“Ngáo đá”, hậu quả khó lường

Cập nhật: 29-12-2022 | 08:44:04

Một trong những giải pháp mà các ban ngành đưa ra nhằm chủ động trong công tác phòng chống tội phạm thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán là tăng cường quản lý các đối tượng nghiện, phòng ngừa các trường hợp “ngáo đá” gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự ở địa phương. Thực tế thời gian qua có không ít trường hợp “ngáo đá” quậy phá khiến người dân lo lắng.

Theo khuyến cáo của Cảnh sát phòng chống tội phạm về ma túy Công an tỉnh, thời gian gần đây đối tượng nghiện ma túy có xu hướng trẻ hóa, sử dụng ma túy tổng hợp gây ức chế thần kinh nên rất dễ rơi vào tình trạng “ngáo đá” và có những hành động ảnh hưởng đến người khác. Đáng lo ngại là tình trạng người nghiện ma túy có xu hướng chuyển từ sử dụng các chất ma túy có nguồn gốc tự nhiên như thuốc phiện, heroin sang sử dụng các loại ma túy tổng hợp có đặc tính gây nghiện cao, độc tính mạnh tác động lên hệ thần kinh người nghiện, gây ức chế thần kinh trung ương làm cho người sử dụng bị ảo giác, mất khả năng kiểm soát và điều khiển hành vi, từ đó người sử dụng ma túy bị loạn thần “ngáo đá” gây những hành vi vô cùng nguy hiểm cho xã hội.

Tại Bình Dương, trong những năm qua có sự gia tăng dân số cơ học, kéo theo đó cũng gia tăng về đối tượng nghiện. Họ tập trung chủ yếu ở địa bàn có nhiều khu, cụm công nghiệp, nơi tập trung nhiều nhà trọ công nhân và các địa bàn giáp ranh. Qua công tác phòng chống tội phạm cho thấy chính các đối tượng phạm tội về ma túy và người nghiện là nguồn đối tượng chủ yếu gây ra các vụ án ma túy, hình sự nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng làm mất an ninh trật tự địa bàn, xâm hại cuộc sống bình yên của quần chúng nhân dân.

Đối với thực trạng người sử dụng ma túy bị ‘ngáo đá’, theo thống kê từ năm 2019 đến tháng 4-2021 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 53 trường hợp đối tượng “ngáo đá” thực hiện hành vi như khỏa thân đi lại nơi công cộng; la hét đe dọa mọi người, dùng dao, gậy đuổi đánh người đi đường, leo lên trụ điện cao thế, nhà cao tầng; xâm phạm nơi ở, nơi làm việc; khóa cửa cố thủ trong nhà, mở bình gas dọa đốt nhà, đốt xe và tấn công người thân trong gia đình… Những hành vi vi phạm pháp luật nêu trên đã gây tâm lý hoang mang lo sợ cho quần chúng nhân dân.

Để hạn chế tình trạng này, thiết nghĩ các ngành chức năng, địa phương và mỗi gia đình cần chú trọng hơn trong việc quản lý, giáo dục đối tượng thanh thiếu niên. Tăng cường công tác tuyên truyền và thực hiện các biện pháp phòng ngừa để mỗi gia đình, phường, xã là một “pháo đài” trước tội phạm ma túy có diễn biến phức tạp như hiện nay.

L.T.PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên