Ngành Nông nghiệp: “Quả ngọt” từ ứng dụng khoa học - công nghệ

Thứ bảy, ngày 05/04/2025
Theo dõi Báo Bình Dương trên

(BDO) Những năm qua, Bình Dương luôn quan tâm đến hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ và chuyển giao công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Đây được xem là hướng đi tất yếu, góp phần quan trọng nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị nông sản, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Tăng giá trị sản phẩm

Những năm gần đây, nhiều trang trại, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ nông dân trên địa bàn tỉnh mạnh dạn đầu tư công nghệ tưới nhỏ giọt, tưới phun sương tự động vào quy trình sản xuất nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu sản xuất đa dạng các loại cây trồng trên mọi địa hình. Ghi nhận cho thấy, đầu tư hệ thống phun nước tự động tuy vốn khá cao (từ 100 triệu đồng/ha) nhưng hiệu quả mang lại cao, thời gian sử dụng trên 10 năm. Đặc biệt, khi sử dụng hệ thống tưới phun tự động chỉ cần bật công tắc điện cho mô tơ chạy, sau đó đi kiểm tra hệ thống ống nước là có thể tưới cho cả một diện tích lớn trong mọi thời điểm và có thể điều chỉnh mức độ tưới theo ý muốn. Tùy theo từng loại cây trồng, cách thiết kế diện tích đất trồng mà chiều cao ống phun và số lượng lắp đặt vòi phun tăng, giảm, cao, thấp trên một diện tích đất canh tác.

 Mô hình trồng chuối sứ theo hướng hữu cơ của Hợp tác xã Nông nghiệp Đồng Thuận Phát (xã Thường Tân, huyện Bắc Tân Uyên) mang lại hiệu quả kinh tế cao

Anh Lê Quốc Hải, Giám đốc Hợp tác xã Rau sạch Gia đình (phường Định Hòa, TP.Thủ Dầu Một), chia sẻ để sản xuất theo hướng công nghệ cao, ngoài hệ thống nhà lưới, giàn tưới tự động, việc áp dụng các biện pháp khoa học - công nghệ (KHCN), sổ ghi chép lịch thời vụ cũng phải được thực hiện theo đúng yêu cầu. Hiện nay, nhà lưới, nhà màng trồng rau được hợp tác xã thiết kế vật liệu bằng khung thép chịu lực, dễ tháo lắp, phía trên phủ lớp màng dày, xung quanh có lưới giúp chắn mưa, nắng, ngăn côn trùng xâm nhập. Hợp tác xã còn lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt tự động ứng dụng công nghệ của Isreal đến từng gốc cây; phân được hòa vào nước rồi theo hệ thống tưới nhỏ giọt cung cấp dinh dưỡng cho cây phát triển. Từ đó, phân bón được hòa lẫn vào nước tưới nên cây hấp thụ tốt hơn, năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn so với cách tưới truyền thống. Nhờ chăm sóc đúng quy trình, theo dõi chặt chẽ chế độ dinh dưỡng nên các loại rau củ quả của hợp tác xã đều phát triển xanh tốt, mỗi vụ sản xuất đều được các thương lái đặt hàng từ sớm.

Có thể thấy, việc ứng dụng rộng rãi KHCN vào sản xuất nông nghiệp ở các địa phương trong tỉnh đã mang lại hiệu quả thiết thực, không chỉ giúp người dân, doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp tiết kiệm chi phí, mà còn góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Hướng đến nền nông nghiệp hữu cơ

Xác định rõ tầm quan trọng của KHCN đối với sự phát triển của nông nghiệp, thời gian qua Bình Dương đã ban hành nhiều kế hoạch, đề án cơ cấu lại ngành trồng trọt theo hướng phát triển các mô hình nông nghiệp ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật như công nghệ sinh học, công nghệ nhà kính, công nghệ tưới nhỏ giọt, công nghệ cảm biến, tự động hóa, internet vạn vật… vào sản xuất nhằm chuyển trọng tâm từ mục tiêu sản lượng sang chất lượng và hiệu quả.

 Đến nay, diện tích ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt toàn tỉnh đạt gần 6.200 ha, diện tích nông nghiệp đô thị khoảng 180 ha. Trên địa bàn tỉnh còn có 4 khu nông nghiệp công nghệ cao đang hoạt động hiệu quả, mang lại giá trị kinh tế cao.

Bên cạnh đó, Bình Dương đã triển khai nhiều chính sách phát triển, thu hút nhiều doanh nghiệp, nông dân mạnh dạn đầu tư vào sản xuất, phát triển các vùng chuyên canh cây cao su, cây ăn trái đặc sản, rau an toàn, gắn với chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị; đồng thời đẩy mạnh ứng dụng các giống năng suất và chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh cho các đối tượng cây trồng chủ lực như cao su, hồ tiêu, chuối, dưa lưới, cây có múi, rau củ... Nhờ đó thu nhập và đời sống của người dân nông thôn ngày càng tăng lên, góp phần tích cực vào quá trình phát triển của tỉnh.

Với mục tiêu nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh cho nông sản địa phương và tạo nguồn thu nhập cao cho người nông dân, Bình Dương đãthực hiện cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng tăng giá trị và phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Bình Dương đặt mục tiêu đưa tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm trên 30%, diện tích đất trồng nông sản đạt tiêu chuẩn GAP chiếm 20%, số trang trại chăn nuôi được cấp chứng nhận thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAHP) chiếm 30% trong năm 2025.

Để góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp địa phương, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững, ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, cho biết trong thời gian tới Bình Dương tiếp tục đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, từng bước xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ. Trước hết, khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp có kinh nghiệm sản xuất lâu đời, các trang trại lớn, có nguồn tiêu thụ ổn định chuyển đổi dần sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Qua đó giúp hình thành những mô hình sản xuất hiệu quả, góp phần thúc đẩy nâng cấp các mô hình sản xuất nông nghiệp truyền thống hiện hữu. Cùng với đó, Sở Nông nghiệp và Môi trường đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu gắn với mô hình làng thông minh.

  THOẠI PHƯƠNG