Ngày Pháp luật nhằm giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội

Cập nhật: 09-11-2023 | 08:37:52

Nhân Ngày Pháp luật Việt Nam 9-11, P.V Báo Bình Dương đã phỏng vấn bà Nguyễn Anh Hoa (ảnh), Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh, về ý nghĩa của ngày này và các hoạt động nhằm tạo sự lan tỏa ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội.

 - Xin bà cho biết ý nghĩa của Ngày Pháp luật Việt Nam 9-11. Tại Bình Dương năm nay có những hoạt động nhằm hưởng ứng sự kiện này như thế nào?

- Ngày 9-11 được lấy là Ngày Pháp luật Việt Nam bởi đây là Ngày Hiến pháp đầu tiên của nước Cộng hòa xã hội Việt Nam được thông qua (ngày 9-11-1946). Tính đến nay, Việt Nam đã có 5 bản Hiến pháp, bản Hiến pháp đang có hiệu lực là Hiến pháp năm 2013.

Trên cơ sở đó, khi Quốc hội thông qua Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 đã chọn ngày 9-11 hàng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 8 của luật này cũng nêu rõ, Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội. Đây là ngày trong năm để khẳng định vị trí thượng tôn của pháp luật trong đời sống xã hội, nâng cao ý thức chấp hành và bảo vệ pháp luật tại Việt Nam và thúc đẩy tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền.

Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, Bộ Tư pháp về tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật năm 2023, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tổ chức nhiều hoạt động xuyên suốt từ đầu năm đến nay. Trong đó, tập trung cao điểm vào tháng 10 và tháng 11.

Trong các hoạt động, tập trung vào những nội dung sau: Ðẩy mạnh phổ biến, giáo dục pháp luật; tập trung phổ biến chính sách, pháp luật, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp (DN); các luật, pháp lệnh, văn bản mới được thông qua năm 2022 và năm 2023; các quy định có liên quan trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, DN; pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí…

Tăng cường công tác truyền thông dự thảo chính sách thuộc phạm vi của Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022- 2027” trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, chương trình công tác năm 2023 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhất là các dự án luật có vai trò quan trọng trong việc tạo lập môi trường thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh, bảo đảm quyền lợi của người dân, DN, như: Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi); dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi)... góp phần củng cố niềm tin, tạo đồng thuận trong toàn xã hội.

Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc mục đích, ý nghĩa của Ngày Pháp luật Việt Nam, xuyên tạc nội dung các luật đang có hiệu lực thi hành và trong quá trình Quốc hội thảo luận cho ý kiến đối với các dự án luật, nhất là những dự án luật có ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống nhân dân.

- Xin bà cho biết sự lan tỏa của Ngày Pháp luật Việt Nam đối với người dân đang sinh sống trên địa bàn tỉnh?

- Qua công tác tuyên truyền nên người dân không còn quá xa lạ với tuần lễ ngày pháp luật. Việc đó cho thấy được sự lan tỏa của ngày pháp luật đối với người dân ngày càng đạt hiệu quả cao, tạo thói quen tự giác thực hiện, ứng xử theo pháp luật và xây dựng văn hóa pháp lý trong toàn xã hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, một xã hội Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Qua thực tiễn cho thấy, người dân ngày càng hiểu rõ hơn về các công cụ pháp lý, họ lựa chọn việc giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn giữa người dân DN với nhau trên nền tảng các quy định pháp luật.

- Bà nhận xét gì về việc triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam ở Bình Dương? Thời gian tới, công tác tuyên truyền pháp luật hướng đến DN, người lao động (NLĐ) như thế nào?

- Nhiều đơn vị, sở, ngành trong tỉnh đã tổ chức triển khai các hoạt động để hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam. Các hoạt động thường tập trung vào việc tổ chức hội thi tìm hiểu pháp luật, các chương trình tọa đàm về pháp luật.

Cụ thể như Sở Tư pháp - Cơ quan Thường trực Hội đồng Phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh, tổ chức hội thi Hòa giải viên giỏi; tổ chức cuộc thi tìm hiểu pháp luật trên internet; thực hiện các hoạt động truyền thông tuyên truyền về ngày pháp luật, thực hiện tuyên truyền cổ động trực quan trên các đường phố…

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn” lần thứ XI năm 2023. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức hội thi “Tìm hiểu và phổ biến pháp luật về lĩnh vực công tác xã hội” tỉnh Bình Dương năm 2023 và hội thi “Tìm hiểu Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình” năm 2023.

 Một buổi tuyên truyền pháp luật do Công an tỉnh tổ chức đã thu hút hàng trăm công nhân tham gia. Ảnh: HƯNG PHƯỚC

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức phát động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam và Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình trên cơ sở giới. Tổ chức tọa đàm và nói chuyện chuyên đề về hưởng ứng ngày pháp luật. Tỉnh đoàn tổ chức hội thi sân khấu hóa tìm hiểu kiến thức, pháp luật về phòng, chống ma túy với chủ đề “Tuổi trẻ Bình Dương nói không với ma túy” năm 2023…

Song song đó, các địa phương cũng tập trung tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa ngày pháp luật; đẩy mạnh tuyên truyền cổ động trực quan cũng như tổ chức các hoạt động hưởng ứng thiết thực thông qua các hội thi.

Thời gian tới, để việc tuyên truyền pháp luật đến DN, NLĐ đạt hiệu quả cao, tôi cho rằng chúng ta cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó chú trọng đến các nội dung sau:

Thứ nhất: Cần tiếp tục nâng cao vai trò chủ động tham mưu của các ngành, đoàn thể có liên quan trực tiếp đến DN, NLĐ trong các DN. Quan tâm trong công tác truyền thông, phát huy hiệu quả của hệ thống truyền thanh cơ sở và tại các DN.

Thứ hai: Tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng, với người sử dụng lao động, coi trọng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Phát triển đa dạng các hình thức và nâng cao chất lượng công tác tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý của công đoàn. Kết hợp giáo dục pháp luật với giáo dục đạo đức, văn hóa, nâng cao trình độ của công nhân, NLĐ.

Thứ ba: Nâng cao trách nhiệm của chủ DN trong việc tuyên truyền phổ biến pháp luật.

Thứ tư: Tiếp tục nghiên cứu cải tiến phương pháp tuyên truyền, giáo dục, làm phong phú, sinh động các hình thức phổ biến pháp luật. Kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật của cả người sử dụng lao động và NLĐ, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, giải quyết những vướng mắc từ cơ sở. Đồng thời, phát hiện những nội dung bất cập, không khả thi của pháp luật trong quá trình triển khai thực hiện để đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Thứ năm: Ngoài công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, cần thực hiện việc xử lý, xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật mang tính phổ biến và thường xuyên vi phạm của NLĐ, như: Giao thông, môi trường, lao động, an ninh trật tự… vì thông qua việc xử lý chúng ta vừa bảo đảm việc thực thi pháp luật, vừa mang mục đích giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật.

- Xin cám ơn bà!

QUỲNH NHƯ (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1593
Quay lên trên