Ngày 29-4-1975: Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương chỉ thị tiếp tục tiến công giải phóng Sài Gòn theo kế hoạch

Cập nhật: 29-04-2015 | 07:53:51

 Ở hướng bắc, trên địa bàn Thủ Dầu Một, ngày 29-4, Sư đoàn 312 thuộc Quân đoàn 1 đưa Trung đoàn l65 áp sát căn cứ Phú Lợi, Trung đoàn 209 triển khai trận địa chốt chặn trên đường 13. Sư đoàn 320B làm nhiệm vụ thọc sâu, bị địch ngăn chặn gần Tân Uyên, phải sử dụng Tiểu đoàn l thuộc Trung đoàn 48 và Tiểu đoàn 4 thuộc Trung đoàn 27 luồn về phía sau đánh tan Tiểu đoàn 316 bảo an chốt giữ Tân Uyên, mở đường cho hai cánh tiến về Lái Thiêu.

Quân giải phóng tiến vào giải phóng huyện lỵ Lái Thiêu

 

10 giờ sáng ngày 29-4, ngay sau khi nhận tin Dương Văn Minh lên làm Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đã ra chỉ thị do đồng chí Lê Duẩn ký gửi các đồng chí Lê Đức Thọ, Phạm Hùng, Văn Tiến Dũng, Trần Văn Trà, Lê Trọng Tấn: “Lệnh cho bộ đội ta tiếp tục tấn công giải phóng Sài Gòn theo kế hoạch đã định”.

Tại mặt trận hướng đông nam, lúc 5 giờ 30 Sư đoàn 304 của Quân đoàn 2 tiến công làm chủ căn cứ Nước Trong và ngã ba Long Bình. 10 giờ, Trung đoàn 9 chiếm ngã ba đường 15, sau đó toàn bộ Sư đoàn 304 theo đường 15 chiếm cầu Sông Buông, căn cứ Long Bình. Cùng lúc, Trung đoàn 46 của Sư đoàn 325 dứt điểm các mục tiêu còn lại ở Nhơn Trạch, tiến công Thành Tuy Hạ, vượt sông đánh chiếm căn cứ hải quân Cát Lái, quận 9 và Bộ Tư lệnh Hải quân địch. Trong lúc đó, Sư đoàn 3 tiếp tục tiến ra giải phóng thị xã Vũng Tàu lúc 16 giờ ngày 29-4.

Hướng đông, sáng 29-4, Sư đoàn 341 thuộc Quân đoàn 4 có xe tăng dẫn đầu lần lượt đập tan nhiều ổ đề kháng, đánh xuống Biên Hòa. Trong lúc đó, Trung đoàn 273 tiêu diệt địch ở ga Long Lạc rồi tiến vào sân bay Biên Hòa chiếm căn cứ của Sư đoàn 3 không quân địch. Đêm 29-4, Sư đoàn 6 đập tan tuyến phòng thủ địch ở ngã ba Hố Nai nhưng do phải đột phá nhiều khu vực phòng thủ của địch nên Quân đoàn 4 chưa vượt qua Biên Hòa.

Cùng lúc, Sư đoàn 7 thuộc Quân đoàn 4 theo đường 1 tiêu diệt Tiểu đoàn 6 thủy quân lục chiến và một bộ phận Trung đoàn 82 thuộc Sư đoàn l8 của địch cách Hố Nai 1,5km, đột phá qua Tam Hiệp và đẩy nhanh tốc độ tiến công.

Hướng tây bắc, ngày 29- 4, Trung đoàn l98 thuộc Quân đoàn 3 đánh chiếm cầu Bông, cầu Xáng và đánh tan Tiểu đoàn 81 biệt kích dù. Sư đoàn 320 tiến công, tiêu diệt và làm tan rã Sư đoàn 25 địch, làm chủ hoàn toàn căn cứ Đồng Dù. Đến 17 giờ, Sư đoàn 316 làm chủ Trảng Bàng. 5 giờ 25 sáng ngày 29-4, Sư đoàn 10 tiến vào nội đô trên hai cánh. Trung đoàn 24 cùng 1 tiểu đoàn xe tăng theo quốc lộ 1, đánh tan cụm quân địch ở Hậu Nghĩa, Củ Chi, sau đó đánh chiếm thành Quan Năm và Hóc Môn. Trung đoàn 28 cùng các lực lượng tăng cường đánh chiếm Khu huấn luyện Quang Trung.

