Ngành nghề nông thôn Bình Dương: Đổi mới để phát triển

Cập nhật: 25-04-2011 | 00:00:00

Ngành nghề nông thôn Bình Dương (NNNTBD) từ lâu đã có những nét đặc trưng riêng khắc họa nên những  tinh hoa của vùng đất thủ truyền thống. Trước những quy luật của cơ chế thị trường, NNNT BD đang chịu sự cạnh tranh khốc liệt, nếu không có sự thay đổi mạnh mẽ thì khó có thể tồn tại.

Khó khăn nhiều mặt

NNNTBD đã tồn tại khá lâu đời, một số nghề tạo được thương hiệu riêng và được nhiều người biết đến. Một số NNNT đã sản sinh ra các nghệ nhân có tiếng và một số nghề đã mang lại thu nhập cao cho người tham gia, giải quyết một cách có hiệu quả nguồn lao động nhàn rỗi trong nông thôn. Các làng nghề như gốm sứ Thuận An, gốm sứ Tân Phước Khánh, sơn mài Tương Bình Hiệp là những làng nghề nông thôn truyền thống tiêu biểu của BD. Tuy nhiên, hiện nay với thị hiếu mới của người tiêu dùng và với những yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường cũng như chịu sự cạnh tranh khốc liệt của các dòng sản phẩm sản xuất theo quy trình công nghiệp, một số NNNT đã không thể phát triển và đứng trước nguy cơ mai một. Nhiều hộ gia đình tham gia NNNT trước đây đã chủ động chuyển đổi mô hình sản xuất sang các ngành có thu nhập cao hơn. Một yếu tố quan trọng khác là nguồn nguyên liệu ngày càng khan hiếm, BD ít có các vùng nguyên liệu, đầu ra các sản phẩm các làng nghề truyền thống gặp khó khăn cũng đã tạo ra sự mất chủ động trong quy trình sản xuất các làng nghề nông thôn truyền thống.

  NNNT muốn phát triển cần sự phối hợp từ nhiều phía. Trong ảnh: Sản xuất gốm sứ khẩu xuất

Điều này thể hiện rõ trong một số nghề như: nghề mây, tre đan, guốc gỗ, cối, chày, thớt. Lao động nông thôn hiện nay chuyển hướng ra các vùng sản xuất công nghiệp, thiếu nguồn thợ có tay nghề giỏi, thiếu nguồn nhân lực kế thừa có tâm huyết cũng là những rào cản lớn cho quá trình phát triển của các NNNT. Một số yếu tố làm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất của các NNNT như: giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, sản xuất theo kiểu nhỏ lẻ phân tán, một số nghề có tác động xấu đến môi trường cũng là những yếu tố làm cho các NNNT phát triển yếu trong thời gian qua. Các nguyên nhân kể trên đã tạo nên “sức ỳ” trong các NNNT truyền thống. Ngoài ra, nhận thức của  người dân về giá trị cũng như sự tồn tại của các NNNT chưa được cao; các cá nhân tham gia sản xuất tại các làng nghề truyền thống chậm thay đổi quy trình sản xuất cũng như chưa nắm bắt được các yêu cầu mới của thị trường như về mẫu mã; các chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong việc bảo tồn và phát triển các NNNT truyền thống...

Theo thống kê, đến cuối năm 2010 BD có có 32 làng nghề nông nghiệp với 46 nghề. Trong đó, có 9 nghề truyền thống gồm: mộc gia dụng; sơn mài; điêu khắc; gốm sứ; mây, tre đan, guốc gỗ, cối, chày, thớt; heo đất; bánh tráng thủ công. Các làng nghề này có 45.755 cơ sở sản xuất với hơn 103.000 lao động tham gia (mức lương trung bình từ 750.000 đến 2.640.000 đồng/tháng). Doanh thu của các làng nghề truyền thống là hơn 4.000 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 72 triệu USD. Các làng nghề truyền thống của Bình Dương tập trung chủ yếu tại các địa bàn  như: TX. Thuận An, Dĩ An, Thủ Dầu Một, huyện Tân Uyên, Bến Cát.

