Sau khi mất cứ điểm 105 ở phía Bắc, thực dân Pháp vừa tập trung lực lượng mở nhiều cuộc phản kích hòng chiếm lại cứ điểm đã mất, vừa tổ chức cho nhiều đơn vị và phương tiện chiến tranh tăng cường cho tuyến phòng ngự ở ngã tư sân bay Mường Thanh. Nhằm đập tan thế phòng ngự của địch, ngày 20/4/1954, các đơn vị của ta đánh bại nhiều đợt phản kích của địch, mở rộng trận địa xuyên qua hàng rào dây thép gai ở vị trí cuối cùng phía Tây sân bay Mường Thanh và đánh sập một số lô cốt bảo vệ các cứ điểm.
Anh hùng quân đội Nguyễn Quốc Trị (bên phải) cùng các chiến sĩ nổ súng tấn công sân bay Mường Thanh.
Chuẩn bị trận địa đánh chiếm sân bay Mường Thanh, triệt hẳn đường tiếp tế và tiếp viện của địch
Cứ điểm 105 (Huyghét 6) là một trong những cứ điểm quan trọng, được thực dân Pháp bố trí ở phía Bắc sân bay Mường Thanh, bảo vệ và khống chế khu vực tương đối rộng, nhằm ngăn chặn các cuộc tiến công của ta. Sau một thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt, Tổng Quân ủy quyết định sử dụng một số trung đoàn của Đại đoàn 308 và Đại đoàn 312 tiến công cứ điểm 105.
Phát huy kinh nghiệm đánh lấn, đêm ngày 18/4/1954, Trung đoàn 165 tiêu diệt cứ điểm 105 bảo vệ phía Bắc sân bay Mường Thanh. Như vậy, cứ điểm cuối cùng ở đầu Bắc sân bay Mường Thanh của địch không còn tồn tại.
Sau khi mất cứ điểm 105 ở phía Bắc, thực dân Pháp vừa tập trung lực lượng mở nhiều cuộc phản kích hòng chiếm lại cứ điểm đã mất, vừa tổ chức cho nhiều đơn vị và phương tiện chiến tranh tăng cường cho tuyến phòng ngự ở ngã tư sân bay Mường Thanh. Nhằm đập tan thế phòng ngự của địch, ngày 20/4/1954, các đơn vị của ta đánh bại nhiều đợt phản kích của địch, mở rộng trận địa xuyên qua hàng rào dây thép gai ở vị trí cuối cùng phía Tây sân bay và đánh sập một số lô cốt bảo vệ các cứ điểm.
Để thực hiện nhiệm vụ tiêu diệt vị trí cuối cùng ở phía Tây và đánh chiếm sân bay Mường Thanh, triệt hẳn tiếp tế và tiếp viện của địch, lãnh đạo, chỉ huy hai Đại đoàn 308 và Đại đoàn 312 quyết tâm cùng động viên các đơn vị tham gia đào hào chia cắt sân bay địch hoàn thành mục tiêu trước kế hoạch.
“Quân ta khẩn trương xây dựng trận địa ngày càng tiến sát gần địch, có nơi chỉ cách hàng rào cứ điểm chừng 10 mét. Các điểm cao phía Đông ta chiếm được, nhất là đồi D1, đã trở thành cứ điểm phòng ngự mạnh để đánh địch phản kích và cũng là trận địa xuất phát tiến công của ta. Hoả lực súng cối, sơn pháo của ta trên các điểm cao này luôn uy hiếp quân địch ngày đêm.”
“Đại đoàn 312 đã xây dựng hệ thống trận địa ngày càng tiến gần vị trí địch. Các chiến sĩ Đại đoàn ngày đêm giữ vững từng tấc đất trên các điểm cao E, D, C. Những trận địa phòng ngự được củng cố, công sự, hào giao thông, hào chiến đấu, ụ súng, vị trí dự bị. Đài quan sát D1 trở thành cứ điểm phòng ngự mạnh của Đại đoàn có trận địa hỏa lực cho sơn pháo và súng cối với công sự kiên cố. Có nơi ta và địch chỉ cách nhau từ 10 đến 12m. Có chiến sĩ bắn tỉa một mình dùng ba loại súng...
Từ kinh nghiệm bắn tỉa của Trung đoàn 36 thuộc Đại đoàn 308 phát triển lên thành chiến thuật đánh lấn. Một trong những trận tiêu biểu của chiến thuật đánh lấn là trận tiến công cứ điểm 206 (một cứ điểm ở sát sân bay) của Trung đoàn 36 vào đêm ngày 22/4/1954.”
