Ngành vật liệu xây dựng: Tăng tốc chuyển đổi xanh

Cập nhật: 11-09-2024 | 09:23:42

Đến nay, tỷ lệ đô thị hóa tại Bình Dương đạt 85%. Đáng ghi nhận là quá trình đô thị hóa ở Bình Dương đang được định hướng theo mục tiêu phát triển xanh.

 Các công trình lớn trên địa bàn tỉnh đang sử dụng vật liệu không nung. Trong ảnh: Dự án Khu nhà ở An Sinh - Khu đô thị sinh thái Chánh Mỹ

 Yêu cầu cấp thiết

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, công trình xây dựng trong cả nước đang tạo ra 33% lượng khí thải carbon và 40% chất thải rắn, kéo theo những tác động về môi trường do ô nhiễm bụi và rác thải xây dựng khó tái chế. Bên cạnh đó, hiện nay nguồn tài nguyên khoáng sản cung ứng cho ngành xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) đang ngày càng cạn kiệt, đặt ra những thách thức cho quá trình đầu tư các dự án hạ tầng.

Do vậy, việc phát triển vật liệu thay thế, vật liệu xanh nhằm giảm thiểu khai thác tài nguyên, khoáng sản, tăng thêm các yêu cầu về bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính. Đây vừa là xu thế tất yếu, vừa là mục tiêu hướng tới của ngành xây dựng và công nghiệp sản xuất VLXD Việt Nam, nhằm thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 như cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26).

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều doanh nghiệp (DN), nhà máy sản xuất gạch không nung, như Công ty CP VietCem, Công ty Cổ phần HASS, Công ty CP VLXD Biconsi, Công ty TNHH Phước Phú Thành. Ông Lê Kim Giàu, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần HASS (phường Thạnh Phước, TP.Tân Uyên), cho biết HASS đã trang bị công nghệ sản xuất hiện đại của Đức với tổng vốn đầu tư 400 tỷ đồng, công suất 200.000m3/ năm. Hiện sản phẩm của công ty được tiêu thụ ở thị trường nội địa và xuất khẩu.

Cùng với đó, các sở, ban, ngành, chủ đầu tư các dự án xây dựng trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm chỉ thị của UBND tỉnh về việc tăng cường sản xuất, sử dụng VLXD không nung để thay thế gạch đất sét nung trên địa bàn tỉnh phù hợp với quy định của Chính phủ, bảo đảm lộ trình đến năm 2025 tại các khu đô thị từ loại III trở lên sử dụng tối thiểu 80% vật liệu xây không nung. Các công trình xây dựng từ 9 tầng trở lên phải sử dụng tối thiểu 80% vật liệu xây không nung so với tổng khối lượng vật liệu xây, trong đó ưu tiên sử dụng cấu kiện nhẹ, kích thước lớn.

Bên cạnh dự án từ vốn đầu tư công sử dụng gạch không nung, các dự án đô thị lớn đang triển khai trên địa bàn tỉnh như dự án Sycamore, Khu nhà ở An Sinh - Khu đô thị sinh thái Chánh Mỹ (TP.Thủ Dầu Một)… trong quá trình xây dựng đã sử dụng gạch xi măng cốt liệu, gạch bê tông khí chưng áp với tỷ lệ sử dụng 80-85% so với tổng khối lượng xây. Đây là những tín hiệu đáng mừng trong việc phát triển sử dụng vật liệu không nung trên địa bàn tỉnh.

Phối hợp tháo gỡ những bất cập

Bên cạnh kết quả đã đạt được, đánh giá của cơ quan chức năng cho thấy quá trình chuyển đổi xanh trong lĩnh vực xây dựng vẫn còn những bất cập và chưa đồng đều giữa khu vực xây dựng dân dụng riêng lẻ của cư dân và công trình lớn của các tổ chức, DN. Nếu ở các công trình có vốn đầu tư công, công trình lớn đã sử dụng vật liệu xanh thì ở công trình riêng lẻ của cư dân còn khiêm tốn, lý do cơ bản là giá thành vật liệu xanh cao hơn vật liệu thông thường. Bên cạnh đó, đội ngũ công nhân có tay nghề sử dụng thành thạo các công cụ chuyên dùng để bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật còn thiếu; các loại vữa đặc chủng để xây, trát làm gia tăng chi phí xây dựng dẫn đến khó cạnh tranh với gạch nung truyền thống…

Khó khăn nữa là dây chuyền, thiết bị hiện nay của DN sản xuất VLXD không nung đều được nhập khẩu từ Đức, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Nhật Bản với chi phí ban đầu rất cao, khiến nhiều DN gặp khó khăn trong việc cân đối tài chính để đầu tư mở rộng sản xuất, nâng cao sản lượng, tiến tới giảm giá thành sản phẩm phục vụ đại trà… Theo ông Lê Kim Giàu, để đầu tư một nhà máy sản xuất gạch không nung chưng áp cần một nguồn tài chính khá lớn. Trong khi đó, Nhà nước chưa có cơ chế cụ thể hỗ trợ vốn cho DN đầu tư vào lĩnh vực này cũng là một áp lực lớn nếu sử dụng nguồn vốn vay.

 Hoạt động sản xuất gạch không nung tại Công ty Cổ phần HASS

Nhằm thúc đẩy ngành sản xuất VLXD của Việt Nam chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng xanh hóa nói chung và ổn định ngành sản xuất VLXD không nung nói riêng, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, ban hành đầy đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến sản phẩm VLXD xanh, thân thiện với môi trường, làm cơ sở cho các DN, đơn vị đầu tư dự án có căn cứ áp dụng trong quá trình sản xuất.

Cùng với đó, cần đẩy mạnh hoạt động thông tin, tuyên truyền về VLXD xanh nhằm thay đổi nhận thức của các chủ thể tham gia trong lĩnh vực đầu tư xây dựng. Đồng thời, Nhà nước cần có những chính sách khuyến khích, hỗ trợ cụ thể cho DN đầu tư sản xuất vật liệu xanh nói chung; các DN cần chủ động kết nối, chia sẻ nghiên cứu tìm ra giải pháp để giảm giá thành hơn nữa đối với VLXD xanh, nhằm cạnh tranh tốt trên thị trường quốc tế.

 Quyết định số 2171/ QĐ-TTg ngày 23-12- 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây không nung tại Việt Nam đến năm 2030 sẽ gắn mục tiêu đẩy mạnh sản xuất và sử dụng vật liệu gạch không nung thay thế gạch đất sét nung. Cụ thể, gạch không nung sẽ thay thế một phần gạch đất sét nung với tỷ lệ 35-40% vào năm 2025, 40-45% vào năm 2030 trong tổng số vật liệu xây.

 TUẤN ANH

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=19
Quay lên trên