Ngành nông nghiệp vượt khó, ổn định sản xuất

Cập nhật: 22-12-2021 | 08:57:57

Trong năm 2021, dịch bệnh diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp và cung cầu nông sản. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự chủ động trong công tác quản lý điều hành, sự nỗ lực của các thành phần kinh tế, sản xuất nông nghiệp của tỉnh vẫn đạt được những kết quả tích cực.

 Trong năm 2021, Bình Dương là 1 trong những tỉnh, thành bị ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, bằng nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực, qua đó ngành nông nghiệp đạt nhiều kết quả tích cực. Trong ảnh: Mô hình chăn nuôi gà của hộ gia đình Lưu Thị Ân (xã Định An, huyện Dầu Tiếng) làm ăn đạt hiệu quả cao

 Ổn định sản xuất

Với tỷ trọng trong GDP của ngành nông nghiệp chỉ 3%, nhưng Bình Dương rất quan tâm, hướng tới phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững. Trong năm 2021, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng 2,4 - 2,6% so với năm 2020. Lĩnh vực trồng trọt đóng góp đáng kể vào tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp nhờ các địa phương chú trọng mở rộng diện tích sản xuất, áp dụng các mô hình có hiệu quả. Diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt 20.620 ha; diện tích gieo trồng cây lâu năm đạt 142.438 ha. Thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất các loại cây trồng, các vùng sản xuất tập trung cây ăn quả, cây công nghiệp. Diện tích ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt trên 5.700 ha với các loại cây trồng có giá trị, như: Rau, nấm, cây ăn trái, hoa lan, cây cảnh. Diện tích nông nghiệp đô thị khoảng 172,2 ha với các loại cây trồng chủ yếu, như: Rau thủy canh, rau mầm, nấm, hoa lan, cây cảnh.

Cùng với trồng trọt, ngành chăn nuôi cũng phát triển tốt, góp phần bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho người tiêu dùng, ổn định thị trường và tăng trưởng của ngành nông nghiệp. Trong năm 2021, ngành cung cấp cho thị trường khoảng 18.280 con trâu, bò thịt, tương đương 1.465,5 tấn (đạt 80,3% so với năm 2020); 2.291.882 con heo thịt, tương đương 144.388,6 tấn (tăng 91,8% so với năm 2020); 26.019.669 con gia cầm lông, tương đương 41.631,5 tấn (đạt 40,53% so với năm 2020); 2.790 con dê, tương đương 55,6 tấn (tăng 47% so với năm 2020)…

Đạt được kết quả đó là nhờ chăn nuôi phát huy hiệu quả công tác lai tạo giống, cải tạo đàn vật nuôi, tăng trọng lượng xuất chuồng. Đặc biệt, chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao tiếp tục phát triển với 146 trang trại gà giống, gà đẻ trứng và gà thịt với tổng đàn trên 8,4 triệu con, chiếm 65% tổng đàn. Chăn nuôi heo thịt, heo giống chất lượng cao có 229 trang trại với tổng đàn gần 605.000 con, chiếm 68% tổng đàn; chăn nuôi vịt thịt có 30 trang trại với tổng đàn 394.000 con; chăn nuôi bò sữa có 1 trang trại với tổng đàn 1.050 con. Sở NN&PTNT đã chỉ đạo tiêm phòng bao vây tại các địa phương xảy ra dịch tả heo châu Phi đạt 80,1% diện tiêm; cúm gia cầm đạt 28,2% diện tiêm. Đồng thời, ngành thực hiện kiểm tra, phúc kiểm và vệ sinh tiêu độc 22.486 lượt phương tiện vận chuyển động vật và sản phẩm động vật ra vào tỉnh với 122.966 con heo; 6,7 triệu con gia cầm; 6.440 tấn sản phẩm động vật và 4.602 tấn sản phẩm chế biến. Ngành chăn nuôi tiếp tục khuyến cáo các trang trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, bảo đảm an toàn sinh học, thực hiện tái đàn để bảo đảm nguồn cung ứng thực phẩm cho người tiêu dùng, đặc biệt là vào dịp Tết Nguyên đán năm 2022.

Phục hồi sản xuất

Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết đạt được kết quả nêu trên bên cạnh sự thuận lợi về thời tiết, nguồn nước, nguyên nhân chính là sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành ngay từ đầu năm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh với việc xây dựng kế hoạch hành động cụ thể, xây dựng kịch bản phát triển sản xuất gắn với phòng, chống dịch Covid-19 sát với tình hình thực tế. Sở NN&PTNT phối hợp với Tổ công tác của Bộ NN&PTNT trong sản xuất, lưu thông vận chuyển, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố phía Nam trong điều kiện dịch bệnh Covid-19.

Mặt khác, Sở NN&PTNT chủ động kết nối các kênh tiêu thụ nông sản trong và ngoài tỉnh, hỗ trợ đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy kinh tế số nông nghiệp nông thôn và bảo đảm cung cấp hàng hóa thiết yếu trong đại dịch. Cụ thể, Sở NN&PTNT đã phối hợp với Sở Công thương và Bưu điện tỉnh, Bưu chính Viettel tổ chức 4 lớp tập huấn về trang bị kiến thức kỹ năng để đưa nông sản lên các sàn thương mại điện tử cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại sản xuất nông nghiệp ở các huyện Bàu Bàng, Phú Giáo, Dầu Tiếng, Bắc Tân Uyên.

Năm 2022, ngành nông nghiệp đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm vừa bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19, vừa duy trì và phục hồi sản xuất nông nghiệp, tránh làm đứt gãy các chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm. Trong đó, ngành tiếp tục chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương thực hiện Đề án “Chương trình Mỗi xã một sản phẩm”; chương trình xây dựng nông thôn mới, bảo đảm giữ vững và nâng chất các tiêu chí đã đạt theo bộ tiêu chí nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và đẩy nhanh tiến độ xây dựng Làng thông minh xã Bạch Đằng. Cùng với đó, ngành NN&PTNT thực hiện các chương trình, kế hoạch, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh; thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Ngoài ra, ngành sẽ chú trọng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và triển khai công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm hàng hóa nông sản và vật tư nông nghiệp; theo dõi tình hình thời tiết, cập nhật thông tin về tình hình khí tượng thủy văn... tham mưu báo cáo lãnh đạo và thông báo kịp thời đến các địa phương có kế hoạch ứng phó.

 Năm 2022, ngành NN&PTNT sẽ đẩy mạnh việc ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử trong doanh nghiệp và cộng đồng trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ ứng dụng các hoạt động giao dịch thương mại điện tử nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ cho một số sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và nông sản có tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Đồng thời, hỗ trợ, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu tối đa số doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản do tác động bởi dịch bệnh Covid-19.

 THOẠI PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=653
Quay lên trên