Ngành ngân hàng tự gỡ khó
(BDO) Trước ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, ngành ngân hàng trên địa bàn tỉnh không những chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp (DN), người dân mà còn đưa ra những giải pháp tự gỡ khó cho mình, phấn đấu cho mục tiêu tăng trưởng tốt trong năm 2020.
Nhân viên Ngân hàng BIDV - chi nhánh Bình Dương tư vấn cho khách hàng vay vốn
Những giải pháp
Trong tháng 3, những diễn biến khó lường của dịch bệnh Covid-19 đã tác động đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội, đặc biệt là ảnh hưởng đến giá cả, nguyên vật liệu đầu vào cũng như sản phẩm đầu ra. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và DN trên địa bàn gặp phải không ít khó khăn.
Cùng với việc chủ động nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh, rà soát mức độ thiệt hại, ảnh hưởng của khách hàng đang vay vốn để có giải pháp hỗ trợ theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, các ngân hàng, tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tỉnh cũng đẩy mạnh dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, tăng cường tuyên truyền, quảng bá và phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trực tuyến, góp phần hạn chế nguy cơ dịch bệnh lây lan. Đồng thời, tăng cường các hoạt động online trong các thủ tục giao dịch tiền tệ, tín dụng, cắt giảm các thủ tục không cần thiết để hạn chế khách hàng đi lại và đến trực tiếp ngân hàng để giao dịch… Ông Lâm Phúc Hưng, Giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) - chi nhánh Bình Dương, cho biết trong nỗ lực hạn chế tác động tiêu cực cho chính ngân hàng và để tự cứu mình, các cán bộ cấp cao của ngân hàng tự nguyện giảm một phần lương cho đến khi công bố hết dịch. Ở cấp quản lý toàn hệ thống, từ cấp phó phòng trở lên và các chức danh tương đương cũng giảm khoảng 30% thu nhập. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng quyết liệt rà soát toàn bộ chi phí hoạt động và tổ chức triển khai biện pháp tiết giảm chi phí hoạt động với mức ít nhất 10%. Theo ông Lâm Phúc Hưng, tiết giảm chi phí để giảm bớt khó khăn là cách giải quyết cần thiết trước mắt cũng như lâu dài mà ngân hàng lưu ý.
Thực hiện giải pháp tương tự, lãnh đạo Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), cho biết sự xuất hiện của dịch bệnh Covid-19 đã làm thay đổi các kế hoạch, không chỉ của các ngành, nghề trong nền kinh tế mà còn của cả hệ thống ngân hàng - xương sống của nền kinh tế. Cú sốc lớn có thể gây khó khăn liên quan đến suy giảm lợi nhuận, nợ xấu tăng và đây là vấn đề đáng lo ngại. “Trước khi giúp người khác, thì mình cần phải khỏe. Vì vậy, chúng tôi đã chỉ đạo các phòng, ban trong đơn vị thực hiện chính sách tiết kiệm đến mức tối đa nhằm bảo đảm sức khỏe tài chính để khi dịch bệnh đi qua, ngân hàng có thể nhanh chóng khôi phục lại hoạt động, từ đó mới có thể phấn đấu cho các mục tiêu hoạt động tiếp theo”, vị lãnh đạo này cho biết.
Theo ông Trần Ngọc Linh, Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - chi nhánh Bình Dương, dịch bệnh còn là thời cơ để ban lãnh đạo nhìn nhận lại chính sách đối phó với các rủi ro, chủ động điều chỉnh hoặc xây dựng lại kịch bản, phương án đối phó hiệu quả hơn. “Theo đó, chúng tôi đã tận dụng cơ hội này để phát triển thị trường, sản phẩm, kênh phân phối mới. Trong đó, lưu ý phát triển các sản phẩm tín dụng ngắn hạn, dài hạn chuyên biệt hỗ trợ DN nhỏ và vừa như tài trợ hàng tồn kho, cho vay hỗ trợ xuất khẩu nhanh. Thêm vào đó, chúng tôi tăng cường phát triển thanh toán internet banking và mobile banking… nhằm tối đa hóa mục tiêu kinh doanh trong bối cảnh tình hình kinh tế không thuận lợi”, ông Trần Ngọc Linh nói.
Hoàn thành mục tiêu tăng trưởng
Với nhiều giải pháp riêng của từng ngân hàng, trong 4 tháng đầu năm 2020, tuy hoạt động của ngành ngân hàng gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19 nhưng các chỉ tiêu hoạt động vẫn tăng khá. Theo số liệu thống kê của NHNN - chi nhánh Bình Dương, tính đến cuối tháng 4 tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn tỉnh đạt 203.190 tỷ đồng, tăng 0,74% so với tháng trước, và tăng 0,07% so với đầu năm. Tổng dư nợ đạt 203.106 tỷ đồng, tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 0,78% so với đầu năm.
Kết quả này cho thấy, trong 4 tháng qua hệ thống ngân hàng đã nỗ lực triển khai các giải pháp, đẩy mạnh cung ứng tín dụng nhằm thực hiện chủ trương hỗ trợ DN của Chính phủ. Trong khi đó, thực trạng hoạt động của ngành được dự báo sẽ không dễ dàng trong thời gian tới. Vì vậy, để hoạt động tín dụng ngân hàng trên địa bàn đạt kết quả cao và ngày càng hỗ trợ tốt hơn việc phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, NHNN chi nhánh Bình Dương tiếp tục chỉ đạo các TCTD trên địa bàn thường xuyên rà soát, đánh giá mức độ ảnh hưởng, thiệt hại của khách hàng do dịch bệnh Covid-19 để kịp thời có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn. Đối với các TCTD trên địa bàn tiếp tục triển khai chiến lược hoạt động kinh doanh cụ thể, phù hợp với từng nhóm đối tượng khách hàng, nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh, theo dõi diễn biến và ảnh hưởng của dịch bệnh trên địa bàn, tình hình kinh tế trong và ngoài nước để kịp thời thực hiện các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng theo đúng quy định.
THANH HỒNG