quốc gia, giải pháp thanh toán bằng mã QR Code, thẻ… Ông Nguyễn Thái Minh Quang, Giám đốc Vietcombank - Chi nhánh Bình Dương, cho biết ngoài các giải pháp trên, Vietcombank đẩy mạnh tư vấn khách hàng sử dụng các sản phẩm trực tuyến (tài trợ thương mại trực tuyến, dịch vụ ngân hàng điện tử, mở tài khoản online…) để góp phần thuận tiện cho doanh nghiệp (DN) trong giao dịch.

Thời gian gần đây, công nghệ được triển khai, ứng dụng mạnh trong các hoạt động dịch vụ ngân hàng. Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) vừa triển khai “Dịch vụ thu hộ qua tài khoản định danh SLINK”. Dịch vụ này đang được đánh giá cao nhờ khả năng quản lý dòng tiền vượt trội dành cho các khách hàng là các đơn vị hành chính sự nghiệp, DN, bảo đảm ba yếu tố linh hoạt, nhanh chóng, hiệu quả. Theo ông Đỗ Quang Vinh, Phó Tổng Giám đốc SHB, cho biết nhờ giải pháp quản lý kinh doanh tối ưu hơn so với phương thức truyền thống, các giao dịch chuyển tới tài khoản thanh toán của đơn vị hành chính sự nghiệp, DN thông qua tài khoản định danh SLINK sẽ được phân loại và hệ thống hóa, xử lý nhanh chóng, tự động, thuận tiện quản lý dòng tiền/doanh thu của từng điểm kinh doanh qua Internet Banking.

Mới đây, giải pháp thanh toán đa phương thức dành cho DN của Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) được xếp hạng 5 sao trong lĩnh vực ngân hàng số. Giải pháp được đánh giá cao nhờ đáp ứng đầy đủ nhu cầu và phương thức thanh toán cho DN. Đặc biệt, các ứng dụng, thiết bị và hệ thống thanh toán thuộc giải pháp này đều đạt quy chuẩn bảo mật của các tổ chức thẻ trong và ngoài nước, có chứng nhận ISO 27001, đạt chuẩn bảo mật PCI DSS Level 1 - chuẩn cao nhất trong thang điểm đánh giá.

Thực hiện CĐS toàn diện

Hoạt động của ngành ngân hàng bao trùm lên hầu như tất cả các hoạt động kinh tế - xã hội, gắn liền với sự vận động của toàn bộ nền kinh tế, ngành ngân hàng đi đầu trong CĐS đã thúc đẩy các ngành kinh tế khác cũng thực hiện CĐS, hiện thực hóa các mục tiêu phát triển kinh tế số và xã hội số.

Theo lãnh đạo các ngân hàng, môi trường số giúp việc cung cấp các sản phẩm, dịch vụ nhanh chóng, hiệu quả với chi phí thấp hơn. Việc số hóa cũng sẽ giúp cho hoạt động của hệ thống ngân hàng trở nên minh bạch hơn trong cung cấp tài chính cho nền kinh tế trên cơ sở các tiêu chuẩn quản trị khắt khe. Số hóa cũng giúp các ngân hàng tối ưu hóa chi phí vận hành, giảm lãi suất cho vay, góp phần quản lý tốt hơn rủi ro trong kinh doanh tài chính, tiền tệ.

Theo ông Võ Đình Phong, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Bình Dương, thời gian qua các chi nhánh NHTM đã xây dựng và phát triển hệ thống công nghệ thông tin, nền tảng vận hành, xử lý nghiệp vụ vững mạnh dựa trên công nghệ, dữ liệu và có thể tiếp cận khách hàng qua các kênh số. Hệ sinh thái số, thanh toán số đã được thiết lập, kết nối giữa dịch vụ ngân hàng với nhiều dịch vụ khác, nhiều NHTM xem CĐS, phát triển mô hình, hoạt động ngân hàng số là mục tiêu trong chiến lược kinh doanh nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Các dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số đang phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là dịch vụ thanh toán điện tử. Nhiều NHTM có tỷ lệ trên 80%-90% giao dịch trên kênh số như Vietcombank, MBbank, BIDV, ACB… Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh sẽ tiếp tục tạo thuận lợi cho các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán cung ứng các sản phẩm, dịch vụ an toàn, bảo mật, tiện ích, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.

 Trong 3 tháng đầu năm 2024, CĐS ngành ngân hàng Việt Nam tiếp tục đạt được những chuyển biến tích cực. So với cùng kỳ năm 2023, giao dịch TTKDTM tăng 56,57% về số lượng và 31,35% về giá trị, giao dịch qua kênh internet tăng tương ứng 48,81% và 25,73%, qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 58,70% và 33,12%.

 THANH HỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=306
Quay lên trên