Vật liệu xây dựng (VLXD) là một trong những lĩnh vực chịu tác động lớn từ dịch bệnh Covid-19. Hiện các doanh nghiệp (DN) VLXD đang gặp rất nhiều khó khăn cả trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Hiện các doanh nghiệp vật liệu xây dựng đang gặp rất nhiều khó khăn cả trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần đá Hoa Tân An, huyện Bắc Tân Uyên (ảnh chụp trước thời điểm dịch bệnh bùng phát)
Dịch bệnh bùng phát trở lại đã khiến nhiều dự án bị chậm tiến độ, ảnh hưởng đến công tác giải ngân đầu tư công cho các hạng mục xây dựng, xây lắp mới, thị trường vật liệu trầm lắng. Bên cạnh đó, ngành xây dựng còn đối mặt với một khó khăn khác đó là các loại VLXD như sắt thép, xi măng, cát đá... đều tăng, đặc biệt là giá thép đã tăng đột biến trong những tháng đầu năm 2021. Ngoài ra, cát và đá tăng giá từ 15 - 20%, gạch xây dựng tăng 10%, xi măng, gạch ốp lát và bê tông tăng khoảng từ 5 - 10%. Giá nguyên vật liệu tăng nêu trên đã ảnh hưởng rất lớn đến các DN, nhà thầu xây dựng bởi chi phí xây dựng tăng đột biến sẽ làm giảm lợi nhuận, thậm chí nhiều đơn vị lâm vào cảnh thua lỗ. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến các cửa hàng bán VLXD thô, mà còn làm giảm doanh thu của các công trình xây dựng, nhất là các công trình nhà ở của người dân.
Đối với các đơn vị kinh doanh, trong những tháng đầu năm 2021, giá các loại VLXD do các nhà sản xuất đã đưa ra nhiều lần thay đổi, tăng giá khiến cho lượng bán ra của các cửa hàng VLXD thô giảm mạnh. Giá vật liệu tăng, nhiều chủ thầu và đầu tư đã quyết định giãn hoặc thậm chí tạm ngưng thi công để chờ giảm giá.
Đặc biệt, từ khi Bình Dương thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ đến nay, ngành VLXD đã khó lại chồng thêm khó. Cụ thể, các dự án công trình xây dựng bị ngưng trễ, thị trường bất động sản gặp khó khăn, các DN sản xuất và cửa hàng kinh doanh VLXD phải đóng cửa… đã tác động trực tiếp đến thị trường VLXD trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, việc cung ứng các loại vật liệu trong nội bộ các huyện, thị, thành phố gặp khó khăn trong khâu vận chuyển và nguồn hàng không ổn định, đặc biệt việc vận chuyển cát, đá từ các huyện Bắc Tân Uyên, Phú Giáo về các địa phương nguy cơ cao như TP.Thuận An, TP.Dĩ An, TP.Thủ Dầu Một, TX.Tân Uyên.
Ông Phạm Văn Phơn, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ và xây dựng Quyền Phương, TX.Bến Cát, cho biết: “Công ty chúng tôi chuyên sản xuất gạch không nung. Gần 2 tháng nay, thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh, công ty đã ngừng sản xuất nhưng vẫn trả các chi phí như điện, nước và duy trì trả lương 100% cho công nhân cùng hỗ trợ thêm các nhu yếu phẩm. Tuy nhiên, cái khó nhất của công ty hiện nay là trả tiền ngân hàng hàng tháng, trong khi tiền nợ từ khách hàng không thu được”. Ông Phơn chia sẻ mong muốn của công ty hiện nay là cần được tạo điều kiện nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn chính sách, hỗ trợ DN khoanh nợ, gia hạn vốn vay ngân hàng, không bị đưa vào nợ xấu. Sau dịch bệnh công ty có thể hoạt động trở lại, phục hồi và phát triển.
TS. Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam: “Các DN sản xuất xi măng gặp nhiều khó khăn cả ở thị trường tiêu thụ trong nước cũng như thị trường xuất khẩu, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, mặc dù sản xuất vẫn duy trì tốt. Đối với các DN sản xuất sắt thép cũng gặp trong tình cảnh tương tự, kéo theo sự ngưng trệ các ngành sản xuất sử dụng thép công nghiệp xây dựng, hạ tầng cơ sở”. |
Hoạt động trong lĩnh vực khai thác cát, Công ty Tân Tiến (huyện Dầu Tiếng) cũng gặp nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Văn Việt, Phó Giám đốc Công ty Tân Tiến, cho biết: “Từ đầu năm đến hết tháng 5-2021, công ty vẫn hoạt động cầm chừng, mặc dù khó khăn. Nhưng từ đầu tháng 6, khi dịch bệnh bùng phát công ty đã ngưng hoạt động để phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn cho người lao động. Bên cạnh đó, một số công trình của khách hàng tạm ngưng cũng ảnh hưởng đến kinh doanh của công ty. Tính từ đầu năm 2021 đến nay, việc kinh doanh của công ty đã giảm 50% so với cùng kỳ năm 2020”.
Chị Hoàng Thị Nga, chủ một cửa hàng VLXD trên đường Huỳnh Văn Lũy, phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một chia sẻ: “Từ tháng 6 khi dịch bệnh bùng phát mạnh và thực hiện giãn cách xã hội, tôi đã đóng cửa để phòng, chống dịch bệnh. Trước đó, tôi cũng chỉ bán cầm chừng vì giá vật liệu tăng cao”. Có thể thấy, từ đầu năm đến nay dịch bệnh Covid-19 đã tác động tiêu cực đến thị trường VLXD. Do đó, bên cạnh các chính sách hỗ trợ của Chính phủ về vốn, tín dụng, thuế… các DN sản xuất VLXD cũng cần nỗ lực gấp nhiều lần để vượt qua giai đoạn cực kỳ khó khăn này.
PHƯƠNG LÊ