Đổi mới để phát triển

Để tạo điều kiện cho NNNT phát triển, Chính Phủ đã ban hành Nghị định 66/2006/NĐ-CP. Riêng đối với BD, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách nhằm khuyến khích sự phát triển của các NNNT, trong đó đã xây dựng được quy hoạch phát triển làng nghề đến năm 2020. Trước những yêu cầu cụ thể của tình hình hiện tại có thể thấy hướng phát triển sản xuất kết hợp với làm điểm tham quan du lịch của các làng nghề là phù hợp và thực tế cho thấy hình thức hoạt động này đã phát huy hiệu quả như làng gốm, sơn mài. Tuy nhiên, hình thức này chỉ xuất hiện tại một số làng nghề cơ bản và sự liên kết giữa các làng nghề với ngành du lịch còn chưa chặt chẽ dẫn đến hiệu quả chưa cao.

Theo thẩm định của Phân Viện Quy hoạch và Phát triển Nông nghiệp miền Nam thì giá trị sản lượng NNNT trên địa bàn BD giai đoạn 2011 - 2020 sẽ tăng bình quân 5% - 6%/năm, trong đó giai đoạn 2011 - 2015 tăng 5,02%/năm, giai đoạn 2016 - 2020 tăng 6,19%/năm. Giá trị sản xuất NNNT đến năm 2015 dự kiến đạt hơn 6.224 tỷ đồng, năm 2020 đạt hơn 8.403 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho 104.694 lao động năm 2015 và 108.049 lao động vào năm 2020. Các ngành nghề truyền thống của tỉnh sẽ được chia thành 3 nhóm để quy hoạch và phát triển theo đặc thù riêng: nhóm ngành ưu tiên phát triển (mộc gia dụng, chạm trổ điêu khắc, sơn mài, guốc, cối chày và thớt), nhóm ngành theo nhu cầu thị trường (gốm sứ truyền thống), nhóm cần phải khôi phục (bánh tráng thủ công, heo đất, tăm, nhang).

Khó khăn và thách thức trong quá trình phát triển của các NNNT BD trong thời gian tới là điều dễ nhận thấy rõ. Lãnh đạo các sở, ngành cũng đã nhận ra điều này và đã đề xuất một số giải pháp cụ thể như: xây dựng các đề án hỗ trợ chuyển giao khoa học công nghệ, xây dựng kênh thông tin quảng bá các sản phẩm, xây dựng các chính sách về tài chính, tín dụng với các NNNT... Tuy nhiên để có thể tạo ra sự đột phá cho các NNNT trong thời gian tới cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành và đặc biệt người tham gia hoạt động trong các NNNT cần chủ động hơn trong việc đổi mới tư duy, quy trình sản xuất để tạo ra các sản phẩm có giá trị, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của thị trường...

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lương Lê Phương: Phải có chính sách khuyến khích đầu tư

Trong thời gian tới, Bình Dương cần phải có chính sách khuyến khích đầu tư vào các NNNT, sản xuất các sản phẩm mang tính đặc trưng có giá trị cao, đổi mới quy trình kỹ thuật trong sản xuất, vận động mọi thành phần xã hội tham gia trong việc khôi phục các NNNT; hạn chế các chất thải rắn của các NNNT,  đẩy mạnh hoạt động của các hiệp hội ngành nghề và chú ý đến khâu quảng bá thương hiệu cũng như đầu ra cho các sản phẩm NNNT...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Nam: Sẽ tìm cách phục hồi các làng nghề truyền thống

Thời gian qua, song song với quá trình phát triển công nghiệp, nông nghiệp Bình Dương vẫn được chú trọng đầu tư theo hướng phát triển bền vững, trong đó chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Tỉnh luôn trân trọng những đóng góp của các làng nghề truyền thống. Thực tế cho thấy các làng nghề truyền thống đang mai một dần và trong thời gian tới Bình Dương sẽ tìm cách phục hồi các làng nghề truyền thống theo hướng phát triển sản xuất đa dạng, kết hợp du lịch giải trí.

 

 CAO SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=401
Quay lên trên