Ngày 15-4-1975: Ác liệt mặt trận Phan Rang, Xuân Lộc

Cập nhật: 15-04-2015 | 08:20:13

Ngày 14-4-1975, Sư đoàn 3 thuộc Quân khu 5, Trung đoàn 25 của B3 tiến công TX.Phan Rang. Trung đoàn 2, chiếm quận lỵ Du Long và các điểm cao 105, 300, Ba Râu, Suối Vàng, Suối Đá. Trung đoàn 25 chiếm một số cứ điểm ngoại vi sân bay Thành Sơn và đánh bại các đợt phản kích của địch.

 

Bộ đội đánh chiếm Dinh tỉnh trưởng Phan Rang lúc 9 giờ 30 phút, ngày 16- 4-1975, đập tan “lá chắn thép” Phan Rang của địch, mở đường tiến quân về giải phóng Sài Gòn

 

Ngày 15-4-1975, chiến sự tại Phan Rang diễn ra ác liệt. Trung đoàn 2 đánh bật địch ra khỏi các vị trí Kiền Kiền, Ba Tháp. Trung đoàn 25 giữ vững vị trí ở ngoại vi sân bay Thành Sơn. Ngày 16- 4-1975, quân giải phóng đồng loạt tiến công phòng tuyến Phan Rang, tiêu diệt và làm tan rã hơn một vạn quân địch, thu nhiều vũ khí và phương tiện chiến tranh, trong đó có các máy bay A37 còn nguyên vẹn.

Tại mặt trận Xuân Lộc, từ ngày 15-4-1975 Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4 tập trung lực lượng chuyển hướng đánh chiếm ngã ba Dầu Giây và núi Thị, uy hiếp Sở chỉ huy tiền phương Quân đoàn 3 ngụy ở Trảng Bom, đánh quân ngụy phản kích ở Biên Hòa, Trảng Bom, đồng thời pháo kích mạnh chế áp sân bay Biên Hòa. Phòng tuyến Xuân Lộc mất tác dụng vì đã bị nằm ngoài hệ thống phòng thủ. Điểm phòng thủ Biên Hòa trở nên trơ trọi, thiếu lực lượng bảo vệ. Ngày 18-4,Quân đoàn 3 ngụy buộc phải bốc một phần lực lượng từ Xuân Lộc về Biên Hòa, số quân còn lại ở Xuân Lộc không còn đủ sức chống lại các cuộc tiến công của Sư đoàn 7 và Sư đoàn 341, nên ngày 20-4, buộc phải tháo chạy khỏi Xuân Lộc. Tuyến phòng ngự mạnh nhất của quân ngụy được mệnh danh là “cánh cửa thép” bảo vệ Sài Gòn đã bị đập tan. Ngày 23-4, Tổng thống Mỹ đành phải tuyên bố: “Chiến tranh đã kết thúc với Mỹ”. Cánh cửa phía đông đã được mở rộng áp sát vào Biên Hòa cho Quân đoàn 2, Quân đoàn 4 và Sư đoàn 3 (Quân khu 5) tiến vào Sài Gòn.

Ngày 15-4-1975: Đột phá tuyến phòng ngự Phan Rang

Trong đêm 15-4-1975, toàn bộ lực lượng của Sư đoàn 325 đã triển khai trên đường số 1, chuẩn bị tiếp tục đột phá vào tuyến phòng ngự Phan Rang theo hướng đường số 1.

Tại chiến dịch Xuân Lộc - Long Khánh, sáng ngày 15-4-1975, ta sử dụng pháo binh bắn vào sân bay Biên Hòa. Cùng lúc, Sư đoàn 6 và Trung đoàn 95A tập trung tiêu diệt Chiến đoàn 52 ngụy ở Dầu Giây, thu 12 khẩu pháo và toàn bộ xe tăng của Chi đoàn 3 thiết giáp của địch. Quốc lộ 1A từ Xuân Lộc đến Bàu Cá bị cắt đứt. Quốc lộ 20 từ ngã ba Dầu Giây lên Túc Trưng ta đã làm chủ hoàn toàn.

V.H (tổng hợp)

 

Vào những ngày cuối tháng 4-1975, thời điểm “đêm trước” chiến dịch Hồ Chí Minh, trận quyết chiến chiến lược là thần tốc, tiến công kiên quyết, dứt khoát, giải quyết triệt để chế độ do Mỹ dựng lên đã tồn tại hơn 20 năm, không được phép ngập ngừng, không còn chỗ dừng lại để gọi là thương lượng. Phải huy động sức mạnh tổng hợp, biện pháp tổng hợp của chiến tranh nhân dân, nhiệm vụ của các lực lượng tại chỗ lúc này là góp sức tạo mọi điều kiện thuận lợi về chính trị, quân sự nhằm tránh, giảm thương vong trong lực lượng vũ trang cũng như trong dân thường, ngăn chặn mọi hoạt động của đối phương phá hoại vật chất, gieo rắc hoang mang trong những giờ phút cuối cùng của cuộc chiến. Tình thế đặt ra yêu cầu cụ thể là phải gạt bỏ “Chính phủ Thiệu không có Thiệu” đang ngoan cố hô hào “tử thủ đến giọt máu cuối cùng”, lập ra một chính phủ, chấp nhận không chống cự, hòa giải, hòa hợp dân tộc. Định hướng này đã được Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam công bố, đến giờ phút này trở thành mục tiêu vận động trước mắt của cách mạng và các nhóm, cá nhân yêu nước đang hướng về Mặt trận Dân tộc giải phóng - Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Nửa đầu tháng 4-1975, chiến trận ngày càng sôi động và áp sát vào Sài Gòn. Thượng tuần tháng 4, các quân đoàn từ miền Bắc, miền Trung và Tây nguyên đã có mặt tại các vị trí tập kết xung quanh, sẵn sàng chờ lệnh mở chiến dịch cuối cùng giải phóng Sài Gòn.

Để ngăn chặn lực lượng ta, quân ngụy bố trí phần lớn Sư đoàn 5 trên hướng Bình Dương - bắc Sài Gòn. Trong đó, Trung đoàn 7 của Sư đoàn 5 ngụy đảm trách phòng thủ phía đông và đông bắc Lai Khê, từ Phước Vĩnh dài xuống đến Ba Lê, Chánh Lưu. Bộ chỉ huy dã chiến Trung đoàn 7 ở Phước Vĩnh cùng với Tiểu đoàn 2 của trung đoàn, Tiểu đoàn 1 tiếp tục án ngữ tại Phước Hòa cùng Liên đoàn 937 địa phương quân. Quân ngụy bám dọc đường 14 bung ra càn quét ngăn chặn các hoạt động của ta.

Tháng 4-1975, trước tình hình địch còn ngoan cố bám giữ Phước Vĩnh, Phước Hòa, huyện Phú Giáo tăng cường 8 cán bộ, chiến sĩ của Đại đội 301 cho xã, kết hợp với bộ đội trinh sát của Quân khu liên tục tấn công đơn vị địa phương quân ngụy ở lô 9, lính dân vệ ở Nhà Bò, đẩy mạnh công tác binh địch vận, nhằm khống chế bọn địch tại đây, tạo bàn đạp thuận lợi cho các cánh quân chủ lực từ hướng tây bắc tiến về Sài Gòn.

• HÀ THĂNG (Nguyên Trưởng phòng Lịch sử Đảng - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=2872
Quay lên trên