9 giờ 30, Trung đoàn 1 Gia Định đánh địch ở Tân Thới Nhật, Xuân Thới Thượng. Trung đoàn đặc công 115 giải phóng xã Tân Thới Hiệp. Tiểu đoàn 10 Gia Định chiếm cầu Chợ Mối…

Hướng tây và tây nam, Đoàn 232, Sư đoàn 3 làm chủ thị xã Hậu Nghĩa, đánh chiếm Chi khu Đức Hòa, Đức Huệ, căn cứ Trà Cú rồi tổ chức vượt sông Vàm Cỏ Đông. Sư đoàn 9 vào Mỹ Hạnh, thọc sâu về hướng Bà Quẹo.

Ở miền Tây Nam bộ, từ ngày 29-4, theo kế hoạch hiệp đồng với chiến dịch Hồ Chí Minh, các lực lượng chủ lực, địa phương phối hợp với nhân dân các tỉnh, huyện tiến công các căn cứ, cơ sở địch giải phóng địa phương mình.

Tại tỉnh Thủ Dầu Một, ngày 29-4-1975, Tỉnh ủy tổ chức triển khai kế hoạch tấn công. Mục tiêu tiến công vào thị xã được xác định: Tiểu khu Phú Lợi, Chi khu quân sự Châu Thành, Tòa hành chánh tỉnh, Ty Cảnh sát, trường Sĩ quan Công binh, Nhà máy đường Bà Lụa, Kho bạc... lực lượng tham gia đánh chiếm các mục tiêu trong thị xã dưới sự chỉ huy của Ban chỉ đạo, chỉ huy giải phóng thị xã, bao gồm các mũi:

- Cánh đông bắc, có nhiệm vụ đánh chiếm xã Chánh Hiệp.

- Cánh đông, lực lượng gồm trung đội vũ trang, một số cán bộ tăng cường của tỉnh và 1 tổ du kích Phú Hòa, phối hợp với lực lượng bên trong, đánh chiếm trụ sở Nhà việc Phú Cường.

- Cánh bắc, bao gồm một số cán bộ tăng cường của tỉnh và một tiểu đội an ninh có nhiệm vụ đánh đồn dân vệ xã Định Hòa, ấp Chánh Thành… sau đó tiến thẳng vào tỉnh lỵ phối hợp với lực lượng tại chỗ.

- Cánh nam, được chia thành hai tổ kết hợp lực lượng bên trong đánh chiếm ấp Chánh Ngoài, Chánh Trong và tiếp quản bảo vệ Nhà máy đường Bà Lụa.

- Cánh tây, có nhiệm vụ phối hợp với lực lượng mật đánh chiếm xã Tương Bình Hiệp, phát triển vào đánh chiếm thành công binh.

Ngoài ra, còn mũi do đồng chí Tám Tấn phụ trách cùng đồng chí Chín A và một trung đội công an vũ trang đánh chiếm Ty Cảnh sát và Khám đường, thả tù nhân.

Dinh quận và Chi khu Châu Thành, do huyện Châu Thành phụ trách.

Đến chiều ngày 29-4, các mũi đã áp sát các mục tiêu trong thị xã.

Phối hợp với Tân Uyên, ngày 29-4, tại Châu Thành, Phú Giáo, các đơn vị lực lượng vũ trang tỉnh, huyện, du kích các xã đồng loạt tiến công và nổi dậy bao vây bức hàng, bức rút nhiều đồn bót địch. Tại xã Hòa Lợi, từ đêm ngày 28-4, lực lượng Sư đoàn 312, được du kích xã dẫn đường đã chiếm lĩnh tỉnh lộ 2, chặn địch rút chạy. Các xã đông nam Châu Thành được sự chi viện của lực lượng tỉnh, huyện sử dụng Đại đội 62 cùng du kích các xã phát động quần chúng nổi dậy tiêu diệt làm tan rã hoàn toàn lực lượng bảo an, dân vệ và bộ máy kìm kẹp tề, vệ, giải phóng hoàn toàn 4 xã đông nam.

Ở các huyện Lái Thiêu, Dĩ An và thị xã Thủ Dầu Một, lực lượng ta trong ngày 29-4-1975 đã áp sát mục tiêu. Bị bao vây từ bốn hướng, bọn địch phòng thủ với tâm trạng hoang mang cực độ.

Như vậy sau 3 ngày chiến dịch (tính từ ngày 26 đến 28-4), quân giải phóng đã diệt và làm tan rã phần lớn các Sư đoàn 5, 25, 18, 22, 7 quân Sài Gòn. Các binh đoàn thọc sâu đã tiến đến vùng ven, cách trung tâm Sài Gòn từ 10 - 20km. (Còn tiếp)

 HÀ THĂNG (Nguyên Trưởng phòng Lịch sử Đảng - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=2176
Quay lên trên