Trong khi đó, “các chiến sĩ Trung đoàn 36 thuộc Đại đoàn 308, cũng bắt đầu gặp một khó khăn mới. Chiến hào vào gần cứ điểm thì "con cúi" giảm tác dụng, nó không ngăn được hỏa lực lướt sườn cũng như lựu đạn từ trong đồn ném ra và còn làm lộ vị trí của bộ đội. Một số chiến sĩ bị thương. Tốc độ đào chiến hào chậm hẳn lại. Mấy chiến sĩ tân binh, vốn là du kích ở địch hậu, đề nghị cho đào dũi, khoét ngầm dưới mặt đất vào tới lô cốt địch, vừa giảm thương vong vừa giữ được bí mật. Lúc đầu, cán bộ ngại làm theo cách này sẽ kéo dài thời gian chuẩn bị. Nhưng khi cho một tổ đào thử, thấy không chậm hơn đào chiến hào lộ thiên, vì có thể đào cả ban ngày. Phương án đào dũi được chấp nhận, tuy có vất vả, nhưng tránh được thương vong.”
“Khi vòng vây của quân ta áp sát sân bay, Bộ Chỉ huy Chiến dịch phán đoán: Khi ta đánh vào bất cứ điểm nào xung quanh sân bay, thế nào địch cũng phản kích. Bộ Chỉ huy chủ trương dùng hỏa lực thật mạnh đánh bọn phản kích. Đồng chí Vương Thừa Vũ được giao nhiệm vụ chỉ huy chung hỏa lực đánh địch phản kích, Chỉ huy phó là đồng chí Đàm Quang Trung.
Cụm hỏa lực gồm có năm đại đội lựu pháo, tất cả hỏa lực súng cối của hai Đại đoàn 308, 312 và hai trung đoàn bộ binh. Kế hoạch hiệp đồng giữa pháo binh và bộ binh được tổ chức thống nhất. Các đại đội pháo tính toán xong địa điểm thì bắn vào các ngã ba, đường cơ động và vị trí tập kết của địch. Chỉ huy phó Đàm Quang Trung và các tiểu đoàn trưởng pháo lên đỉnh Hồng Lếch chỉ thị từng mục tiêu trên thực địa.
Chập tối ngày 20/4/1954, đại đội lựu pháo 803, theo kế hoạch đã thống nhất với Hồng Sơn - Trung đoàn trưởng Trung đoàn 36, bắn 20 phát vào cứ điểm 206. Trung đoàn trưởng Trung đoàn 36 lệnh cho đơn vị hò hét xung phong, nhưng thực ra đó là xung phong giả, còn anh em vẫn tiếp tục đào hào lấn dần vào hàng rào địch.”
Bộ đội ta tấn công các vị trí xung yếu của địch trên đồi A1, ngày 6/5/1954.
Đào đường hầm ngầm để đặt bộc phá trên đồi A1
Sau nhiều ngày tích cực đào hào chuẩn bị cho đợt tiến công thứ 3, “chiến hào của các đơn vị tiếp cận địch đến mức cán bộ và chiến sĩ thuộc địa hình cứ điểm sắp tiến công như địa hình một đồn địch đắp trên thao trường đã qua nhiều lần diễn tập.
Công phu hơn cả là việc chuẩn bị đánh vào hầm ngầm trên đồi A1. Anh em cán bộ đã đặt cho vị trí này một cái tên rất khá đúng: Cái đinh của tập đoàn cứ điểm. Một cái đinh mà địch quyết chốt chặt, còn ta quyết nhổ đi bằng được. Cho đến khi đợt tiến công thứ ba bắt đầu, ta và địch đã trải qua một tháng giành giật nhau từng tấc đất trên điểm cao này. Đối với địch, đồi Al còn thì tập đoàn cứ điểm còn. Đối với ta, diệt đồi A1 để mở đường tiêu diệt toàn bộ quân địch còn sống sót trong tập đoàn cứ điểm.”
“Sau bốn lần tiến công vẫn không chiếm được đồi A1, Chỉ huy trưởng chiến dịch, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhiều lần trao đổi trong Cơ quan Tham mưu về cao điểm này. Một người dân địa phương trước đây tham gia xây dựng ngôi nhà trên đồi A1 kể lại: Đó là một ngôi nhà tuy kiên cố nhưng không có gì là đặc biệt, khi mới xây không có hầm ngầm.
Nghe bộ đội tả lại căn hầm, người này cho rằng có thể quân Nhật trong thời gian đóng ở Điện Biên Phủ đã xây dựng căn hầm này đề phòng máy bay Mỹ ném bom, hoặc có thể quân Pháp đã cải tạo hầm đựng rượu cũ thành hầm ngầm. Về sau mới biết, trong hai tháng xây dựng công sự, quân Pháp đã dùng những gạch, đá từ ngôi nhà trên đồi, biến hầm rượu thành một căn hầm trú ẩn tương đối kiên cố với rất nhiều đất đổ bên trên...
