Ngành ngân hàng tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng
Làm thế nào để vừa gỡ khó cho doanh nghiệp (DN) về vốn, vừa đạt được mức tăng trưởng tín dụng hợp lý từ 12 - 16% trong năm nay đang là bài toán đầy thử thách của ngành ngân hàng Bình Dương. Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Văn Nu, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Bình Dương.
- Xin ông cho biết đôi nét về kết quả thực hiện chính sách tiền tệ theo Nghị quyết 13 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 01 của NHNN trên địa bàn tỉnh trong thời gian vừa qua?
- Thực hiện nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của NHNN, chi nhánh NHNN Bình Dương đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện tốt các giải pháp về tín dụng, lãi suất trong hoạt động NH đã đề ra. Theo đó, từ 15-7 đến 30-9, đã có 177 khách hàng được các TCTD cơ cấu lại nợ (theo Quyết định 780) với tổng dư nợ đạt khoảng 1.004 tỷ đồng; miễn, giảm lãi suất đối với khách hàng khó khăn về tài chính do nguyên nhân khách quan theo quy định tại Quyết định 1627 với dư nợ 30 tỷ đồng. Về cho vay 4 lĩnh vực ưu tiên theo Thông tư 14 và 20 của NHNN gồm nông nghiệp nông thôn, sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu, DN vừa và nhỏ và ngành công nghiệp hỗ trợ đạt dư nợ 9.687/51.861 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 18,6%/tổng dư nợ.
Ngành ngân hàng sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp để đạt mức tăng trưởng tín dụng ở mức hợp lý
- Việc điều chỉnh hợp đồng tín dụng cũ xuống mức 15%/năm có đạt chỉ tiêu đề ra không, thưa ông?
- Mặc dù chúng tôi đã chỉ đạo quyết liệt các TCTD phải thực hiện nghiêm túc quy định về lãi suất huy động, hạ lãi suất cho vay ở mức hợp lý nhằm chia sẻ khó khăn với DN, nhưng thực tế vẫn chưa đạt như kỳ vọng. Kết quả thực hiện chủ yếu tập trung ở khối NHNN. Theo báo cáo thì khối NHTM Nhà nước thực hiện rất tốt chính sách ưu đãi lãi suất đối với DN. Trong khi khối NH này có dư nợ chiếm tỷ trọng 54%/tổng dư nợ nhưng cho vay lãi suất trên 15%/ năm chỉ chiếm tỷ lệ 1,57%. Còn khối NH TMCP có dư nợ cho vay thấp nhưng ngược lại tỷ lệ cho vay với lãi suất trên 15% chiếm đến 61,26%. Tính đến cuối tháng 9, dư nợ cho vay có lãi suất vay dưới 13%/năm chiếm tỷ trọng 31,8%; từ 13 - 15%/ năm chiếm 41,2% và trên 15%/năm chiếm 26,8%, trong khi dư nợ có lãi suất trên 15%/năm của cả nước chỉ 22%. So sánh như vậy để thấy, lãi suất tín dụng trên 15%/năm tại Bình Dương còn rất cao.
Nguyên nhân có cả chủ quan lẫn khách quan, ví dụ như do áp lực lợi nhuận cổ đông nên NH TMCP chưa đẩy mạnh tiến độ giảm lãi suất hoặc có thực hiện giảm lãi suất về mức 15%, nhưng kèm theo nhiều điều kiện khiến khách hàng khó tiếp cận dẫn đến chưa thể giảm tất cả dư nợ về mức 15% hoặc một số NH TMCP không được giao quyền tự chủ trong việc giảm lãi suất, cơ chế mua bán vốn nội bộ trong hệ thống NH TMCP cũng tồn tại một số vấn đề... khiến lãi suất không thể giảm nhanh được.
- Theo thống kê thì tình hình tăng trưởng tín dụng thời gian qua đạt rất thấp, vậy giải pháp cụ thể để đưa tín dụng tăng trưởng là gì, thưa ông?
- Tăng trưởng tín dụng 9 tháng qua không mấy khả quan, vốn ứ đọng trong NH khá lớn. Vì vậy, thời gian qua NHNN đã thể hiện sự nới lỏng rất rõ qua các động thái giảm lãi suất, nới lỏng lĩnh vực cho vay. Các NHTM cũng đã chủ động tìm cách thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và tìm kiếm khách hàng tốt để cho vay. Hiện tín dụng đã bắt đầu có chuyển biến tích cực. Dự báo trong những tháng còn lại, tốc độ cho vay sẽ được cải thiện khi DN bước vào mùa kinh doanh cao điểm. Tuy nhiên, cũng chỉ có thể phấn đấu tăng trưởng tín dụng khoảng 8 - 10%, do các TCTD cũng đang thận trọng hướng dòng tín dụng vào đúng địa chỉ nhằm bảo đảm an toàn. Khi các NH rót vốn đúng địa chỉ sẽ thúc đẩy kinh tế phát triển, ngược lại việc cung vốn vay ra nền kinh tế nhiều vào cuối năm có thể làm tăng lạm phát và hàng loạt bất ổn khác.
Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong những tháng còn lại, NHNN chi nhánh Bình Dương sẽ tiếp tục chỉ đạo các NH hướng dòng tín dụng vào những lĩnh vực được khuyến khích; tích cực và chủ động hơn trong việc tìm kiếm khách hàng và thực hiện giảm lãi suất cho vay; tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất các khoản vay cũ về mức 15%; đồng thời kiến nghị NHNN giải quyết những vướng mắc của các NH trong quá trình thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN... Chúng tôi sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp để đạt mức tăng trưởng tín dụng ở mức hợp lý, đồng thời với việc bảo đảm thanh khoản toàn hệ thống, đáp ứng chỉ số an toàn tín dụng.
- Xin cảm ơn ông!
THANH HỒNG (thực hiện)