Ngành y tế tỉnh: Đột phá y tế chuyên sâu

Cập nhật: 21-08-2023 | 09:06:01

Thời gian qua, ngành y tế Bình Dương luôn chú trọng công tác đào tạo, chuyển giao kỹ thuật chuyên sâu cho đội ngũ y, bác sĩ. Đây là một trong những nhân tố cơ bản quyết định sự phát triển bền vững của ngành y tế tỉnh nhà.

 Y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh phẫu thuật điều trị thành công vết thương tim cho bệnh nhân

 Nâng cao kỹ thuật chuyên sâu

Nâng cao kỹ thuật chuyên sâu được xem là bước tiến, đột phá lớn của ngành y tế tỉnh nói chung và Bệnh viện Đa khoa tỉnh nói riêng trong thời gian qua. Đầu tiên là kỹ thuật chuyên sâu điều trị can thiệp bít dù cho bệnh nhân tim bẩm sinh thông liên nhĩ còn ống động mạch và điều trị can thiệp đặt Stent cho bệnh nhân hẹp động mạch thận.

Hai kỹ thuật chuyên sâu này được sự hỗ trợ, chuyển giao từ PGS-TS. Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh và nhóm bác sĩ điều trị can thiệp bệnh tim bẩm sinh. Bệnh nhân là nữ (26 tuổi), phát hiện thông liên nhĩ khoảng 2 tháng với triệu chứng mệt, khó thở khi gắng sức. Siêu âm tim qua thành ngực và siêu âm tim qua thực quản, các bác sĩ ghi nhận bệnh nhân bị thông liên nhĩ lỗ thứ phát. Các bác sĩ đã tiến hành giải phẫu và lên kế hoạch điều trị can thiệp. Kết quả, bệnh nhân được bít dù thành công.

Trường hợp thứ hai là một thai phụ (33 tuổi) đang mang thai lần hai, thai 29 tuần tuổi. Thai phụ có biểu hiện mệt, đau ngực khi gắng sức, thường xuyên hồi hộp, tim đập mạnh, viêm phổi nhiều lần. Thai phụ được siêu âm tim qua thành ngực kiểm tra còn ống động mạch và áp lực mạch máu phổi. Các bác sĩ tiến hành hội chẩn với PGS-TS. Nguyễn Lân Hiếu về việc điều trị can thiệp bít dù còn ống động mạch cho thai phụ khi ở giai đoạn đầu của 3 tháng cuối thai kỳ. Bệnh nhân được lên kế hoạch điều trị can thiệp bít dù che chắn chì, bảo đảm an toàn cho mẹ và thai nhi. Thai phụ được điều trị bít dù thành công, triệu chứng cải thiện rõ rệt, không còn cảm giác mệt, khó thở khi gắng sức, triệu chứng hồi hộp, tim đập mạnh không còn. Đặc biệt, hiện nay bệnh nhân không còn tình trạng viêm phổi tái diễn.

Cùng với điều trị can thiệp bít dù, dưới sự hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật chuyên sâu từ PGS-TS. Nguyễn Lân Hiếu và nhóm bác sĩ can thiệp động mạch ngoại biên, Khoa Nội tim mạch Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã tiến hành can thiệp đặt Stent động mạch thận cho một trường hợp hẹp gốc động mạch thận phải. Đó là bệnh nhân nam (20 tuổi) nhập viện vì tình trạng tăng huyết áp khó kiểm soát ở người trẻ. Các bác sĩ tiến hành siêu âm bụng và phát hiện hẹp nặng động mạch thận phải. Bệnh nhân được lên kế hoạch nong và đặt Stent động mạch thận phải. Ca đặt Stent diễn ra thành công. Sau khi đặt Stent, huyết áp bệnh nhân dần ổn định, bình thường và đang tiếp tục theo dõi.

Tiếp tục đào tạo, chuyển giao kỹ thuật

Hiện nay, một bộ phận người dân Bình Dương có tâm lý muốn di chuyển về TP.Hồ Chí Minh khám, chữa bệnh (KCB). Tâm lý này xuất phát từ nguyên nhân người dân không đặt niềm tin vào trình độ KCB của đội ngũ y, bác sĩ tỉnh nhà. Từ thực tiễn này đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với hệ thống điều trị của tỉnh cần đẩy mạnh đào tạo, chuyển giao kỹ thuật chuyên sâu cho đội ngũ y, bác sĩ tỉnh nhà.

Đánh giá về chất lượng đào tạo, chuyển giao kỹ thuật trong KCB, đặc biệt là kỹ thuật chuyên sâu, bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết: “Thời gian qua, chất lượng KCB đã được các đơn vị y tế sự nghiệp nâng cao, đặc biệt là Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Hàng loạt hoạt động đào tạo, như: Đẩy mạnh đào tạo liên tục, đào tạo đội ngũ ê-kíp chuyên khoa, chuyên sâu trên từng lĩnh vực, kết hợp với đầu tư trang thiết bị kỹ thuật chức năng cao, tích cực triển khai kỹ thuật mới về lâm sàng và cận lâm sàng tiên tiến, hiện đại đã góp phần cứu sống được rất nhiều bệnh nhân nặng, hiểm nghèo”.

Bác sĩ Huỳnh Minh Chín thông tin thêm, chỉ tiêu giường bệnh của tỉnh cũng liên tục gia tăng, từ con số 17 giường bệnh/vạn dân vào những năm 2010, đến nay ngành y tế đã đạt 20,3 giường bệnh/vạn dân. So với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới của tỉnh thì chỉ số giường bệnh/vạn dân nêu trên vẫn chưa thực sự đáp ứng hết được nhu cầu thực tế của người dân. Tình trạng quá tải cũng ảnh hưởng đến khả năng làm việc của đội ngũ cán bộ y tế như không đủ thời gian để tư vấn chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân hay nghiên cứu trao đổi kinh nghiệm chuyên môn. Đôi lúc sự quá tải giường bệnh đã ảnh hưởng đến sự hài lòng của người bệnh; nhân lực, trang thiết bị tuyến cơ sở còn thiếu, chưa đáp ứng nhu cầu KCB ngày càng cao của người dân.

“Thời gian tới, ngành y tế Bình Dương tiếp tục triển khai nhiều cơ sở điều trị, thành lập nhiều bệnh viện mới đòi hỏi cần phát triển hơn nữa đội ngũ nhân viên y tế trình độ cao, chuyên khoa sâu. Đây là một trong những nhân tố cơ bản, quyết định sự phát triển bền vững của ngành y tế tỉnh nhà để đáp ứng nhu cầu KCB ngày càng cao của người dân”, bác sĩ Huỳnh Minh Chín nói.

 HOÀNG LINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=773
Quay lên trên