Bộ Chỉ huy chiến dịch chỉ thị cho Cục Quân báo tiến hành nắm chắc hệ thống hầm ngầm tại A1. Theo chỉ đạo của Cục Quân báo, đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo, Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 122 dẫn một tổ trinh sát tiềm nhập, điều tra, xác định vị trí hầm ngầm địch cố thủ tại đồi A1. Tổ trinh sát đã phát hiện rõ hầm ngầm của địch; đưa đến quyết tâm của Bộ Chỉ huy chiến dịch là: muốn tiêu diệt được A1 phải bí mật đưa bộc phá vào đánh đúng hầm ngầm, diệt được hầm ngầm mới diệt được A1.
Công binh đề nghị đào một đường hào men theo đường 41, tách rời A1 với A3, cũng là cắt đứt đường tăng viện của quân Pháp. Trung đoàn 174 đề nghị đào thêm một đường hầm từ trận địa tại A1 tới dưới hầm ngầm, đưa bộc phá với số lượng lớn vào đặt rồi cho nổ. Công binh của đơn vị tính toán sẽ hoàn thành công trình này trong vòng 14 ngày và bảo đảm đào đúng hướng.
Đơn vị thực hiện nhiệm vụ đào hầm ngầm và đánh bộc phá là Đại đội công binh M83 của Trung đoàn công binh 151 thuộc Đại đoàn công - pháo 351. Một đội đặc biệt gồm 25 cán bộ, chiến sĩ do đồng chí Nguyễn Phú Xuyên Khung, cán bộ công binh của Bộ, trực tiếp chỉ huy, đã tiến hành công việc ngay trước mũi súng quân Pháp và trong tầm kiểm soát của lựu đạn địch.
Bộ đội ta tấn công các vị trí xung yếu của địch trên đồi A1, ngày 6/5/1954.
Đêm ngày 20/4/1954, công việc đào hầm ngầm bắt đầu. Mọi người phải làm trong tư thế ngồi nghiêng như móc hàm ếch. Để đảm bảo bí mật, an toàn, công việc ngụy trang cửa hầm được làm rất công phu. Ngoài cửa hầm có mái che phủ đất để vừa chống lựu đạn và mảnh pháo từ trên cao ném xuống vừa che mắt địch. Đất đá đào ra đều cho vào bao dù đưa ra ngoài, sau khi đổ còn ngụy trang rất kỹ.
Đất đồi A1 cực kỳ rắn, Tiểu đội trưởng Lưu Viết Thoảng lựa chọn một tổ công binh khỏe nhất mở cửa hầm. Cả đêm đầu chỉ khoét được vào vách núi mỗi chiều 90cm. Quân Pháp không ngừng bắn súng và ném lựu đạn, khiến ba chiến sĩ ta bị thương. Bản thân Tiểu đội trưởng Lưu Viết Thoảng cũng bị ngất vì sức ép. Và ba đêm mới đào xong cửa hẩm.
Khi đào sâu vào lòng núi được 10m, lực lượng ta phải đối mặt thêm khó khăn: Thiếu không khí, đèn, đuốc mang vào hầm đều bị tắt, số đất moi từ lòng núi ra ngày càng nhiều trong khi lại không được để cho quân Pháp phát hiện. Các chiến sĩ phòng ngự tại A1 đã có kế hoạch chiến đấu không cho quân Pháp tiến xuống cửa hầm. Càng đào vào sâu, công việc càng khó khăn vì vừa thiếu ánh sáng vừa thiếu không khí, nên bộ đội phải liên tục thay nhau ra ngoài để thở. Trên chiến hào, nơi nào thuận lợi có thể quan sát địch, ta đều bố trí lực lượng bắn tỉa, một tổ chừng bốn đến năm người yểm trợ thêm cho công binh đào hầm.
Đường hầm khi hoàn thành dài tới 82 mét và dẫn lên tận đỉnh đồi A1, nơi đặt khối bộc phá 1.000kg. Phần lớn lòng đường hầm rất nhỏ hẹp, chỉ đủ cho một người lách trườn lên.”
Trong khi đó, “Tướng Navarre (Nava) gửi về Pháp bản báo cáo tình hình quân sự ở Đông Dương. Theo Navarre (Nava), cuộc tổng phản công của ta đã diễn ra sớm 8 tháng trước thời hạn đã dự kiến. Tướng Navarre (Nava) đề nghị với chính phủ Pháp hoặc ngừng bắn trước khi thương lượng, hoặc thương lượng mà không ngừng bắn, trong lúc đó thì tích cực chuẩn bị một quân đoàn tác chiến mới, người của Pháp, trang bị và tiền của Mỹ, để tiến hành một cuộc chiến tranh mới bằng những phương tiện khổng lồ...”
Phối hợp với chiến trường Điện Biên Phủ:
“Tại đồng bằng Bắc Bộ, bộ đội ta phục kích trên đường 5, gần Như Quỳnh (Hưng Yên) tiêu diệt 1 tiểu đoàn địch thuộc GM3, thu 85 súng trường; 25 trung, tiểu liên; phá hủy 3 xe tăng của địch.”
Theo TTXVN