Ngành y tế tỉnh: Đẩy mạnh tiêm vắc xin có thành phần bạch hầu

Cập nhật: 20-07-2020 | 08:33:16

 Do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nên công tác tiêm chủng mở rộng trên địa bàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2020 bị gián đoạn. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế, Viện Pasteurs TP.Hồ Chí Minh và UBND tỉnh, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương khẩn trương rà soát danh sách trẻ em để tiêm chủng cho trẻ dưới 1 tuổi đủ 3 liều vắc xin phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/ viêm màng não mủ do Hib (DPT-VGB-Hib).

 Phụ huynh nên đưa trẻ để tiêm vắc xin phòng bệnh trong chương trình tiêm chủng mở rộng

 Tỷ lệ trẻ tiêm chủng còn thấp

Trong 6 tháng đầu năm 2020, tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin liên quan đến bệnh bạch hầu còn thấp. Cụ thể, tỷ lệ tiêm chủng vắc xin DPT-VGB-Hib chỉ đạt 40% so với kế hoạch, tỷ lệ tiêm chủng vắc xin DPT4/SII cho trẻ 18 tháng tuổi chỉ đạt 35% so với kế hoạch. Lý giải vấn đề này, ông Nguyễn Thành Danh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: “Do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nên công tác tiêm chủng mở rộng trên địa bàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm bị gián đoạn. Ngay sau khi dỡ bỏ quy định giãn cách xã hội, ngành y tế đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai tiêm chủng mở rộng (TCMR) tại các cơ sở y tế. Tuy nhiên, tỷ lệ trẻ tiêm chủng vẫn chưa đạt tiến độ, kế hoạch đề ra”.

Theo thống kê, trong khoảng 10 năm qua, hệ thống giám sát y tế không ghi nhận trường hợp mắc bệnh bạch hầu. Đạt được kết quả trên là do 10 năm trở lại đây, tỷ lệ trẻ trong độ tuổi tiêm chủng được tiêm vắc xin phòng bệnh, trong đó có bệnh bạch hầu luôn đạt tỷ lệ cao trên 90%, riêng năm 2019 hơn 98%. Trong 6 tháng đầu năm 2020 (kể cả thời gian tạm ngưng tiêm do dịch bệnh Covid-19), có 18.501 trẻ được miễn dịch đầy đủ và tiêm nhắc cho 15.529 trẻ từ 18 - 24 tháng tuổi. Cùng với đó, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền đã giúp người dân thay đổi hành vi, nhận thức về việc tiêm chủng, hiểu hơn về lợi ích của việc tiêm đúng lịch, tiêm đủ mũi.

Hiện tại, vắc xin và vật tư y tế phục vụ TCMR còn đủ dùng trong 2 - 4 tháng tới nên chắc chắn không xảy ra tình trạng thiếu một số loại vắc xin. Sở Y tế giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế công tác giám sát, chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Đặc biệt, Sở Y tế chủ động phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan và địa phương tăng cường hoạt động truyền thông về nguy cơ mắc bệnh bạch hầu và các biện pháp phòng, chống để người dân chủ động phòng tránh; vận động các gia đình đưa trẻ đi tiêm vắc xin đúng lịch, đủ mũi tiêm; sẵn sàng thu dung, điều trị bệnh bạch hầu, tránh lây nhiễm chéo trong cơ sở y tế, hạn chế thấp nhất tử vong do bệnh bạch hầu.

Đồng loạt tiêm bù, tiêm vét

Trước tình hình bệnh bạch hầu diễn biến phức tạp tại một số tỉnh, thành, ông Huỳnh Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết: “Thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế, Viện Pasteurs TP.Hồ Chí Minh và UBND tỉnh, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trung tâm Y tế các huyện, thị, thành phố khẩn trương rà soát đối tượng trẻ em trên 1 tuổi chưa được tiêm hoặc chưa tiêm đủ mũi vắc xin DPT-VGB-Hib; xây dựng kế hoạch tổ chức tiêm bù vắc xin DPT-VGB-Hib (SII) cho các đối tượng ngay trong tháng 7 và 8-2020; triển khai tiêm vắc xin 5 trong 1 thay thế vắc xin DPT cho trẻ 18 tháng tuổi; tăng cường công tác tiêm chủng thường xuyên cho trẻ dưới 1 tuổi đủ 3 liều vắc xin phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/ viêm màng não mủ do Hib (DPT-VGB-Hib), bảo đảm tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ đạt 95%”.

Bạch hầu được tiêm phòng trong chương trình TCMR, nằm trong các mũi tiêm phối hợp 5 trong 1 (SII) và 3 trong 1 (DPT) gồm có 3 liều cơ bản và chích nhắc khi trẻ 18 - 24 tháng tuổi. Theo ông Nguyễn Thành Danh, phụ huynh muốn biết con em mình có tiêm hay chưa thì có thể mở sổ tiêm chủng cá nhân để xem. Trong trường hợp làm mất sổ, phụ huynh liên hệ với trạm y tế để xem lại thông tin. Hiện nay, thông tin TCMR và các cơ sở tiêm dịch vụ đã kết nối liên thông, gia đình có thể liên hệ đơn vị đã tiêm dịch vụ hoặc trạm y tế để nắm tiền sử tiêm chủng của trẻ.

 KIM HÀ  

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=3469
Quay lên trên