Trước tình hình đó, Sở Y tế Bình Dương đã có công văn khẩn gửi các đơn vị y tế trong và ngoài công lập trên địa bàn tập trung triển khai thực hiện các nội dung nhằm tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh sởi trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Sở Y tế yêu cầu Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình, diễn biến của dịch bệnh sởi; tổ chức điều tra và xử lý ổ dịch theo hướng dẫn giám sát và phòng chống bệnh sởi, rubella ban hành kèm theo Quyết định số 4845/QĐ-BYT ngày 5-12-2012 của Bộ Y tế trên địa bàn tỉnh; phối hợp với các cơ sở khám, chữa bệnh tư vấn, cách ly, điều trị sớm, phù hợp các trường hợp mắc bệnh sởi, hạn chế xảy ra các biến chứng gây tử vong. Song song đó, tiến hành phân tích dịch tễ học, nhận định diễn biến tình hình của dịch bệnh; điều tra về tiền sử tiêm phòng bệnh sởi để kịp thời báo cáo, phản ánh đúng tình hình dịch sởi; xác định nhóm đối tượng có nguy cơ cao, áp dụng các biện pháp khống chế không để dịch bệnh bùng phát lây lan trên diện rộng. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cần phối hợp với Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh triển khai các biện pháp kỹ thuật phòng chống dịch bệnh phù hợp với đặc điểm của địa phương; bảo đảm đủ cơ số thuốc, vắc xin sởi và trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh ở các tuyến; triển khai tốt các hoạt động phòng chống dịch bệnh sởi; tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, đánh giá công tác sẵn sàng phòng chống dịch tại các địa phương và tham mưu Sở Y tế chỉ đạo phòng chống dịch bệnh sở trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, cần phối hợp với Sở Giáo dục - Đào tạo trong hoạt động phòng chống dịch bệnh sởi tại các trường học trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học.
Sở Y tế cũng yêu cầu, các cơ sở khám chữa bệnh trong và ngoài công lập trên địa bàn tỉnh chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, trang thiết bị, phương tiện, bảo đảm thu dung, điều trị có hiệu quả tất cả các trường hợp nhập viện, hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ tử vong và khống chế dịch lây lan ra cộng đồng.
CẨM LÝ