Ngành ngân hàng tiếp tục “bơm vốn” cho nền kinh tế

Cập nhật: 02-02-2023 | 05:20:26

2022 là năm có nhiều thay đổi về chính sách tín dụng. Tuy vậy, hoạt động ngân hàng trên địa bàn tỉnh tiếp tục ổn định và duy trì tốc độ tăng trưởng tích cực, đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD), thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

 Tăng trưng tín dng năm 2022 đã góp phn h tr DN và ngưi dân phát trin kinh tếTrong nh: Khách hàng DN vay vn sn xut, kinh doanh ti Phòng Giao dch Sacombank Bến Cát

 Tín dụng tăng trưởng cao

Ông Võ Đình Phong, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - chi nhánh Bình Dương, cho biết năm 2022 đơn vị phát huy tích cực vai trò lãnh đạo, quản lý nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng trên địa bàn. Đơn vị đã triển khai đầy đủ, kịp thời chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và chỉ đạo của ngành tới các ngân hàng, tổ chức tín dụng (TCTD).

Các TCTD đã bám sát chủ trương, định hướng và chỉ đạo của ngành, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thực hiện các giải pháp tiền tệ và hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả. Trong năm, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn tỉnh đạt 285.576 tỷ đồng, tăng 12,38% so với cùng kỳ. Đặc biệt, các TCTD trên địa bàn đã chủ động tìm kiếm, chia sẻ khó khăn với khách hàng bằng việc tiết giảm chi phí nội tại, thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp (DN), quan tâm đầu tư vốn phát triển kinh tế tại địa phương. Việc tiếp cận và vay vốn của khách hàng gặp thuận lợi. Hiệu quả dòng vốn tín dụng đã được nâng cao, cơ cấu vốn tín dụng được điều chỉnh theo hướng hợp lý, an toàn và hiệu quả hơn.

Trong đó, chương trình kết nối ngân hàng - DN đã tạo hiệu ứng lan tỏa đối với cộng đồng DN, hộ SXKD trên địa bàn, tạo điều kiện duy trì và phát triển SXKD. Ngoài việc hỗ trợ vốn đối với các thành phần kinh tế, các TCTD tập trung cho vay 5 ngành, lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, DN nhỏ và vừa, DN ứng dụng công nghệ cao, DN sản xuất công nghiệp phụ trợ với tổng dư nợ tín dụng đạt 166.410 tỷ đồng, tăng 8,09% so với năm 2021. Bên cạnh đó, các TCTD cũng có nhiều hình thức hỗ trợ đa dạng như giảm lãi suất khoản vay cũ, tăng hạn mức cho vay, qua đó đáp ứng nhu cầu vốn của DN.

Thúc đẩy sản xuất, kinh doanh

Đầu năm là thời điểm các DN bắt đầu tăng cường sản xuất và triển khai kế hoạch cho cả năm, đa số DN đều có nhu cầu lớn về vốn. Tuy nhiên, hiện nay không phải DN nào cũng tiếp cận được vốn vay khi giới hạn cấp tín dụng của các ngân hàng luôn là vấn đề quan tâm.

Theo ý kiến chung từ một số DN, thời gian qua lãi suất huy động tiết kiệm tiền đồng của các ngân hàng đã được điều chỉnh tăng. Khi lãi suất tiền gửi tăng, tất yếu lãi suất cho vay cũng sẽ tăng theo. Trong khi đó, kinh tế trong nước mới phục hồi sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, hiệu quả SXKD của DN chưa cao nên việc phải trả lãi suất cao sẽ là gánh nặng tài chính rất lớn đối với DN vay vốn; đồng thời tác động lớn lên giá thành SXKD, dịch vụ, gây sức ép cho quá trình cạnh tranh trên thị trường.

Đặc biệt, việc tiếp cận vốn vay luôn là mối quan tâm của nhiều DN. Bà Nguyễn Thới Hòa Bình, Giám đốc Công ty TNHH Đông Tây, cho biết các DN đang gặp áp lực lớn về lãi suất các khoản vay ngân hàng. Mong muốn hiện nay của DN là lãi suất cho vay tiếp tục được duy trì ở mức 4-5%/ năm và các điều kiện, tiêu chí, thẩm định cho vay cần được các TCTD tạo điều kiện thuận lợi nhiều hơn.

Năm 2023, tín dụng vào các chương trình kinh tế dự kiến tăng 14-15% so với năm 2022 và có sự điều chỉnh theo diễn biến tình hình thực tế. Hiện các ngân hàng được cấp chỉ tiêu tăng trưởng cho vay mới đang gia tăng nguồn vốn cung ứng cho các khoản vay của DN. Ông Nguyễn Thái Minh Quang, Giám đốc Vietcombank Bình Dương, cho biết: “Đối với các khách hàng vay vốn trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu, các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ, Vietcombank Bình Dương vẫn áp dụng mức lãi suất đối với khách hàng DN từ 4,5-8%/ năm. Với mức vốn cho vay dự kiến tăng 10-15% năm 2023, Vietcombank sẽ đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho DN SXKD.

Hiện một số ngân hàng đang triển khai thêm các sản phẩm cho vay dành cho DN ở các lĩnh vực ưu tiên. Đơn cử như HDbank đang triển khai gói tín dụng Swift Sme 20.000 tỷ đồng, sản phẩm cho vay kinh doanh dành cho DN nhỏ và vừa nhằm bổ sung vốn phục vụ SXKD, từ nay đến hết ngày 31-3-2023. Tiện ích của gói vay này là HDbank tiến hành thủ tục xét duyệt hồ sơ đơn giản, chuẩn hóa, giao thẩm quyền đặc biệt về các chi nhánh đẩy nhanh tốc độ xử lý hồ sơ và thông báo kết quả cho DN. Sacombank cũng có chương trình cho vay kinh doanh trả góp dành cho DN nhỏ và vừa. DN sẽ giảm áp lực trả nợ do thời gian vay lên đến 60 tháng thay vì phải trả nợ trong vòng 1 năm như thông thường. Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) cũng triển khai chương trình cho vay ưu đãi và các chính sách miễn giảm phí cạnh tranh đối với khách hàng DN trong lĩnh vực xuất nhập khẩu. Đây là chương trình ưu đãi lớn mà BIDV luôn dành cho nhóm khách hàng này.

 THANH HỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=496
Quay lên trên