Ngành tài nguyên và môi trường đồng hành cùng các mục tiêu lớn của tỉnh

Cập nhật: 03-03-2022 | 08:28:00

Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn những mục tiêu của tỉnh nhà trong công tác bảo vệ môi trường (BVMT) và ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc trao đổi với ông Trần Thanh Quang, Chi Cục trưởng Chi cục BVMT, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) về những nội dung liên quan.


Thông tin dữ liệu tại Xí nghiệp Xử lý chất thải TP.Thủ Dầu Một được kết nối, chia sẻ trực tiếp với cơ quan quản lý Nhà nước

- Xin ông cho biết chiến lược gìn giữ, BVMT của Bình Dương trong năm 2022 và những năm tới?

- Trong năm 2022, để công tác quản lý nhà nước về BVMT trên địa bàn tỉnh tiếp tục được tăng cường và có hiệu quả, tỉnh sẽ tập trung BVMT theo hướng “Đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế gắn với BVMT và thực hiện các đột phá chiến lược; phát triển bền vững theo hướng thành phố thông minh, văn minh, hiện đại và nâng cao chất lượng sống người dân”. Huy động các nguồn lực đầu tư cho công tác BVMT dưới nhiều hình thức phù hợp để xây dựng kết cấu hạ tầng, nâng cấp, cải tạo, chỉnh trang đô thị gắn với xây dựng thành phố thông minh.

Một số nhiệm vụ trọng tâm được đề ra cụ thể như sau: Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy nhà nước về TN&MT các cấp trên địa bàn tỉnh theo các quy định mới theo yêu cầu của Luật BVMT năm 2020; xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế chính sách, kế hoạch về BVMT; tăng cường công tác thẩm định việc xem xét chủ trương đầu tư các dự án; thực hiện thẩm định cấp giấy phép môi trường theo quy định, triển khai thực hiện Kế hoạch ứng phó với BĐKH trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, Kế hoạch BVMT và ứng phó với BĐKH tỉnh giai đoạn 2021-2025...

- Xin ông cho biết sự thay đổi, khác biệt của các chương trình “Sách Xanh Bình Dương” và “Giải thưởng môi trường Bình Dương” trong thời kỳ mới?

- Sách Xanh Bình Dương được xây dựng nhằm tuyên dương, vinh danh các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thực hiện tốt công tác BVMT, qua đó nâng cao hình ảnh, uy tín, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN). Đồng thời giúp lan tỏa đến các DN chưa thực hiện tốt công tác BVMT chuyển biến nhận thức, hành vi, nỗ lực cải thiện công tác BVMT để cạnh tranh với các DN khác. Đến nay, đã trải qua 6 lần công bố Sách Xanh Bình Dương. Trong năm 2022, tỉnh sẽ ban hành bộ tiêu chí mới để đánh giá, phân hạng DN theo hướng cập nhật các quy định mới của Luật BVMT năm 2020. Tuy nhiên, các nhóm tiêu chí cơ bản để được ghi tên vào Sách Xanh của tỉnh vẫn không thay đổi nhiều.

Giải thưởng môi trường của tỉnh dành cho các tập thể, cá nhân và cộng đồng cóđóng góp tích cực trong hoạt động BVMT, định kỳ 2 năm 1 lần do UBND tỉnh tổ chức xét tặng. Tính đến nay, tỉnh đã 5 lần tổ chức xét tặng vào các năm 2013, 2015, 2017, 2019 và 2021. Sau khi Luật BVMT năm 2020 chính thức có hiệu lực, tỉnh đang tiến hành điều chỉnh, bổ sung các tiêu chí quy định về chính sách tôn vinh, khen thưởng đúng theo quy định. Theo đó, sẽ bổ sung thêm đối tượng được khen thưởng là hộ gia đình vào danh sách.

- Thưa ông, ngành TN&MT đã chuẩn bị những gì để chung tay xây dựng thành phố thông minh Bình Dương?

- Để chung tay xây dựng thành phố thông minh, ngành TN&MT đã và đang thực hiện một số nhiệm vụ sau:

- Đã triển khai lắp đặt mạng lưới quan trắc tự động đối với các thành phần môi trường và các nguồn thải lớn. Đến nay, sở đã xây dựng trung tâm điều hành chung để tiếp nhận tất cả dữ liệu từ 6 trạm quan trắc nước mặt tự động, 140 trạm quan trắc nước dưới đất tự động, 104 trạm quan trắc nước thải tự động, 33 trạm quan trắc khí thải tự động và 260 camera giám sát. Hệ thống quan trắc tự động đã góp phần làm giảm thiểu và phòng tránh các sự cố môi trường, giảm chi phí nhân lực trong quá trình thanh tra, kiểm tra. Thời gian tới, tiếp tục mở rộng mạng lưới quan trắc tự động, nhất là quan trắc chất lượng môi trường không khí xung quanh.

- Đã triển khai xây dựng Cổng thông tin quản lý môi trường Bình Dương để quản lý cơ sở dữ liệu của các nguồn thải trên địa bàn tỉnh. Đến nay, trên Cổng thông tin quản lý môi trường Bình Dương đã khởi tạo và liên tục cập nhật thông tin được hơn 10.000 nguồn thải thuộc thẩm quyền quản lý của cấp bộ, cấp tỉnh và cấp huyện. Thời gian tới, sẽ nghiên cứu tích hợp cơ sở dữ liệu nguồn thải của tỉnh vào hệ thống cơ sở dữ liệu nguồn thải của quốc gia theo quy định của Luật BVMT năm 2020 đồng bộ và thống nhất.

Ngoài ra, sở cũng đang thực hiện các dự án: “Xây dựng hệ thống máy chủ vận hành dữ liệu ngành TN&MT tỉnh Bình Dương” và “Đầu tư mở rộng hệ thống quan trắc, chia sẻ cơ sở dữ liệu và quản lý môi trường phục vụ phát triển thành phố thông minh tỉnh Bình Dương”. Hai dự án này dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2025 và được kỳ vọng sẽ giúp nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý TN&MT.

- Chiến lược BVMT gắn liền ứng phó với BĐKH của Bình Dương được hoạch định, thực hiện như thế nào, thưa ông?

- Trên cơ sở các nội dung của kế hoạch quốc gia thích ứng với BĐKH giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được ban hành, tỉnh đã cụ thể hóa, lồng ghép các nội dung về BVMT và ứng phó với BĐKH trong kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Trong đó, tỉnh đề ra 9 mục tiêu phấn đấu thực hiện đều bằng hoặc cao hơn so với các mục tiêu được quốc gia ban hành. Trong giai đoạn 2021-2025 kỳ vọng thực hiện thành công 27 dự án ưu tiên, trong đó có 21 dự án đầu tư cơ sở vật chất, thoát nước và xử lý chất thải và 6 dự án về ứng phó với BĐKH để ưu tiên tập trung chỉ đạo thực hiện.

Xin cám ơn ông!

ĐÌNH THẮNG - KHÁNH VY (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=671
Quay lên trên