Ngành văn hóa, thể thao và du lịch: Nhiều giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số

Cập nhật: 01-12-2022 | 09:00:05

(BDO) Cùng với các ngành khác, công tác chuyển đổi số (CĐS) trong ngành văn hóa, thể thao và du lịch (VHTT&DL) thời gian qua đã mang lại những kết quả bước đầu tích cực. Để thúc đẩy công tác CĐS đạt kết quả cao hơn, ngành VHTT&DL đã đưa ra nhiều giải pháp để tập trung thực hiện thời gian tới.

 Cán bộ, nhân viên Thư viện tỉnh đang scan tài liệu nhằm chuyển từ tài liệu giấy sang file PDF để đưa lên trang thông tin của thư viện phục vụ bạn đọc

 Các đơn vị quan tâm triển khai

Thời gian qua, Thư viện tỉnh được xem là một trong những đơn vị trực thuộc Sở VHTT&DL đã triển khai nhiều hoạt động CĐS. Ông Nguyễn Văn Huệ, Giám đốc Thư viện tỉnh, cho biết số hóa là xu thế tất yếu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Thời gian qua, Thư viện tỉnh đã được quan tâm đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) từ rất sớm. Từ sự đầu tư này bước đầu đã giúp thư viện chuyển công tác quản lý từ truyền thống qua quản lý bằng CNTT. Thư viện tỉnh đã xây dựng trang web riêng phục vụ bạn đọc tra cứu tài liệu thông tin trực tuyến ngoài thư viện như mượn trả, gia hạn tài liệu, tìm kiếm thông tin… mà không phải trực tiếp đến thư viện (giúp bạn đọc biết chắc tài liệu đó có tại thư viện để đến mượn).

Theo ông Nguyễn Văn Huệ, đó là bước khởi đầu rất tốt, làm nền tảng cho việc triển khai CĐS trong lĩnh vực thư viện sau này thuận lợi hơn. Tuy nhiên, việc ứng dụng CNTT thời gian qua cũng chỉ mới dừng lại ở tầng quản lý tài liệu điện tử, chứ chưa được đầu tư đúng mức. Để chuyển sang hình thức CĐS, cần phải được đầu tư thêm về cơ sở vật chất, hệ thống thông tin, phần mềm, app thư viện…

Trên lĩnh vực du lịch, thời gian qua, Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh đã sử dụng có hiệu quả công cụ chuyển tải thông tin du lịch thông qua trang thông tin điện tử để cung cấp cho du khách những thông tin về du lịch Bình Dương một cách nhanh chóng và tiện lợi; đồng thời khai thác thế mạnh của website để kết nối, liên kết và chia sẻ thông tin với cơ quan xúc tiến du lịch trong cả nước. Bên cạnh đó, trung tâm đã phối hợp cùng đơn vị tư vấn thực hiện thiết kế hoàn thiện cơ sở dữ liệu cung cấp trên app du lịch Bình Dương.

Ứng dụng với rất nhiều tiện ích được tích hợp đã tạo điều kiện hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trong tỉnh tham gia quảng bá hình ảnh đơn vị, mở rộng liên doanh, liên kết để hình thành các tour, tuyến du lịch mới để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Sau khi đưa vào hoạt động, ứng dụng này đã đáp ứng nhu cầu thông tin du lịch của người dân và du khách, thu hút du khách đến với Bình Dương ngày càng nhiều hơn. Ngoài ra, trung tâm còn thiết kế hệ thống bảng thông tin du lịch tích hợp mã QR (mã vạch 2 chiều) và đã lắp đặt tại một số khu điểm du lịch trên địa bàn tỉnh nhằm quảng bá thông tin du lịch Bình Dương đến với nhiều người hơn.

Xây dựng nhiều giải pháp

Thực hiện CĐS trong lĩnh vực bảo tàng, ngành VHTT&DL cũng có dự án xây dựng bảo tàng thông minh. Ông Lê Văn Phước, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, cho biết đơn vị đã tham mưu Sở VHTT&DL xin chủ trương hoạt động ứng dụng CNTT “Triển khai hệ thống bảo tàng thông minh tại Bảo tàng tỉnh Bình Dương”. Ông Lê Văn Phước tin tưởng sau khi được đầu tư, đưa vào vận hành, hệ thống bảo tàng số sẽ là một công cụ để quản lý và lưu trữ những thông tin về hiện vật, phòng trưng bày, di tích, di sản văn hóa phi vật thể một cách hiệu quả. Đây còn là giải pháp giúp Bảo tàng tỉnh chuyển đổi thành một bảo tàng được số hóa toàn bộ dữ liệu, triển khai các sản phẩm số ứng dụng nhiều công nghệ tiên tiến; cho phép thay đổi hoàn toàn cách tiếp cận, tìm hiểu thông tin; giúp thu hút khách tham quan thông qua việc tạo ra các cách thức trải nghiệm mới thú vị.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Khoa Hải, Giám đốc Sở VHTT&DL, cho biết để công tác CĐS của ngành đạt kết quả ngày càng cao hơn, ngành VHTT&DL đã đề ra những định hướng, giải pháp nhằm thúc đẩy CĐS trên tất cả các lĩnh vực của ngành. Theo ông Nguyễn Khoa Hải, một số nhiệm vụ, giải pháp toàn ngành cần phải tập trung đó là tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, trong đó nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, cơ quan trong việc tuyên truyền, phổ biến, quán triệt đến đảng viên, đoàn viên, hội viên, công chức, viên chức và người lao động về vai trò, sự cần thiết, tính cấp bách của việc CĐS, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, chủ yếu và cần phải được thực hiện thường xuyên.

Trên cơ sở các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được xác định trong kế hoạch tổng thể của ngành đã được phê duyệt, yêu cầu các đơn vị cần cụ thể hóa bằng các đề án, dự án và có lộ trình cụ thể để triển khai bảo đảm phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Ngành cũng xác định phải gắn việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về CĐS với đề án xây dựng Thành phố thông minh Bình Dương trên các lĩnh vực hoạt động của ngành, trong đó tiếp tục thực hiện theo phương châm “lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ” ngày càng tốt hơn. Vì vậy, ngành cần xác định rõ những nhiệm vụ trọng tâm, mang tính đột phá để tổ chức triển khai, trong đó ưu tiên các hoạt động du lịch, thư viện, bảo tàng, biểu diễn nghệ thuật, quảng cáo.

Ngành VHTT&DL sẽ tiếp tục tham mưu đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao, nhất là các công trình văn hóa, thể thao trọng điểm; đầu tư mới và nâng cấp hạ tầng CNTT phục vụ CĐS; đồng thời đẩy mạnh các hoạt động giao lưu, hợp tác trong nước và quốc tế về văn hóa, thể thao và du lịch, nhất là việc khai thác và phát huy tiềm năng, lợi thế khi Bình Dương đã trở thành thành viên của Hiệp hội Đô thị khoa học thế giới (WTA)...”.

(Ông Nguyễn Khoa Hải, Giám đốc Sở VHTT&DL)

 HỒNG THUẬN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên