Đưa nông nghiệp phát triển bền vững là nhiệm vụ trọng tâm của ngành nông nghiệp trong thời gian qua. Từ những phong trào thi đua trong công tác này đã góp phần cho nông nghiệp Bình Dương đạt kết quả khả quan.
Mô hình hiệu quả xuất hiện nhiều trong phng trào thi đua
Nhằm đưa nông nghiệp phát triển theo hướng chuyên canh hàng hóa, những năm qua, Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã có nhiều giải pháp. Nổi bật trong đó là một số đơn vị trực thuộc thực hiện phát động các phong trào thi đua thiết thực như: Trường Trung học Nông lâm với phong trào thi đua dạy tốt, học tốt; Chi cục Thú y phát động phong trào thi đua lập thành tích chào mừng Ngày thành lập Ngành thú y 11-7; Chi cục Kiểm lâm phát động phong trào trồng cây phân tán; Chi cục Phát triển nông thôn phát động phong trào thi đua cải tiến phương pháp làm việc, nâng cao trình độ chuyên môn; Ban Quản lý dự án ngành NN-PTNT phát động nội dung thi đua phòng chống tham nhũng trong đơn vị; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong thi hành công vụ... Nổi bật trong đó, cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và phong trào thi đua “Làm theo lời Bác” trong thời gian qua đã đi vào thực tiễn, được các đơn vị áp dụng một cách cụ thể, linh hoạt trong đơn vị mình.
Từ những việc làm trên, Sở NN-PTNT đã góp phần đưa sản xuất nông nghiệp của tỉnh tiếp tục phát triển. Cụ thể giai đoạn 2006-2009, ngành nông nghiệp tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá với giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng bình quân 4,92% năm; công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, phòng chống dịch bệnh trên cây trồng - vật nuôi được chú trọng và thực hiện tốt nên đã kiểm soát và khống chế được các loại dịch bệnh. Bên cạnh đó, cơ cấu cây trồng chuyển dịch ngày càng phù hợp với điều kiện sinh thái, thị trường đó là tăng diện tích cây lâu năm, có thị trường tiêu thụ ổn định như cây cao su. Đến cuối năm 2009, tổng diện tích cây công nghiệp lâu năm của tỉnh đạt 131.387 ha; trong đó cây cao su tiếp tục phát huy lợi thế và nông dân đang tiếp tục đưa các loại giống cao su mới vào sản xuất để đạt năng suất cao với tỷ lệ đạt 93%. Về chăn nuôi, đến cuối năm 2009, tổng đàn gia súc tăng 14,7% và tổng đàn gia cầm tăng 19% so với năm 2006 với tổng đàn trâu bò là 43.253 con, đàn lợn 363.443 con và đàn gia cầm là 2.406.501 con. Đáng chú ý, nhiều nông dân đã mạnh dạn áp dụng các kỹ thuật chăn nuôi mới nên hiệu quả chăn nuôi đạt kết quả cao, năng suất và chất lượng giống gia súc, gia cầm được nâng lên đáng kể. Riêng đối với phát triển thủy sản, nhờ chú trọng công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong môi trường tự nhiên, vận động nhân dân kết hợp thực hiện các biện pháp bảo vệ nguồn thủy sản, thực hiện các dự án, mô hình về nuôi trồng thủy sản, đặc sản nên ngành chăn nuôi thủy sản có những bước phát triển tốt; đến cuối năm 2009, diện tích nuôi trồng thủy sản lên đến 517 ha, sản lượng khai thác và nuôi trồng đạt 5.442 tấn.
Từ hoạt động hiệu quả của ngành nông nghiệp, đời sống nông dân được nâng lên đáng kể. Đến cuối năm 2009, tỷ lệ hộ nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 93%, tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt 98,73%; 100% đường đến trung tâm các xã được nhựa hóa; 98,9% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; 100% xã có trạm truyền thanh; mạng lưới bưu chính, viễn thông, internet tiếp tục được mở rộng... Thu nhập bình quân tại nông thôn ước đạt 15,3 triệu đồng/năm; số hộ nghèo theo tiêu chí mới chỉ còn 7.303 hộ, chiếm 3,53%... Phát huy hiệu quả đạt được này, ngành nông nghiệp đề ra mục tiêu trong giai đoạn tới. Cụ thể trong giai đoạn 2010-2015, phong trào thi đua của ngành NN-PTNT sẽ tiếp tục đi vào chiều sâu và tập trung vào việc hoàn thành các mục tiêu căn bản, tiếp tục đưa giá trị sản xuất ngành nông - lâm- thủy sản tăng bình quân 4 - 4,5%; cơ cấu trồng trọt - chăn nuôi - dịch vụ đạt 58% - 35%- 7%; giá trị sản lượng sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi đạt 70 triệu đồng/ha.
CAO SƠN