Ngành sơn mài, gốm sứ vào vụ tết

Cập nhật: 05-11-2024 | 08:41:07

Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 đang đến gần, bên cạnh bảo đảm hoàn thành đơn hàng xuất khẩu đã ký kết, các doanh nghiệp, cơ sở đang khẩn trương tổ chức sản xuất sản phẩm phục vụ thị trường nội địa dịp tết cổ truyền của dân tộc.

 Hoạt động sản xuất sơn mài tại Công ty TNHH MTV Sơn mài Định Hòa

 Chủ động từ sớm

Tại Công ty TNHH MTV Sơn mài Định Hòa (TP.Thủ Dầu Một), hàng chục công nhân đang miệt mài thực hiện các công đoạn trong quy trình sản xuất nhằm cung ứng kịp thời sản phẩm cho thị trường nội địa trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Ông Trương Quang Tịnh, Giám đốc công ty, cho biết những năm qua sản phẩm sơn mài tiêu thụ nội địa trong dịp Tết Nguyên đán cao hơn bình quân tháng trong năm từ 20-30%. Năm nay, tình hình thế giới có nhiều biến động đã ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa, nên công ty đặt nhiều kỳ vọng vào thị trường nội địa, nhất là dịp lễ, tết.

Ông Lý Ngọc Bạch, Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ Bình Dương, Giám đốc Công ty TNHH Gốm sứ Cường Phát (TP.Thuận An), cho hay thời gian qua, công ty luôn phát triển song hành hai thị trường nội địa và xuất khẩu. Thời điểm này, công ty vừa tổ chức sản xuất để hoàn thành các đơn hàng năm 2024 cho đối tác nước ngoài, vừa tiến hành đàm phán hợp đồng cho năm 2025, đồng thời tăng sản lượng hàng hóa cung ứng cho thị trường nội địa. Đối với thị trường nội địa, các doanh nghiệp (DN) rất quan tâm sản phẩm phục vụ dịp Tết Nguyên đán. Với dây chuyền sản xuất được đầu tư hiện đại, khá đồng bộ, cùng với sự đa dạng của sản phẩm, Công ty TNHH Gốm sứ Cường Phát nói riêng và ngành gốm sứ Bình Dương nói chung hoàn toàn đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường.

Điểm chung đáng ghi nhận là các DN, cơ sở sản xuất sơn mài, gốm sứ trên địa bàn tỉnh không chỉ chú trọng phát triển sản phẩm, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất mà còn tích cực xây dựng kênh thương mại điện tử, xây dựng website, trang mạng xã hội để quảng bá hình ảnh gốm sứ, sơn mài Bình Dương nói riêng và Việt Nam nói chung vươn ra thị trường thế giới. Dịp Tết Nguyên đán cũng là thời điểm các DN tích cực giới thiệu, bán hàng qua nền tảng thương mại điện tử, mạng xã hội.

Đa dạng sản phẩm, giá cả

Ngành sơn mài và ngành gốm sứ đuợc xem là linh hồn của nghề thủ công mỹ nghệ, hình thành và phát triển hàng trăm năm cùng với quá trình phát triển của Bình Dương, nên sản phẩm đều hàm chứa trong đó cả trí tuệ của người thợ, góc nhìn văn hóa dân tộc và chất liệu đặc trưng của sản phẩm. Mặc dù quy trình sản xuất của 2 ngành này khác nhau song điểm chung của 2 ngành này là sử dụng hầu hết nguyên liệu tại chỗ.

Theo ông Lê Bá Linh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Sơn mài Bình Dương, Giám đốc Công ty Sơn mài Tư Bốn (TP.Thủ Dầu Một), trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc, tranh sơn mài các loại hoa kiểng, cảnh quê hương, bìa lịch, lọ cắm hoa, khay đựng bánh mứt… là những sản phẩm chủ lực của ngành sơn mài. Tùy vào phương thức sản xuất vẽ tay, in công nghệ, sản xuất hàng loạt hay độc bản mà giá bán có sự chênh lệch giữa các dòng sản phẩm. Cụ thể, một bức sơn mài thực hiện theo phương thức vẽ tay có giá bán cao hơn từ 2-3 lần so với bức tranh in cùng khổ; bình cắm hoa có họa tiết được thực hiện theo phương thức vẽ tay có giá bán cao gấp nhiều lần so với bình cắm hoa cùng cỡ có họa tiết được thực hiện bằng công nghệ in.

Ông Lý Ngọc Bạch cho biết đối với ngành gốm sứ, sản phẩm chủ lực ở thị trường nội địa trong vụ tết là các bộ đồ ăn được thiết kế với phong cách thuần Việt, bình hoa, chậu hoa các cỡ, linh vật từng năm… Những sản phẩm này được tiêu thụ khá mạnh trong tháng Chạp hàng năm, do đó các đơn vị sản xuất đều có kế hoạch gia tăng sản lượng loại sản phẩm này, đồng thời thiết kế nhiều mẫu mã sản phẩm đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng. Các đơn vị sản xuất gốm sứ Bình Dương có nhiều kinh nghiệm và năng lực để tạo ra những kiệt tác gốm sứ cao cấp khi thị trường có nhu cầu.

Đối với Công ty TNHH Gốm sứ Cường Phát, năm nay xuất khẩu chỉ bằng khoảng 50% so với năm trước, tuy nhiên công ty đang tập trung phát triển mạnh các dòng sản phẩm để cung ứng cho thị trường nội địa. Riêng dịp Tết Nguyên đán sắp tới, công ty phấn đấu doanh thu tăng ít nhất 20% so với dịp Tết Giáp Thìn 2024.

 Mỗi độ tết đến xuân về, mỗi ngành, mỗi người Việt Nam đều có những kỳ vọng mới. Đối với ngành gốm sứ và sơn mài Bình Dương cũng kỳ vọng năm 2025 thị trường và điều kiện sản xuất sẽ thuận lợi hơn. Bản thân DN cũng sẽ tập trung thực hiện các giải pháp quản trị DN, nâng cao năng suất lao động, khuyến khích sự sáng tạo và bảo đảm thu nhập cho người lao động. Từ đó, nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành, góp phần giữ gìn và phát huy ngành sản xuất mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam.

 TUẤN ANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=57
Quay lên trên