Nhân kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống ngành xây dựng Việt Nam (29.4.1958 - 29.4.2023), P.V Báo Bình Dương đã trao đổi với ông Võ Hoàng Ngân, Giám đốc Sở Xây dựng xung quanh những thành tựu ngành đã đạt được.
Đô thị Bình Dương phát triển ngày càng văn minh, hiện đại. Trong ảnh: Một góc thành phố mới Bình Dương
- Ông có thể khái quát về quá trình thành lập của ngành xây dựng tỉnh, thưa ông?
- Tháng 2-1976 các tỉnh Thủ Dầu Một, Bình Phước, Phước Long sáp nhập thành tỉnh Sông Bé. Để tổ chức quản lý các hoạt động sản xuất và đời sống, Công ty Xây dựng Sông Bé ra đời, đảm nhận chức năng, nhiệm vụ là quản lý nhà nước trên lĩnh vực xây dựng, đáp ứng yêu cầu về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhiều công trình lớn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn này được xây dựng. Đến cuối năm 1977, ngành xây dựng đã triển khai thực hiện được hơn 150 công trình, đạt 69% kế hoạch đề ra, tăng 115% so với năm 1976.
Trong chặng đường 10 năm sau ngày giải phóng (1975 - 1985), ngành xây dựng Sông Bé đã khắc phục nhiều khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bước đầu tạo dựng cơ sở hạ tầng, là tiền đề quan trọng và có ý nghĩa quyết định cho công cuộc đổi mới trong giai đoạn tiếp theo. Bước vào thời kỳ đổi mới, ngành xây dựng Sông Bé đã có nhiều đột phá, đạt được nhiều thành tựu.
Ngày 1-7-1990, Sở Xây dựng Sông Bé được thành lập. Tiếp tục nhiệm vụ mới, bảo đảm nhu cầu xây dựng các thiết chế văn hóa, lịch sử, truyền thống cách mạng, ngành xây dựng cùng với các địa phương đã có nhiều cố gắng trong việc xây dựng, cải tạo, chỉnh trang đô thị, đầu tư các công trình tưởng niệm, các công trình phúc lợi xã hội. Các công trình tiêu biểu xây dựng trong giai đoạn này như: Bệnh viện Đa khoa tỉnh (1990), cải tạo nâng cấp chợ Thủ Dầu Một (1995), đường Cách Mạng Tháng Tám, Quốc lộ 13 (cũ)…
Vào những năm 1990, tỉnh Sông Bé đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Sở Xây dựng với chức năng quản lý nhà nước về công tác xây dựng đã góp phần quan trọng trong việc hoạch định chiến lược phát triển. Các khu công nghiệp, đầu tư hạ tầng cơ sở, cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp thành thị, nông thôn đã được ngành xây dựng tham gia, đóng góp xây dựng quy hoạch. Chính các phương án cụ thể, hợp lý đã thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, trong nước, tạo ra nguồn lực quyết định cho cơ cấu kinh tế chung, nâng cao thu nhập người dân, cải thiện đời sống xã hội.
- Xin ông cho biết những đóng góp của ngành xây dựng Bình Dương trong quá trình phát triển của tỉnh?
- Từ những ngày được thành lập cho đến nay, ngành xây dựng tỉnh luôn hoàn thành các nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chuyên môn, từng bước xây dựng các cơ sở vật chất, góp phần cùng các ngành, các cấp, các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn xây dựng Bình Dương ngày càng văn minh, giàu đẹp. Ngành xây dựng đã có những đóng góp quan trọng trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà, luôn bám sát thực hiện theo mục tiêu chiến lược do UBND tỉnh, Bộ Xây dựng đề ra và đã đạt được một số thành tựu nhất định.
Cụ thể, công tác quy hoạch xây dựng được triển khai thực hiện phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Sự hình thành các đô thị mới kết hợp với phát triển các đô thị hiện hữu đã từng bước cho thấy diện mạo đô thị Bình Dương ngày càng hiện đại. Đầu tư phát triển đô thị có trọng tâm, trọng điểm, phát triển hạ tầng kỹ thuật kết nối với hạ tầng xã hội. Sự hình thành các khu, cụm công nghiệp, các dự án nhà ở, thương mại - dịch vụ, văn hóa - thể dục thể thao đã từng bước góp phần từng bước hoàn chỉnh hệ thống đô thị - nông thôn với kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ tạo điều kiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế phát triển bền vững.
- Ngành xây dựng đóng góp như thế nào trong quá trình xây dựng Bình Dương theo hướng văn minh, thông minh, thưa ông?
- Năm 2016, ngành xây dựng đã góp phần tham mưu Tỉnh ủy ban hành Chương trình số 22-CTr/TU ngày 15-8- 2016 về phát triển đô thị hướng văn minh, giàu đẹp và nâng cao chất lượng sống nhân dân. Hướng đến mục tiêu phát triển đồng bộ hệ thống đô thị gắn với xây dựng thành phố thông minh Bình Dương.
Trong giai đoạn 2015-2020, chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh Bình Dương và các chương trình phát triển 5 đô thị đã được ngành xây dựng tham mưu, làm cơ sở để quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt, lập đề án nâng loại đô thị, xác định khu vực phát triển đô thị, khu vực chỉnh trang… Đến nay, theo phân loại đơn vị hành chính, tỉnh Bình Dương có 4 thành phố (Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên), 1 thị xã (Bến Cát) và 4 huyện (Phú Giáo, Dầu Tiếng, Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên) với 91 xã, phường, thị trấn (45 phường, 5 thị trấn và 41 xã). Theo phân loại đô thị, tỉnh Bình Dương có 1 đô thị loại I (Thủ Dầu Một), 2 đô thị loại II (Thuận An, Dĩ An), 2 đô thị loại III (Bến Cát, Tân Uyên), 5 đô thị loại V (thị trấn Dầu Tiếng, Phước Vĩnh, Lai Uyên, Tân Bình, Tân Thành).
- Xin ông cho biết định hướng của ngành xây dựng trong thời gian tới?
- Giai đoạn 2021-2025, ngành xây dựng phấn đấu đạt chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân 31,5m2/người, tỷ lệ đô thị hóa 85%, tỷ lệ dân số thành thị sử dụng nước sạch và hợp vệ sinh đạt 100%. Đến năm 2025, hoàn thành 100% các đô thị có quy hoạch chung đô thị, quy hoạch phân khu. Hoàn thành nâng loại các đô thị theo lộ trình (Bến Cát, Tân Uyên đạt đô thị loại II; thị trấn Dầu Tiếng đạt đô thị loại IV; các đô thị Thanh Tuyền, Long Hòa (huyện Dầu Tiếng), Lai Hưng (huyện Bàu Bàng) đạt đô thị loại V). Đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa đạt 90%. Các đô thị Thuận An, Dĩ An, Bến Cát, Tân Uyên đạt các tiêu chí của đô thị loại I. Tầm nhìn đến năm 2045, các đô thị loại III trở lên phải đạt mức tối đa các chỉ tiêu về y tế, giáo dục và đào tạo, công trình văn hóa cấp đô thị. Quản lý quá trình phát triển đô thị theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống đô thị.
- Xin cảm ơn ông!
PHƯƠNG AN (thực hiện)