Ngành y tế TP.Thuận An: Cần được tháo gỡ khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ

Cập nhật: 21-02-2023 | 08:29:19

 Sau đại dịch Covid-19, ngành y tế Thuận An nhanh chóng bắt tay khôi phục các hoạt động khám, chữa bệnh nhưng lại đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Gói nợ phòng, chống dịch bệnh chưa trả, nhân viên y tế nghỉ việc không thể tuyển dụng thêm hệ điều dưỡng, xã hội hóa chưa có cơ sở pháp lý trong khi cơ sở vật chất, trang thiết bị xuống cấp, công tác mua sắm thuốc, hóa chất và vật tư y tế còn gặp rất nhiều khó khăn là những bất cập cần được các ngành, các cấp quan tâm tháo gỡ.

 Hiện Trung tâm Y tế TP.Thuận An đang thiếu lực lượng điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân

 E ngại trong đấu thầu

Trung tâm Y tế TP.Thuận An bao gồm bệnh viện hạng 2, có 6 phòng khám đa khoa khu vực và 10 trạm y tế xã, phường. Năm 2022 là năm nhiều khó khăn, thách thức đối với ngành y tế Thuận An nói riêng và ngành y tế tỉnh, cả nước nói chung. Với quyết tâm đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho người dân, trung tâm đã ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động khám, chữa bệnh, giảm thời gian chờ đợi cho bệnh nhân. Thống kê năm 2022 tại trung tâm, tổng số lần khám bệnh tăng 5,8% so với cùng kỳ; tổng số người điều trị nội trú tăng 5,8%; công suất sử dụng giường bệnh đạt 54%.

Thực trạng cơ sở vật chất khám, chữa bệnh của bệnh viện còn hạn chế, xuống cấp, chưa đáp ứng được quy mô, nhu cầu phát triển chuyên môn kỹ thuật và nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân. Sau đại dịch, cơ sở vật chất, trang thiết bị xuống cấp, hư hỏng. Công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị còn gặp nhiều khó khăn. Nhân lực của trung tâm thực hiện nhiệm vụ chuyên môn đã quá tải, kiến thức kinh nghiệm phục vụ công tác đấu thầu mua sắm vật tư y tế rất hạn chế, không bảo đảm thực hiện các gói thầu dẫn đến tâm lý sợ vi phạm trong mua sắm.

Việc xây dựng giá kế hoạch cho các hàng hóa gặp khó khăn do không tìm được giá phù hợp từ kết quả lựa chọn nhà thầu đã đăng tải trên cổng công khai của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Công tác xin báo giá từ các công ty cung ứng cũng gặp khó khăn. Các khâu thẩm định, phê duyệt chủ trương, phê duyệt dự toán, thẩm định giá, tư vấn hồ sơ mời thầu, tư vấn thẩm định hồ sơ... cũng gặp khó. Các đơn vị có liên quan trong đấu thầu mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế có tâm lý e ngại, sợ sai dẫn đến chậm tiến độ và khó thực hiện. Trang thiết bị y tế có giá trị như máy nội soi phục vụ cho công tác điều trị đã hư hỏng nhưng không tổ chức mua sắm, phục vụ bệnh nhân do vướng cơ chế đấu thầu, phải chờ đấu thầu tập trung.

Bác sĩ Huỳnh Thị Nguyệt Phương, Giám đốc Trung tâm Y tế TP.Thuận An, cho biết: “Sau chống dịch Covid-19, trung tâm khôi phục lại các hoạt động khám, chữa bệnh, vừa làm vừa đào tạo, vừa tìm nguồn thu để trả nợ và giữ chân y bác sĩ nên trong năm qua trung tâm chỉ giải quyết lương cơ bản, còn các chế độ, tăng thu nhập chưa được giải quyết”.

Cần được quan tâm tháo gỡ khó khăn

Hiện tại, tỷ lệ nghỉ việc tại Trung tâm Y tế TP.Thuận An đang gia tăng, chủ yếu với chức danh bác sĩ, điều dưỡng. Chức danh bác sĩ tạm thời đáp ứng đủ do trung tâm tuyển dụng được bác sĩ trẻ mới ra trường. Riêng chức danh điều dưỡng đang gặp rất nhiều khó khăn trong phân bổ, số lượng tuyển dụng không đáp ứng đủ, tỷ lệ theo học ngành điều dưỡng của các trường đào tạo ngành y không đáp ứng đủ nhu cầu xã hội. Trung tâm thực hiện phương án luân chuyển liên tục để đáp ứng kịp thời và bổ sung lực lượng điều dưỡng thiếu hụt. Tuy nhiên, đó chỉ là phương án tạm thời, về lâu dài sẽ giảm động lực làm việc của các điều dưỡng bởi họ không phát triển được nghề nghiệp, chỉ mặc định ở một chuyên khoa.

Trong khi đó các bệnh viện, phòng khám tư nhân trên địa bàn phát triển mạnh. Một số cán bộ chưa yên tâm công tác, các bệnh viện, phòng khám tư có nhiều chính sách thu hút cán bộ về làm việc tại đơn vị mình, dẫn đến tình trạng cán bộ y tế nghỉ việc để đến làm việc tại các bệnh viện tư nhân, đặc biệt là các bác sĩ có tay nghề cao. Nguyên nhân chính khiến cán bộ của đơn vị bỏ việc, xin thôi việc hoặc chuyển sang cơ sở y tế ngoài công lập chủ yếu là do thu nhập chưa bảo đảm.

Tại tuyến xã, phường, nhân lực trạm y tế lưu động đang hỗ trợ công tác cho trạm y tế cố định trong thời gian chờ thi biên chế để bổ sung vào nguồn nhân lực chính thức. Tuy nhiên, các quy định và hướng dẫn hợp đồng đối tượng này chỉ có hiệu lực đến hết tháng 12-2022, sau thời gian này đơn vị sẽ gặp khó khăn trong công tác quyết toán chi phí lương, phụ cấp. Cùng với đó là lộ trình phát triển bệnh viện hạng I quy mô 500 giường của trung tâm gây khó khăn về thiếu hụt nhân lực tại chỗ phục vụ công tác.

Bác sĩ Huỳnh Thị Nguyệt Phương, Giám đốc Trung tâm Y tế TP.Thuận An cho biết: Hiện đơn vị đang gặp 3 khó khăn lớn đó là: Nợ chưa trả, khu xã hội hóa chưa có cơ sở pháp lý và không thể tuyển dụng điều dưỡng nên hệ điều trị bệnh viện thiếu lực lượng chăm sóc người bệnh. Trung tâm mong muốn các cấp, các ngành tháo gỡ khó khăn cho trung tâm bằng cách hỗ trợ trả khoản nợ phòng, chống dịch bệnh với tổng số tiền khoảng 193 tỷ đồng; tháo gỡ đề án xã hội hóa khu điều trị nội trú theo yêu cầu để đơn vị triển khai các dịch vụ. Đặc biệt, ngoài lương cơ bản của Nhà nước, Chính phủ quy định chung cho cả nước thì tỉnh nên có cơ chế chính sách ưu tiên như Nghị quyết 05 của HĐND tỉnh đã ban hành. Hiện Nghị quyết 05 không còn phù hợp bởi thời điểm này ngành y tế đang thiếu điều dưỡng chăm sóc và lực lượng tại chỗ trong khi Nghị quyết 05 chỉ hỗ trợ thu hút bác sĩ từ các tỉnh khác đến, còn lực lượng tại chỗ và hệ điều dưỡng chưa có chính sách khuyến khích, động viên. Do đó dẫn đến thực trạng thiếu điều dưỡng, lực lượng y bác sĩ tại chỗ bỏ bệnh viện công, đầu quân cho các đơn vị y tế tư nhân.

 KIM HÀ - DƯƠNG HUYỀN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên