Ngày 13-4-1954, Bộ chỉ huy Chiến dịch ra Chi thị cho các đại đoàn về chiến thuật đánh lấn của các đơn vị nhỏ.
Quân đội ta áp dụng thành công chiến thuật "đánh dúi", đào chiến hào, bí mật áp sát vào tận sâu trong đồn địch đến quân Pháp có cảm giác bộ đội ta như "từ dưới đất chui lên" ngay giữa đồn địch.
Bộ Chỉ huy chiến dịch ra chỉ thị về chiến thuật đánh lấn của các đơn vị nhỏ
Trước đó, tại Hội nghị tham mưu trưởng các đại đoàn và trung đoàn, mọi người “rất chú ý đến kinh nghiệm của Trung đoàn 36 dùng phương pháp đánh lấn bằng đơn vị nhỏ, tiêu diệt vị trí 106. Anh em đã đặt sơn pháo ở Bản Kéo, diệt dần từng ụ súng, từng lô cốt địch ở vành ngoài cứ điểm 106, rồi bất thần xung phong vào đồn. Hơn trăm tên địch trở tay không kịp. Quân ta nhanh chóng làm chủ vị trí”. (1)
Qua trao đổi và từ thực tế kinh nghiệm trận tiêu diệt vị trí 106 của Trung đoàn 36 cũng như kinh nghiệm hoạt động của bộ đội những ngày gần đó vừa xây dựng công sự tiếp cận, vừa bộc phá một số hàng rào và đánh sập lô cốt địch ở các vị trí 105 và 206, khái niệm về dùng đơn vị nhỏ “đánh lấn” trong công kiên có tính chất trận địa ngày càng hình thành rõ nét và có cơ sở lý luận.
Theo đó ngày 13/4/1954, Bộ chỉ huy Chiến dịch ra Chỉ thị cho các đại đoàn về chiến thuật đánh lấn của các đơn vị nhỏ.
Trong sách “Đại tướng Hoàng Văn Thái với chiến dịch Điện Biên Phủ” ghi rõ: “với kết quả thảo luận trong hội nghị tham mưu và được Bộ Chỉ huy chiến dịch đồng ý, ngày 13 tháng 4 chúng tôi ra chỉ thị cho các đại đoàn về chiến thuật đánh lấn của các đơn vị nhỏ. Đến khi Đảng ủy mặt trận quyết định trao cho Trung đoàn 88 thay Trung đoàn 165 đánh vị trí 105 và trao cho Trung đoàn 36 đánh vị trí 206, chúng tôi lại trao đổi với các đại đoàn 308 và 312 về vận dụng cách “đánh lấn” các mục tiêu trên. (2)
Bị tấn công, địch ở các vị trí khu đồi C chạy toán loạn, chiến sĩ xung kích của ta ở dưới các giao thông hào dùng súng trường bắn tỉa địch.
Từ “đánh lấn” trở thành một từ được dùng chính thức để xác định một hình thức chiến thuật trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, thực hiện phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, bộ đội ta đã sáng tạo ra cách đánh vây lấn - một hình thức chiến thuật tiến công địch phòng ngự trong công sự kiên cố bằng cách bao vây, đánh lấn từng bước, tiêu hao, phá hoại và lấn chiếm từ vòng ngoài vào tung thâm, làm cho địch suy yếu dần, tiến tới tiêu diệt toàn bộ chúng.
Máy bay địch không dám bay thấp để thả dù vì sợ các đơn vị cao xạ của ta tiêu diệt
Cùng ngày 13/4/1954, vào hồi 15 giờ, một máy bay oanh tạc B.26 của địch thả bom nhầm vào vị trí quân Pháp, ngay gần sở chỉ huy của De Castries (Đờ Cát), làm nổ tung một kho đạn và chết nhiều binh lính.
Sau 2 đợt tiến công của ta, Bộ Chỉ huy Pháp đã thấy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đứng trước nguy cơ có thể bị tiêu diệt. Mọi cố gắng của Pháp và Mỹ sau đó cũng không cứu vãn được tình thế nguy kịch. Bị pháo binh, cao xạ của ta khống chế chặt chẽ, không một máy bay nào của địch có thể hạ cánh xuống Mường Thanh.
Chiến sĩ pháo cao xạ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị xung kịch, đánh trả quyết liệt máy bay địch.
Địch chỉ còn một cách duy nhất là thả quân, thả hàng xuống Điện Biên Phủ bằng dù. Nhưng biện pháp này vô cùng tốn kém và hiệu suất thấp vì vấp phải lưới lửa phòng không của ta. Các máy bay địch không dám bay thấp để thả dù vì dễ bị các đơn vị cao xạ của ta tiêu diệt. Chúng buộc phải thả dù từ trên cao. Bay cao tuy an toàn hơn nhưng phần lớn dù thả xuống lại rơi vào khu vực trận địa vây lấn của ta. Như ngày 13/4, máy bay B.26 của địch đã thả nhầm bom vào vị trí của chúng. Trong Hồi ký “Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ghi rõ: “Cái khó của những viên phi công không chỉ ở riêng lưới lửa cao xạ mỗi ngày một tập trung hơn, mà còn ở vị trí đôi bên đối địch đã quá gần nhau”.
[Nguồn: TTXVN;
(1), (2): Đại tướng Hoàng Văn Thái với chiến dịch Điện Biên Phủ, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2024, tr. 297, 298]
Theo TTXVN