Ngành Thuế Bình Dương:Tiếp tục điều chỉnh hoạt động kiểm tra doanh nghiệp
Hai năm trở lại đây, Cục Thuế Bình Dương đã thực hiện đúng yêu cầu thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp (DN) 1 lần/năm; đơn vị sẽ tiếp tục thực hiện chủ trương này một cách thống nhất, hiệu quả. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc trao đổi với ông Võ Long Hải, Trưởng phòng Tuyên truyền và Hỗ trợ người nộp thuế Cục Thuế Bình Dương.
- Chỉ thị số 20 của Thủ tướng Chính phủ ra đời trong hoàn cảnh có nhiều ý kiến DN cho rằng, việc kiểm tra liên quan đến thuế diễn ra thường xuyên nhưng trùng lặp, gây tốn kém thời gian cho DN. Ý kiến của ngành thuế về vấn đề này như thế nào, thưa ông?
- Như đã biết, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với DN. Chỉ thị nêu rõ, khi xây dựng, phê duyệt kế hoạch thanh tra hàng năm không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm tra quá 1 lần/năm đối với DN. Theo tôi, đây là một trong những biện pháp thiết thực nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ phát triển DN. Do vậy, theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Cục Thuế tỉnh sẽ nghiêm túc thực hiện chủ trương này để không xảy ra tình trạng chồng chéo, trùng lặp, giảm thiểu phiền hà cho DN, qua đó tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.
Đại diện một DN nêu ý kiến tại cuộc đối thoại DN với Cục Thuế tỉnh. Ảnh: THANH HỒNG
- Xin ông cho biết, việc thanh tra chuyên ngành về thuế đối với DN đang được Cục Thuế tỉnh thực hiện ra sao?
- Theo quy định của Luật Quản lý thuế và quy trình thanh tra, kiểm tra thuế của Tổng cục Thuế, hàng năm Cục Thuế phải thực hiện xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về thuế đối với DN. Theo đó, xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra phải bảo đảm các yêu cầu như thực hiện theo nguyên tắc phân tích rủi ro trên cơ sở ứng dụng phần mềm thông tin phân tích rủi ro; tránh chồng chéo với kế hoạch thanh tra, kiểm tra với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra. Khi xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra phải có thông báo cho Thanh tra tỉnh để không để xảy ra trùng với kế hoạch của Thanh tra tỉnh. Trường hợp kế hoạch thanh tra, kiểm tra của Cục Thuế nếu có sự chồng chéo, trùng với kế hoạch của cơ quan cấp trên thì thực hiện theo kế hoạch của cơ quan cấp trên. Bên cạnh đó, trường hợp kế hoạch kiểm tra, chuyên đề kiểm tra có sự trùng lặp về đối tượng kiểm tra với kế hoạch thanh tra, kiểm tra về thuế của Thanh tra tỉnh, Sở Tài chính, cơ quan thanh tra địa phương thì Cục Thuế tỉnh phối hợp với Thanh tra tỉnh và Sở Tài chính để xử lý. Mặt khác, trường hợp cơ quan thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Bộ Tài chính có kế hoạch thanh tra về thuế trùng với kế hoạch thanh tra của cơ quan thuế thì ưu tiên kế hoạch thanh tra thuế của cơ quan thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Bộ Tài chính.
Như vậy, trong thời gian qua Cục Thuế tỉnh chỉ tiến hành thanh tra, kiểm tra thuế đối với DN theo kế hoạch được Tổng cục Thuế phê duyệt, trừ các trường hợp đột xuất như thanh tra, kiểm tra theo đơn tố cáo, kiểm tra thuế đối với DN giải thể, phá sản... Các trường hợp trùng lặp với kế hoạch thanh tra, kiểm tra của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khác đều được thực hiện theo quy định nêu trên. Từ đó, việc tổ chức thực hiện công tác thanh kiểm tra chuyên ngành thuế của Cục Thuế tỉnh đã không xảy ra chồng chéo, trùng lặp.
- Hiện có nhiều cơ quan Nhà nước khác nhau có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra các vấn đề về thuế. Nếu việc thanh tra, kiểm tra giữa các ngành có sự liên thông thì liệu có gây khó khăn gì cho ngành thuế không, thưa ông?
- Về phối hợp thanh tra, kiểm tra giữa cơ quan Nhà nước khác nhau có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra các vấn đề về thuế như khi có sự chỉ đạo tham gia Đoàn thanh tra liên ngành được thành lập theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, khi đó Cục Thuế tỉnh sẽ cử thành viên tham gia đoàn, thực hiện phối hợp nghiêm túc với các thành viên trong đoàn và tham gia thanh tra các nội dung về thuế. Như đã nói, khi xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm, Cục Thuế tỉnh đều gửi kế hoạch cho Thanh tra Nhà nước tỉnh để rà soát xem có phù hợp không, có trùng lặp hay không. Trường hợp kế hoạch kiểm tra, chuyên đề kiểm tra có sự trùng lặp về đối tượng kiểm tra với kế hoạch thanh tra, kiểm tra về thuế của Thanh tra tỉnh, Sở Tài chính, cơ quan thanh tra địa phương thì Cục Thuế phối hợp với Thanh tra tỉnh, Sở Tài chính để xử lý, không để xảy ra tình trạng trùng lặp, chồng chéo. Với sự phối hợp với các cơ quan Nhà nước khác nhau có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra các vấn đề về thuế nêu trên không những không gây khó khăn cho ngành thuế mà còn khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp, giảm thiểu phiền hà cho DN khi thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra chuyên đề thuế.
- Xin ông cho biết, trong thời gian tới ngành thuế Bình Dương sẽ triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra thế nào nhằm tạo điều kiện cho DN nhưng vẫn bảo đảm công tác quản lý thuế đạt hiệu quả?
Tính đến ngày 30-4-2017, ngành thuế tỉnh đang thực hiện quản lý, thu thuế 20.540 DN. Số lượng DN thuộc diện thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực thuế theo kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2017 trên toàn địa bàn tỉnh là 2.924 DN.
Mặt khác, để bảo đảm quyền lợi hợp pháp và tránh mọi rủi ro cho DN, Cục Thuế tỉnh đã ban hành văn bản thông báo đến các DN và đăng trên trang thông tin điện tử của Cục Thuế tỉnh để DN được biết về việc trường hợp DN được cơ quan thuế kiểm tra, thanh tra thuế, nếu có những nội dung, vấn đề chưa thống nhất giữa cơ quan thuế và DN thì DN có thể phản ánh các nội dung vướng mắc bằng văn bản đến Cục Thuế tỉnh hoặc gửi văn bản đề nghị gặp lãnh đạo Cục Thuế tỉnh để trực tiếp trình bày nội dung vướng mắc và thông báo số điện thoại (đường dây nóng) của lãnh đạo Cục Thuế tỉnh để DN phản ánh những trường hợp cán bộ, công chức thuế khi thực hiện công vụ có thái độ, hành vi gây khó khăn, nhũng nhiễu... Với tinh thần minh bạch, chuyên nghiệp, đổi mới, ngành thuế hy vọng cùng với việc lắng nghe, tiếp thu các ý kiến đóng góp từ cộng đồng DN và cải cách thủ tục hành chính thuế sẽ giúp cho công tác quản lý thuế ngày càng đạt hiệu quả cao.
THANH HỒNG