Ngập tràn tinh hoa văn hóa miền Đông

Thứ sáu, ngày 03/07/2020

(BDO) Với chủ đề “Miền Đông Nam bộ - Hội tụ tỏa sáng”, hội diễn “Tiếng hát miền Đông” lần thứ 19 - năm 2020 do Cục Văn hóa cơ sở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa tổ chức đã hội tụ những tinh hoa văn hóa riêng của mỗi địa phương, góp phần tạo nên bức tranh đa sắc màu tuyệt đẹp về văn hóa miền Đông Nam bộ.


Gian hàng triển lãm “Sắc màu miền Đông Nam bộ” của Bình Dương thu hút đông du khách đến tham quan

Gìn giữ, phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống

Hội diễn “Tiếng hát miền Đông” lần thứ 19 - năm 2020 là một sự kiện văn hóa - nghệ thuật của khu vực được tổ chức để chào mừng kỷ niệm các ngày lễ trọng đại của đất nước: Kỷ niệm 44 năm ngày Thành phố Sài Gòn - Gia Định chính thức vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, hướng tới chào mừng kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám thành công, Quốc khánh 2-9 và đặc biệt chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Hội diễn quy tụ gần 400 diễn viên đến từ 8 tỉnh, thành phố gồm: Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP.Hồ Chí Minh. Mỗi đoàn nghệ thuật tham dự hội diễn với một chương trình nghệ thuật ca múa nhạc thời lượng từ 30 đến 35 phút với nội dung ca ngợi sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ; ca ngợi tình yêu quê hương đất nước và tình yêu con người; truyền thống đấu tranh anh dũng, hào hùng của quê hương, con người Đông Nam bộ. Các chương trình còn thể hiện những thành tựu trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, những giá trị truyền thống, văn hóa tốt đẹp của từng địa phương trong khu vực.

Theo ông Nguyễn Công Trung, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hội diễn là hoạt động “thắp lửa” sân khấu có quy mô lớn mở đầu giai đoạn thiết lập trạng thái bình thường mới được tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh. Với tài năng và niềm đam mê, các đoàn nghệ thuật đem đến cho khán giả nhiều chương trình, tiết mục đặc sắc, thể hiện tốt nội dung, mục đích hội diễn đề ra, tạo không khí vui tươi, phấn khởi và ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách và nhân dân TP.Hồ Chí Minh.

Hội diễn được tổ chức với mục đích góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống dân gian dân tộc; tôn vinh, phổ biến những giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa của từng địa phương nói riêng và khu vực miền Đông Nam bộ nói chung. Đặc biệt, phát huy giá trị các loại hình di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO ghi nhận, tôn vinh. Dù vậy, các tiết mục biểu diễn không hề khô cứng. Chưa kể các tỉnh, thành khi xây dựng chương trình đều mang đến sự đa sắc với nhiều loại hình biểu diễn.

Ấn tượng về một Bình Dương năng động

Miền Đông Nam bộ nói chung và Bình Dương nói riêng là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, có bề dày lịch sử và những chiến công hiển hách trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Con người miền Đông anh dũng kiên cường trong kháng chiến, hào hiệp, nghĩa khí, giàu lòng nhân ái và tài năng trong xây dựng quê hương đất nước. Miền Đông Nam bộ - đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống, phong phú đa dạng về các loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian dân tộc. Nơi hội tụ những tinh hoa văn hóa các vùng miền trong tiến trình giao lưu, hội nhập và phát triển.

Với tinh thần giao lưu, học hỏi, Bình Dương đã tạo nhiều ấn tượng với người dân TP.Hồ Chí Minh và du khách với chương trình tham gia hội diễn mang tên “Từ quá khứ vươn tới tương lai”, gồm 5 tiết mục: Hát múa “Tiếng vọng từ quá khứ”, đơn ca “Quê hương một khúc dân ca”, múa “Xây nên những ước mơ”, tốp ca nam “Quê hương ngày mới”, hát múa “Thành phố ước mơ”. Bên cạnh đó, Bình Dương còn tham gia Hội thi nhảy hiện đại “Nhịp điệu trẻ miền Đông Nam bộ” với tiết mục “Love story” và gian hàng triển lãm “Sắc màu miền Đông Nam bộ”.

Anh Tống Gia Bảo (TP.Hồ Chí Minh) chia sẻ, những thông tin về Bình Dương luôn được anh đặc biệt quan tâm bởi ở đây có nhiều sản phẩm làng nghề truyền thống và heo đất còn là một kỷ niệm ấu thơ khó quên của anh về vùng đất này. Còn với chị Huỳnh Thị Xuân, du khách đến từ Đồng Nai: “Bình Dương ngày càng phát triển và năng động. Khi về Bình Dương du lịch tại các vườn cây ăn trái, gia đình chị đã có những phút giây sum họp thật vui vẻ bởi khung cảnh thơ mộng và những món ăn đặc sản ngọt lành như măng cụt, sầu riêng, chôm chôm… Và chị thật bất ngờ khi nhìn thấy những hình ảnh đó cùng những công trình kiến trúc hiện đại khi thưởng thức chương trình nghệ thuật của Bình Dương tại hội diễn”.

Những lời ca, tiếng hát và những sản phẩm làng nghề truyền thống của Bình Dương với những nét đặc trưng riêng đã thực sự mang đến những cung bậc cảm xúc và lắng đọng trong lòng du khách. Hy vọng rằng, với những ấn tượng này, du khách sẽ đến với Bình Dương nhiều hơn để cùng thưởng ngoạn nhiều loại hình du lịch sinh thái đầy hấp dẫn của vùng “đất lành chim đậu” này.

 THỤC VĂN