Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Nam trao bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 3 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác năm 2012Bà Võ Thị Ngọc Hạnh, Phó Giám đốc Sở TN-MT, cho biết năm 2012, ngành đã hoàn thành khối lượng công việc rất lớn. Trong lĩnh vực đất đai, ngành đã hoàn chỉnh hồ sơ trình Chính phủ phê duyệt về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2015 cấp tỉnh. Về công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đến nay ngành đã đạt tỷ lệ 94,91%. Việc giao đất, cho thuê đất và thu hồi đất, ngành cũng tiến hành thẩm định và hoàn thiện hồ sơ cho các dự án, hoàn thành kết quả thống kê diện tích đất đai năm 2011. Trong năm, ngành phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát quỹ đất của các cơ quan Đảng, doanh nghiệp Đảng và hiện trạng sử dụng đất của các khu, cụm công nghiệp. Công tác xây dựng bảng giá các loại đất năm 2013 được thực hiện đúng tiến độ và tham mưu tỉnh ban hành quy định về điều chỉnh hệ số K…
Trong lĩnh vực môi trường, ngành đã thực hiện nhiều dự án, đề án. Cụ thể về quan trắc nước thải tự động hiện đang mở rộng giai đoạn 2 của dự án, quan trắc thêm 31 nguồn thải lớn còn lại nhằm kiểm soát liên tục và tự động hơn 70% tổng lượng nước thải công nghiệp phát sinh trên địa bàn. Nghiệm thu các đề án về ứng cứu sự cố tràn dầu, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn, lập kế hoạch quản lý môi trường đô thị và các chương trình, dự án khác liên quan đến bảo vệ môi trường. Công tác kiểm soát và xử lý ô nhiễm môi trường cũng chuyển biến tích cực, một số cơ sở gây ô nhiễm nổi cộm đã được sở yêu cầu cải tạo, khắc phục. Trong lĩnh vực quản lý tài nguyên nước, khoáng sản và thủy văn hiện đang triển khai với các đơn vị tư vấn và chuẩn bị nghiệm thu một số đề án trong năm 2013…
Mặc dù đạt được những kết quả quan trọng nhưng với tinh thần cầu thị, ngành TN-MT Bình Dương thẳng thắn phân tích, đánh giá những khó khăn và hạn chế trong năm 2012 để tiếp tục hoàn thiện hơn. Đó là lĩnh vực cải cách hành chính vẫn chưa hoàn thiện, thường xuyên thay đổi, bổ sung các văn bản liên quan để phù hợp; lĩnh vực thanh tra còn hạn chế ở khâu hậu kiểm, một số vụ việc giải quyết còn kéo dài thời gian do tính chất phức tạp, cơ sở vật chất và biên chế chưa đáp ứng nhu cầu. Trong lĩnh vực đất đai dù hoàn thành nhiệm vụ quan trọng nhưng còn hạn chế ở công tác cập nhật, chỉnh lý biến động chưa thực hiện đồng bộ ở 3 cấp, chậm ở tuyến huyện. Sự phối hợp giữa các ngành liên quan như thuế đôi lúc chưa chặt chẽ dẫn đến chậm trễ trong quá trình giải quyết hồ sơ của một số tổ chức. Một số doanh nghiệp gặp khó khăn nên chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính kéo theo tiến độ thực hiện cấp giấy chứng nhận còn chậm. Công tác chỉnh lý biến động bản đồ địa chính nhiều lúc còn lúng túng…
Đối với môi trường, một số chỉ tiêu thực hiện chưa đạt so với yêu cầu đặt ra như: tỷ lệ khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải, tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý, tình trạng vi phạm về pháp luật bảo vệ môi trường còn nhiều. Về quản lý tài nguyên khoáng sản đề án quy hoạch còn chậm một phần do năng lực hạn chế của đơn vị tư vấn, một phần chờ văn bản hướng dẫn của Chính phủ. Mức xử phạt trong lĩnh vực này còn thấp, chưa đủ sức răn đe…
Cũng theo bà Hạnh, phát huy thành quả đạt được, khắc phục hạn chế, năm 2013, ngành đề ra những giải pháp cụ thể như, tiếp tục nâng cao chất lượng của việc chỉ đạo, điều hành, tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ để nâng cao trách nhiệm, đôn đốc và kiểm tra, giám sát thường xuyên việc thực hiện nhiệm vụ… Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình cải cách hành chính, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, bảo đảm thông tin thông suốt, kịp thời; đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú, hấp dẫn hơn và phù hợp với nhiều đối tượng…
KỲ TÂN